Đầu tư công phải công bằng
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), cho rằng: “Việc bỏ mô hình trường chuyên THCS trong hệ thống công lập là cần thiết vì sẽ xóa bỏ đặc quyền của loại hình này và thúc đẩy tất cả các trường THCS đều phải nâng cao chất lượng giáo dục”.
Trong bài viết của mình xung quanh việc thi tuyển cũng như sự tồn tại của hệ thống THCS chuyên, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), chia sẻ: Kinh nghiệm của thế giới cho thấy ở bậc tiểu học và THCS – là bậc học phổ cập tại hầu hết các quốc gia – vấn đề không phải là chất lượng, mà là công bằng về “khả năng tiếp cận giáo dục” (có chỗ học cho người cần học). Ngành giáo dục phải có trách nhiệm tạo điều kiện học hành cho tất cả các em ở độ tuổi đi học tại một trường công lập miễn phí. Mọi sự đầu tư về cơ sở vật chất như: sân chơi, phòng học, thư viện, y tế học đường và chất lượng của thầy cô đều phải ở cùng một mức ngang nhau để đảm bảo sự công bằng về cơ hội học hành cho mọi người.
Từ đó, bà Phương Anh khẳng định cần xoá bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS.
|
|
|
Việc bỏ mô hình trường chuyên THCS trong hệ thống công lập là cần thiết vì sẽ xoá bỏ đặc quyền của loại hình này và thúc đẩy tất cả các trường THCS đều phải nâng cao chất lượng giáo dục
|
|
|
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội
|
|
|
Càng ngày, xu hướng cho con vào trường chuyên để con có một môi trường thuận lợi tìm được học bổng du học ở nước này, nước kia, càng rõ ràng hơn. “Và như vậy thì việc đầu tư của nhà nước có rất lãng phí hay không?”, bà Thơ đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thành Nam, tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường ĐH Grenoble (Pháp), cũng nêu lên một trong những vô lý của việc đầu tư cho sự tồn tại mô hình trường chuyên, lớp chọn nói chung. Ông Nam cho rằng trong khi nhà nước dồn ngân sách cho các trường điểm, trường chuyên nhưng kết quả là HS chuyên sau khi tốt nghiệp phổ thông chẳng mấy người tiếp tục học chuyên ngành ấy khi lên ĐH theo hướng nghiên cứu…
CLB ở trường công, sự tự do hoạt động của trường tư
Mục đích quan trọng nhất của trường chuyên lâu nay là luyện để HS tham gia các kỳ thi HS giỏi lấy thành tích. Với những thay đổi của cuộc sống ngày nay và trong tương lai, kiểu trường này đã không còn phù hợp.
Nếu muốn đào tạo nhân tài hay tạo điều kiện cho HS giỏi có cơ hội phát huy thì không cần mô hình trường chuyên. Đó có thể là các lớp nâng cao, nhóm HS năng khiếu – tự học dưới sự hỗ trợ của nhà trường. Đó còn là các câu lạc bộ học tập dành cho HS có năng khiếu hay say mê một môn học hoặc chủ đề nào đó.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nêu giải pháp cho việc tạo điều kiện và phát triển năng khiếu cho HS ngay trong tất cả các trường phổ thông như xây dựng hệ thống các môn học, các nội dung tự chọn ngoài chương trình để HS có cơ hội phát triển năng khiếu. Chẳng hạn như môn toán, ngoài nội dung bắt buộc theo yêu cầu của chương trình, ở phần tự chọn có thể dạy ở trình độ cao hơn, rộng hơn, nhưng không tính vào điểm tốt nghiệp. Trong các trường học, nên khuyến khích các sinh hoạt tập thể theo kiểu “vừa vui vừa học”. Cho phép HS thành lập các nhóm, các câu lạc bộ bao gồm những người yêu thích một môn học nào đó, sinh hoạt tự nguyện, có sự tham gia của giáo viên để giúp đỡ các em. Như vậy, sẽ tạo điều kiện để HS yêu thích một môn học nào đó có thể phát triển tối đa năng khiếu của bản thân.
Ngoài ra, cũng có hướng đi khác cho những người có điều kiện và sẵn sàng chấp nhận trả mọi chi phí để có được chất lượng giáo dục tốt hơn cho con em mình. Bà Phương Anh khẳng định: “Hãy đến với hệ thống tư nhân. Hệ thống năng động này sẽ biết cách để phục vụ mọi nhu cầu đa dạng của mọi người, với điều kiện nó có được sự tự do cần thiết để hoạt động”.
Bà Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng về mặt nguyên tắc, trường công là đáp ứng nhu cầu đại trà, cơ bản, còn trường tư là nơi có quyền có cách làm riêng, tạo ra những sản phẩm khác biệt. Bà Thơ đề xuất: Trường chuyên, lớp chọn ở tư nhân sẽ phải khác với trường chuyên lớp chọn mà chúng ta đang làm hiện nay. Vì theo mô hình của các nước thì những trường được xem là danh tiếng, trường chuyên được hình thành theo mong muốn, nhu cầu của một bộ phận phụ huynh, HS. Họ có điều kiện kinh tế và con của họ có xu hướng phù hợp thì họ lựa chọn trường học đó. Khi đã làm được như vậy thì luồng thông tin giáo dục cần phải cởi mở hơn để phụ huynh tiếp cận và họ thoải mái tin tưởng và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Ý kiến
Tồn tại là đi ngược lại quy định
Dù cách nào thì việc để tồn tại hệ thống THCS chuyên là hoàn toàn đi ngược lại với quy định. Trước đây, loại hình này đã từng tồn tại nhưng vì những bất cập của nó nên nghị quyết T.Ư đã phải “lệnh” bãi bỏ loại hình này. Phải có những căn cứ khoa học và thực tiễn thì mới có thể đi đến một quyết định quan trọng như vậy.
Trịnh Ngọc Thạch (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội)
Cần xóa vì giáo dục toàn diện
Nhà nước đã quy định trong luật thì không nên biện bác bằng bất cứ cách nào. Đồng thời định hướng hiện nay là giáo dục HS toàn diện nên việc xoá bỏ hệ thống trường chuyên ở bậc THCS là đúng với nguyên lý giáo dục và sự phát triển chung của các nước.
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc)
Tăng tiết cho học sinh năng khiếu
Không nên giữ lại mô hình trường chuyên ở bậc THCS nhưng các trường tăng tiết thêm một số môn để dạy chuyên sâu cho HS có năng khiếu. Làm như thế có “đất” cho người tài “dụng võ”, vừa xoá đi tình hình gọi là “trường điểm”, phân biệt “đẳng cấp” giáo viên và dễ dàng đánh giá kết quả giảng dạy ở bậc THCS.
Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)
T.Nguyễn – B.Thanh (ghi)
|