Tiền bạc trong chính trường Hàn Quốc
Ở những nước mà bầu bán mang tính quyết định trong cuộc cạnh tranh giành quyền lãnh đạo, các đảng phái và chính khách cần tiền bạc tài trợ như “con cá sống vì nước”.
Tiền bạc trong chính trường Hàn Quốc
Ở những nước mà bầu bán mang tính quyết định trong cuộc cạnh tranh giành quyền lãnh đạo, các đảng phái và chính khách cần tiền bạc tài trợ như “con cá sống vì nước”.
Tổng thống Park Geun Hye đến tưởng niệm nạn nhân vụ chìm phà Sewol nhân một năm thảm họa này tại cảng Jindo ngày 16-4 – Ảnh: AFP |
Ngược lại, các đảng phái cùng chính khách một khi đắc cử có đền đáp lại cũng là điều dễ hiểu, như ở Mỹ là ghế đại sứ mà tổng thống tân cử sau đó sẽ ban phát cho các “mạnh thường quân” hào phóng nhất.
Tất cả đều hợp pháp nhưng vấn đề là: góp vào quỹ của các đảng như thế nào và đền đáp lại như thế nào? Câu trả lời sẽ khác nhau, tùy mỗi nước điều tiết mối quan hệ này bằng những đạo luật như thế nào.
Khi các bên liên quan vượt ra ngoài khuôn khổ các luật lệ và quy định đó thì sự cố nhất định xảy ra. Việc ông Sung Wan Jong, cựu chủ tịch Tập đoàn xây dựng Keangnam, treo cổ tự tử tuần trước là một ví dụ cho thấy mối quan hệ này đã trục trặc như thế nào và hậu quả ra sao.
Có hai vấn đề tách biệt trong vụ này. Trước hết, theo thư tuyệt mệnh, ông đã hối lộ cho tám nhân vật lớn trong đó có cả đương kim thủ tướng, chánh văn phòng phủ tổng thống và hai người tiền nhiệm, một nghị sĩ cùng mấy nhân vật khác.
Vì thế người ta đang đặt câu hỏi vì sao tập đoàn của ông Sung “khơi khơi” được nhà nước cho vay tương đương 73 triệu USD để rồi bị điều tra (UPI, 13-4), dẫn đến phải tự tử.
Vấn đề thứ hai là có thật ông Sung đã góp cho quỹ của đảng Saenuri cầm quyền. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó trên tờ Kyungyhang, ông Sung từng cho biết đã gửi 200 triệu won cho nghị sĩ Hong Moon Jong, người phụ trách chiến dịch tranh cử năm 2012, cho đương kim Tổng thống Park Geun Hye, và ông tin số tiền này đã được sử dụng cho chiến dịch này.
Ngoài ra, ông Sung cũng cho biết đã gửi cho ông Lee Wan Koo (nay là thủ tướng) 30 triệu won khi ông này ra tranh cử quốc hội năm 2013.
Tất nhiên, góp cho quỹ tranh cử khác với hối lộ. Tất nhiên, các cơ quan điều tra Hàn Quốc sẽ xem lại việc góp này có phù hợp luật pháp hay không, và đây mới chính là điều đe dọa thanh danh đương kim tổng thống và thủ tướng.
Theo Jun Ho Won của đại học quốc gia Hankyong trong khảo sát về “Quy định về quỹ chính trị cùng các tác động”, đạo luật quỹ chính trị được sửa đổi năm 2004 đã nghiêm cấm tất cả đóng góp của các tập đoàn kinh tế. Nếu những gì ông Sung quá cố đã khai ra là chính xác, thì việc ông chủ tịch Tập đoàn Keangnam hiến cho quỹ tranh cử như thế là không hợp pháp.
Thật ra, khi quyết liệt cấm việc các tập đoàn kinh tế hiến như thế, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã dành cho các chính đảng một nguồn quỹ khác là tiền tài trợ từ ngân sách.
Theo đạo luật “Tài trợ cho các đảng chính trị”, ngân sách nhà nước chi cho các chính đảng: nhiều hay ít căn cứ trên số phiếu giành được trong cuộc bầu cử quốc hội gần nhất, cứ mỗi lá phiếu thu về sẽ được chi 800 won (0,6 USD).
Như vậy các đảng lấy được bao nhiêu phiếu được chi bấy nhiêu tiền! Chẳng hạn năm 1998, đảng Dân chủ thiên niên kỷ của ông Kim Dae Jung được cấp 71,3 tỉ won (55 triệu USD), đảng Đại dân tộc (nay là đảng Saenuri cầm quyền) được cấp 55,7 tỉ won (44 triệu USD), đảng về ba là Dân chủ thống nhất được 29,3 tỉ won (23 triệu USD), theo tài liệu “Việc gây quỹ các đảng chính trị và các chiến dịch tranh cử”, nxb IDEA.
Cho dù vẫn còn liên tiếp “dính lỗi” tham nhũng, thậm chí liên quan tới những người thân cận của tổng thống nhưng ở Hàn Quốc không có một “vùng cấm” nào để che chắn bất cứ ai, cho dù là tổng thống hay thủ tướng.
Phải biến Hàn Quốc thành “một quốc gia sạch sẽ hơn” Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cảnh báo sẽ không nhân nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng mà chính phủ nước này đang đối mặt. “Tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ quan chức nào dính đến tham nhũng. Nhân dân cũng sẽ không tha thứ cho những người này” – Hãng tin Yonhap dẫn lời Tổng thống Park. Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của bà Park đối với giới chức cấp cao dính vào các bê bối tham nhũng đang gây chấn động Hàn Quốc. Chính phủ của bà cũng rúng động do các vụ bê bối được cho là có dính líu đến Thủ tướng Lee Wan Koo và các chính trị gia thân với Tổng thống Park. Bà Park khẳng định những nghi ngờ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc phải được xử lý như một vấn đề trong cải cách chính trị của nước này. Bà cam kết tăng cường chống tham nhũng để biến Hàn Quốc thành “một quốc gia sạch sẽ hơn”. Bà nhấn mạnh chính tệ nạn tham nhũng đã gây nên thảm họa chìm phà Sewol cách đây một năm làm thiệt mạng 304 người. Thủ tướng Lee cũng đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức sau khi bị cáo buộc đã nhận 27.000 USD từ ông Sung trong cuộc chạy đua giành một ghế trong Quốc hội Hàn Quốc từ tháng 4-2013. “Tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình mà không cần phải suy nghĩ gì” – ông Lee nói trước khi dự phiên họp quốc hội Hàn Quốc ngày 16-4. MỸ LOAN |