Thêm nguồn vốn cho châu Á
Cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới diễn ra trong vài ngày tới tại Washington, có không sự đột phá trong lĩnh vực điều hành kinh tế?
Thêm nguồn vốn cho châu Á
Cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới diễn ra trong vài ngày tới tại Washington, có không sự đột phá trong lĩnh vực điều hành kinh tế?
Nhu cầu vốn khổng lồ cho hạ tầng ở châu Á sẽ được đáp ứng từ AIIB – Ảnh: AFP |
Có lẽ việc Mỹ phản đối AIIB chính là ví dụ của một hiện tượng kinh tế mà tôi thường quan sát thấy: các công ty đều thuận tình cho việc cạnh tranh lớn hơn ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ trong ngành nghề của họ |
Joseph E. Stiglitz |
Cuộc họp thường niên mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra trong vài ngày tới tại Washington. Nhưng ta không thể trông chờ đột phá quan trọng nào trong lĩnh vực điều hành kinh tế toàn cầu.
Thực tế là đột phá đã diễn ra tháng trước khi Anh, Đức, Pháp và Ý tuyên bố cùng tham gia với 30 quốc gia khác với tư cách là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
AIIB, với số vốn khởi đầu 50 tỉ USD, sẽ giúp đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ của châu Á mà các định chế tài chính hiện tại không thể đảm đương được.
Ta có thể tin rằng việc thành lập AIIB và việc nhiều chính phủ quyết định tham gia ngân hàng này đã tạo ra sự phấn khích toàn cầu. Điều đó cũng từng xảy ra với trường hợp của IMF, của WB và nhiều quốc gia khác trước đây.
Sẽ có 57 quốc gia làm thành viên sáng lập AIIB Hôm qua, Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Sử Diêu Bân cho biết AIIB sẽ có tổng cộng 57 quốc gia làm thành viên sáng lập, gồm 37 thành viên ở châu Á, trong đó có Việt Nam, và 20 thành viên từ các khu vực khác, theo Reuters. Ông Sử nói đại diện các nước thành viên sẽ gặp nhau lần nữa vào cuối tháng 4 và tháng 5 để thống nhất bản tuyên bố phác thảo AIIB và “ký kết bản tuyên bố này vào cuối tháng 6”. Ông Kim Lập Quần, người đứng đầu ban thư ký đa phương lâm thời của AIIB, cho biết tại một diễn đàn ở Singapore gần đây rằng dù Trung Quốc có cổ phần lớn nhất trong AIIB, nhưng Trung Quốc sẽ không chi phối hoạt động của ngân hàng. Bắc Kinh nói sẽ không giữ quyền phủ quyết trong AIIB, không giống như WB nơi Washington có quyền phủ quyết giới hạn. Bắc Kinh tuyên bố sẽ có một ban lãnh đạo quản lý hoạt động của AIIB. Bước đầu các thành viên sáng lập sẽ chi 1/5 trong tổng số 50 tỉ USD vốn uỷ quyền, sau đó sẽ được tăng lên 100 tỉ USD. |
Nhưng lạ lùng là việc các quốc gia giàu có ở châu Âu quyết định tham gia AIIB đã khiến các quan chức Mỹ giận dữ.
Một nguồn tin giấu tên từ Mỹ cáo buộc Anh “thoả hiệp” với Trung Quốc. Mỹ cũng đã bí mật gây áp lực với nhiều nước khác buộc tránh xa ngân hàng này.
Việc Mỹ phản đối AIIB như vậy không nhất quán với các ưu tiên kinh tế ở châu Á mà Mỹ từng tuyên bố. Có vẻ Mỹ thiếu tự tin về sức ảnh hưởng toàn cầu của mình. Việc phản đối này có thể sẽ hủy hoại cơ hội thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.
Ví dụ của chính Trung Quốc là bằng chứng cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng có thể đóng góp cho sự phát triển. Vào tháng trước, tôi có đến thăm một số nơi vốn là khu vực hẻo lánh trước đây ở Trung Quốc nhưng bây giờ đã trở nên thịnh vượng.
Đó chính là kết quả của sự đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông và thông tin giúp tạo ra dòng di chuyển dễ dàng hơn cho nhân lực, hàng hóa và ý tưởng.
AIIB có thể mang lại những lợi ích tương tự cho những quốc gia khác ở châu Á và điều đó càng làm sự chống đối của Mỹ thêm không hợp thời. Chính quyền của ông Obama bảo vệ những ưu điểm của tự do thương mại nhưng ở các quốc gia đang phát triển, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng là rào cản chính đối với thương mại, nghiêm trọng hơn nhiều so với hàng rào thuế quan.
Vào thời điểm mà nhu cầu ở gần như mọi nơi không được đáp ứng, một quỹ tài chính như AIIB sẽ đóng vai trò bổ trợ: định hướng dòng tiền đến những nơi tạo ra sự hữu ích nhất bởi vì các thị trường tài chính thường không làm được việc điều chuyển tiền dư từ những nơi mà thu nhập vượt quá sức tiêu dùng đến những nơi cần nguồn vốn đầu tư.
Khi còn là chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ, ông Ben Bernanke đã sai lầm khi mô tả hiện tượng này là “sự thừa mứa tiền tiết kiệm toàn cầu”.
Nhưng trong một thế giới có nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ, vấn đề không phải là sự thặng dư tiền tiết kiệm hay sự thiếu hụt các cơ hội đầu tư sinh lãi. Vấn đề ở đây là hệ thống tài chính chỉ hoạt động kiểu thao túng thị trường, đầu cơ tích trữ, mua bán tay trong nhưng không thực hiện được nhiệm vụ cốt lõi của nó: đưa tiền tiết kiệm vào đầu tư trong phạm vi toàn cầu. Đó là lý do tại sao AIIB có thể mang lại ít lợi ích dù nhỏ nhưng rất cần hiện nay.
Do vậy, chúng ta nên hoan nghênh sáng kiến đa phương hoá nguồn vốn của Trung Quốc cho đầu tư. Thật ra, mô hình tài chính này sao chép chính sách của Mỹ thời kỳ hậu Thế chiến II khi WB được thành lập để đa phương hoá nguồn vốn phát triển. Những nguồn vốn này chủ yếu từ phía Mỹ mà ra (đây là động thái giúp tạo ra lực lượng công chức và chuyên gia phát triển hàng đầu thế giới).
Những sáng kiến mới nhằm đa phương hoá nguồn vốn hỗ trợ – bao gồm sự kiện ra mắt Ngân hàng Phát triển mới tháng 7-2014 của các nước khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đều có khả năng đóng góp quan trọng cho sự phát triển toàn cầu.
Vài năm trước đây, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng bảo vệ những ưu điểm của chủ nghĩa đa phương cạnh tranh. Giờ đây AIIB là cơ hội để thử nghiệm ý tưởng trên trong lĩnh vực tài chính dành cho phát triển.
Sự phản đối của Mỹ đối với AIIB không phải là không có tiền lệ. Thực tế là nó giống việc phản đối (thành công) Sáng kiến Miyazawa mới của Nhật vào cuối thập niên 1990 đưa 80 tỉ USD giúp các quốc gia trong khủng hoảng Đông Á.
Hiện tại, cũng giống như lúc đó, Mỹ không đưa ra được nguồn tài chính thay thế nào khác, đơn giản là quốc gia này mong muốn bá quyền.