11/01/2025

Học chuyên theo kiểu quốc tế

Không ít quốc gia trên thế giới duy trì hệ thống trường chuyên với thi tuyển đầu vào rất khắt khe nhưng mục đích đào tạo khác xa kiểu “luyện gà chọi” để tham gia các kỳ thi như của VN.

 

Học chuyên theo kiểu quốc tế

 

Không ít quốc gia trên thế giới duy trì hệ thống trường chuyên với thi tuyển đầu vào rất khắt khe nhưng mục đích đào tạo khác xa kiểu “luyện gà chọi” để tham gia các kỳ thi như của VN.


 

Học chuyên theo kiểu quốc tế - ảnh 1Một buổi trình bày tại lớp học của chương trình HKAGE ở Hồng Kông – Ảnh: HKAGE
Những mô hình chuyên này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tài năng phát triển để sau này trở thành những nhà sáng tạo ở các lĩnh vực hoặc lãnh đạo xuất sắc.
Đào tạo năng khiếu, có thể viết tắt là GATE, TAG hay G/T, là một thuật ngữ rộng dùng để chỉ những phương pháp, quy trình giảng dạy đặc biệt dành cho những trẻ có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó, từ trí thông minh, óc sáng tạo, có khiếu mỹ thuật, nổi bật về khả năng lãnh đạo.
Một số cuộc nghiên cứu như của tiến sĩ James A.Kulik (ĐH Michigan – Mỹ) rút ra kết luận rằng các học sinh (HS) có năng khiếu được hưởng lợi ít nhất trong các lớp học bình thường, và năng lực học tập được đẩy mạnh nếu được rèn luyện trong một môi trường dành riêng cho chúng. Tùy theo nước, HS năng khiếu dao động từ nhóm IQ chiếm 2% hạng đầu của toàn quốc, hoặc một số nước mở rộng đến 5%. Để lựa chọn những HS vào các trường năng khiếu, hay trường chuyên, đa phần các nước dựa vào chỉ số IQ để làm thước đo đầu vào. Tuy nhiên, các trường còn đánh giá năng lực học tập dựa trên bảng điểm của các năm học trước, kết luận của giáo viên đứng lớp và các kỳ thi đầu vào.
Tại Bắc Mỹ, Canada là nước hiện duy trì hệ thống trường chuyên từ THCS, khác với Mỹ chỉ có lớp dành cho K-12, hoặc những khóa hè dành cho HS năng khiếu bậc trung học. Ví dụ, Bộ Giáo dục Calgary (CBE) tại Calgary, bang Alberta, có nhiều trường cung cấp chương trình GATE, từ cấp tiểu học đến trung học, cụ thể từ lớp 4 – 12. Thông qua kết quả IQ, HS sẽ được xếp vào dạng năng khiếu hoặc thần đồng. Trường tiểu học Hillhurst và tiểu học Nellie McClung có chương trình đào tạo năng khiếu từ lớp 4 – 6. Còn từ lớp 7 – 9, HS có thể đăng ký vào Trường Nữ hoàng Elizabeth. Thành phố Ontario có các trường chuyên dành cho bậc THCS như Trường Lorne Park, Glenforest, Heart Lake, Humberview.
Còn tại châu Á, chẳng hạn Hồng Kông, dù giáo dục năng khiếu đã bắt đầu vào năm 1990, nhưng đến năm 2007 Trưởng đặc khu Tăng Âm Quyền mới tuyên bố thành lập Học viện Giáo dục năng khiếu Hồng Kông (HKAGE), cung cấp các lớp cho những HS cực giỏi từ 10 – 18 tuổi. Để được nhận vào HKAGE, HS được các trường đề cử để bước vào cuộc thi sàng lọc đầu vào. Ban đầu, học viện chỉ phân thành 4 ban chính là nhân văn, lãnh đạo, toán và khoa học, nhưng mới đây đã cập nhật theo cải cách giáo dục bậc THCS của lãnh thổ này.
Trong khi đó, chương trình giáo dục năng khiếu tại Singapore dành cho 1% nhóm HS hàng đầu trong mỗi năm học, và triển khai ở cấp tiểu học lẫn trung học, bất chấp một số quan ngại của người dân. Tính riêng ở bậc THCS, có các trường như Dunman, Viện Hwa Chong, Trường nữ sinh Nanyang, Trường nữ sinh Raffles…
Ở Úc, cụ thể là Nam Úc, hiện triển khai chương trình Ignite dành cho các HS lớp 6, 7. Nếu thi đậu đầu vào, tùy theo nơi ở mà các HS được phân vào nhóm 3 trường Aberfoyle Park, Glenunga hoặc The Heights.
Một số nước châu Âu như Áo, Đan Mạch, CH Czech, Ba Lan, Anh và CH Ireland cũng có các lớp chuyên dành cho HS chứng tỏ được tài năng hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa nhưng không phổ biến và trở thành một hệ thống giáo dục riêng biệt như tại Canada hoặc Hồng Kông.

 

Thuỵ  Miên