Bạn trẻ có phai nhạt lý tưởng?
“Liệu các bạn trẻ hôm nay có biểu hiện phai nhạt lý tưởng không?”, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi tại toạ đàm do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 15-4 và cũng chính bà tự trả lời: có!
Bạn trẻ có phai nhạt lý tưởng?
“Liệu các bạn trẻ hôm nay có biểu hiện phai nhạt lý tưởng không?”, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi tại toạ đàm do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 15-4 và cũng chính bà tự trả lời: có!
Thanh niên hôm nay đang nghĩ gì về trách nhiệm trước thời cuộc? Trong ảnh: sinh viên TP.HCM trong một hoạt động tình nguyện – Ảnh: Quang Định |
Tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thanh niên thành phố trong quá trình hội nhập, xây dựng và phát triển thành phố” như một khoảng lặng để nhìn lại sự chung sức của tuổi trẻ trong hành trình dài của thành phố sau 40 năm thống nhất đất nước.
Thanh niên hôm nay đang nghĩ gì về vai trò, trách nhiệm của họ trước thời cuộc, trong việc góp tay xây dựng thành phố và đất nước? Thanh niên có phai nhạt lý tưởng không? Những câu hỏi tưởng như to tát đó lại là vấn đề rất gần gũi trong đời sống hằng ngày đã được đặt ra tại tọa đàm.
Kỹ năng sống còn yếu
Tại tọa đàm, nhiều phát biểu cho rằng đây là lúc để tổ chức Đoàn và tự thân mỗi bạn trẻ nghiêm túc nhìn lại mình từ nhiều góc độ.
Chị Nguyễn Kiều Ánh Nguyệt (Quận đoàn 2) dẫn con số một khảo sát trong thanh niên TP.HCM rằng có đến hơn 66% bạn trẻ trong cuộc khảo sát cho biết thích tham gia các hoạt động tình nguyện. Các bạn ưu tiên chọn giá trị sống dấn thân, sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng với tỉ lệ cao hơn nhiều so với nhu cầu về quyền lực, được sống giàu có.
Chia sẻ điều ấy, song bà Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi: “Liệu các bạn trẻ hôm nay có biểu hiện phai nhạt lý tưởng không?” và cũng chính bà tự trả lời: có!
Bà Thảo chỉ ra kiến thức, kỹ năng của thanh niên nhìn chung còn yếu, nhất là không có kỹ năng đọc vì “thống kê gần đây cho thấy mỗi thanh niên VN chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm, trong khi con số này ở Israel là 60, ở Malaysia là 28”.
Đồng tình, chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ Dương Thành Truyền cung cấp con số đáng buồn: Thành đoàn và Nhà xuất bản Trẻ tặng 886 thẻ đọc sách cho cán bộ Đoàn nhưng chỉ có 154 tài khoản được kích hoạt trên trang Ybook và 42 người trong số đó tải 474 cuốn sách. Như vậy không quá 5% người được tặng sách có đọc sách.
“Cùng giúp thanh niên xây dựng thói quen đọc sách nếu muốn thanh niên phát triển và phải bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi bởi sách không chỉ giúp kiến thức mà đó còn là lập luận, năng lực ngôn từ” – ông Truyền nói.
Ông Phạm Chánh Trực – nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – cho rằng xã hội đang quan tâm nhiều đến kỹ năng sống cho người trẻ, điều này rất tốt nhưng có vẻ như đang thờ ơ với “kỹ năng chết”.
“Kỹ năng chết” của người trẻ như ví von của ông chính là vấn nạn ma túy đang có biểu hiện gia tăng, tai nạn giao thông, chuyện tự tử, đâm chém nhau của giới trẻ diễn ra liên tục, hằng ngày… “Chúng ta quan tâm đến các bạn trẻ tích cực nhưng lại thiếu chủ động tiếp cận với các bạn có biểu hiện chậm tiến, lạc hậu, thậm chí vướng vào tệ nạn xã hội. Đoàn phải làm điều này chứ chẳng lẽ để xã hội tự điều chỉnh?” – ông Trực đặt vấn đề.
Nhận định tuổi trẻ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn sắt son một niềm tin với Đảng, luôn sống có lý tưởng và hoài bão cao đẹp, song Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường cũng thừa nhận giới trẻ chịu ảnh hưởng bởi tác động của kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng.
Điều đó, theo anh Cường, đặt ra cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cho tổ chức Đoàn phải quyết liệt hơn, không ngừng đổi mới cách tiếp cận, tập hợp thanh niên, nội dung hoạt động. “Đoàn chính là thanh niên và mỗi thanh niên cũng chính là đại diện của Đoàn. Do vậy đổi mới vẫn luôn là việc phải làm của tổ chức Đoàn, tạo được môi trường để thanh niên có điều kiện góp phần xây dựng và phát triển thành phố, đất nước” – anh Cường phát biểu.
Đòi hỏi là thể hiện trách nhiệm
Anh Lý Thành Tiến (Đoàn các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM) nói Đoàn tạo môi trường cho thanh niên cống hiến nhưng bản thân mỗi bạn trẻ cũng cần tự ý thức rèn luyện, học tập để có thể phát triển một cách tốt nhất. Anh Tiến cho rằng từ môi trường đã tạo ra, tổ chức Đoàn khi cần thiết cũng nên đòi hỏi sao cho mỗi bạn trẻ thấy được trách nhiệm, biết trăn trở với việc đóng góp, xây dựng thành phố.
Trong khi đó bà Phạm Phương Thảo thẳng thắn chỉ ra lý luận của Đoàn còn lúng túng, thực tiễn lại chưa sát thanh niên. Song song đó, Đảng cũng chưa có cơ chế lắng nghe thanh niên một cách đầy đủ. “Trước đây Đoàn định kỳ gặp gỡ, nói thẳng nói thật với Đảng nhưng hiện nay việc này ít quá, đơn đặt hàng của Đảng dành cho Đoàn cũng ít. Đó là chưa nói người đi trước làm gương sáng cho thanh niên hiện có mà còn ít quá” – bà Thảo nhận định.
Cũng theo bà Thảo, tổ chức Đoàn, các bạn thanh niên phải biết đòi hỏi ở chính mình và ở Đảng những điều kiện để các bạn thể hiện tốt nhất vai trò, rõ nhất trách nhiệm với thành phố.
“Thành đoàn phải mạnh dạn đề xuất Thành uỷ cơ chế làm việc, đặt hàng cụ thể của Thành ủy, lãnh đạo thành phố với thanh niên là gì, cũng như lắng nghe và giải quyết một cách thực chất các vấn đề của thanh niên thành phố” – bà Thảo “mách nước”.
Lập hai làng du lịch và mua sắm Thành đoàn tiên phong đề xuất lãnh đạo thành phố lập hai làng. Một là làng du lịch mua sắm thanh niên phục vụ phát triển du lịch với mặt hàng của các nước trong ASEAN. Hai là làng văn hóa nghệ thuật ASEAN sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm, biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa các nước ASEAN. Sẵn sàng nhận và hoàn toàn có thể làm được làng văn hoá, ngôi nhà thanh niên ASEAN khi công trình xây dựng Nhà văn hoá Sinh viên tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM hoàn thành nếu được giao. |
Hội nhập – chuyện tất yếu Ông Phạm Chánh Trực chỉ ra rằng dù muốn dù không VN vẫn phải hợp tác với các nước trong sự chủ động và hết sức khôn khéo: “Những sự kiện diễn ra trên biển Đông thời gian qua chắc chắn chưa kết thúc nên mỗi thanh niên phải xây dựng tinh thần thép, có sức chịu đựng và không lùi bước để càng phải giữ vững chủ quyền đất nước cũng là cách để tự tin khi làm ăn với các đối tác trong thời đại hội nhập toàn cầu này”. Theo TS Nguyễn Tiến Hoàng (ĐH Ngoại thương cơ sở 2), nếu thời cơ là cơ hội giao lưu văn hóa, tiếp cận và trải nghiệm trong môi trường học tập, làm việc mới nhưng chính sự dịch chuyển dòng lao động có tay nghề giữa các nước trong khối ASEAN khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay sẽ là thách thức lớn cho thanh niên TP.HCM nói riêng, VN nói chung. “Đoàn cần giúp thanh niên thông tin đầy đủ, công khai những cam kết VN đã ký trong các hiệp định song phương, đa phương để các bạn có đủ thông tin mà chọn lựa hướng đi tốt nhất” – TS Hoàng bày tỏ. |