11/01/2025

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS ? – Kỳ 2: Cuộc đua không rõ đích đến

Thi được vào lớp 6 của trường chuyên đã là cả một quá trình gian khổ, tốn kém. Vào được rồi, học sinh lại gian nan với cuộc đua mà nhiều khi đích đến rất mơ hồ.

 

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS ? – Kỳ 2: Cuộc đua không rõ đích đến

 

Thi được vào lớp 6 của trường chuyên đã là cả một quá trình gian khổ, tốn kém. Vào được rồi, học sinh lại gian nan với cuộc đua mà nhiều khi đích đến rất mơ hồ. 

 

 

 

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS ? - Kỳ 2: Cuộc đua không rõ đích đến - ảnh 1Phải khổ luyện rất nhiều học sinh mới vào được Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhưng cuộc đua chưa dừng lại đó – Ảnh: Ngọc Thắng
Quá nhiều áp lực
Một phụ huynh có con học lớp 8 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Trường Ams) chia sẻ: “Nhiều khi thấy con gầy mòn vì học mà vợ chồng tôi cảm thấy ân hận khi cố cho con thi vào trường này. Khi con học hết kỳ I lớp 6 tôi đã thấy hoang mang và nghĩ đến việc chuyển cho con về một trường bình thường. Thế nhưng tiếc công 3 năm trời cùng con luyện thi, đưa đón con đi học thêm hàng chục cây số bất kể trời mưa hay nắng, lại thấy hàng nghìn phụ huynh khác mong con vào trường không được, vợ chồng tôi đã động viên con cứ ở lại trường”.
Cuộc đua chưa bao giờ dừng lại bởi thi vào Trường Ams đã rất khó nhưng vừa nhập học là học sinh (HS) đã phải thực hiện kế hoạch tiếp theo của người lớn, đó là chuẩn bị thi để chọn lớp. Khi học hết lớp 7, HS sẽ phải trải qua kỳ thi để chia lớp. Kỳ thi này cũng cam go, khốc liệt không kém vì mặc dù tỷ lệ chọi thấp hơn nhưng do toàn HS “gà nòi” chọi với nhau nên đề thường rất khó.
Vị phụ huynh này kể: “Học cả ngày ở trường, về nhà cháu chỉ kịp tắm, ăn vội bữa cơm rồi lại ngồi vào bàn học. Mỗi ngày vài chục bài toán cộng thêm một số môn học khác nên học đến gần nửa đêm mới được đi ngủ là chuyện hằng ngày. Cuối tuần thì phải đi học thêm môn chuyên nên hầu như không có ngày nghỉ, gia đình cũng chẳng mấy khi có đầy đủ khi về quê hay xếp được lịch đi chơi đông đủ”…
Được vào lớp tốt rồi cũng mới chỉ là phần mở màn. HS chuyên luôn gánh trên vai nhiều áp lực khác. HS phải trải qua các cuộc kiểm tra trình độ hằng tháng để chọn ra những người xuất sắc nhất vào đội tuyển đi “thi đấu” mang thành tích về cho trường, đồng thời để được ưu tiên tuyển chọn trong các kỳ cao hơn. Áp lực dồn lên vai HS từ gia đình đến nhà trường và ngay cả chính các thầy cô đang dẫn dắt đội tuyển cũng đặt rất nhiều kỳ vọng về giải thưởng mà HS đạt được.
Giải thưởng trong các kỳ thi HS giỏi chính là “màu cờ sắc áo” của nhà trường, nhất là những trường chuyên danh tiếng. Điều này không thể tránh khỏi tình trạng HS chỉ tập trung học môn tham gia đội tuyển, các môn khác, dù không nói ra nhưng đều được nhà trường và giáo viên giảm nhẹ yêu cầu. Điều này dẫn tới tình trạng HS ở lứa tuổi cần được giáo dục toàn diện lại học lệch.
Lợi bất cập hại
Không ít chuyên gia đã chỉ ra rằng: Ngay ở lứa tuổi bắt đầu hình thành nhân cách HS đã phải học trong môi trường có tính cạnh tranh rất cao khiến không ít HS trường chuyên nảy sinh tính ích kỷ, không muốn chia sẻ hay giúp đỡ bạn khi cần.
Một phụ huynh sau thời gian đặt quá nhiều kỳ vọng về môi trường chuyên đã không khỏi thất vọng khi nhận ra rằng: Về chất lượng học tập thì HS giỏi chủ yếu là do tố chất sẵn có. Đó là cái “váng” trên của HS thành phố Hà Nội cộng với sự đầu tư tích cực của bố mẹ (nhìn chung HS phải đi học thêm rất nhiều). Còn thực tế kiến thức HS thu nhận được ở trường không nhiều. Những HS không nằm trong danh sách các đội tuyển, phụ huynh muốn cho con vào trường THPT chuyên sẽ phải tự lo bằng cách tìm lớp học thêm cho con ở các lớp do giáo viên danh tiếng. Và như vậy, đỗ vào trường chuyên THCS, câu chuyện lại quay về “vạch xuất phát” khi mà HS lại quay cuồng học thêm, luyện thi để vào chuyên cấp THPT.
Dù sở GD-ĐT lý giải việc tồn tại hệ THCS trong Trường Ams là để tạo nguồn cho tuyển sinh vào lớp 10 chuyên nhưng nhiều năm qua, dù không công bố một con số chính thức nhưng tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS của trường đỗ vào cấp THPT không phải là con số quá cao, chỉ chiếm khoảng 50 – 60%. Và như vậy, hành trình 6 – 7 năm khổ luyện để vào được cấp THCS chuyên của số HS còn lại chỉ là áp lực học hành và thất bại khi mà đích đến không được như mong muốn.
Ông Nguyễn Thành Nam, tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường ĐH Grenoble 1, Pháp cho rằng: Nên xóa bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn vì việc phân loại HS để đào tạo thoạt nhìn thì có vẻ đẹp, giống như một bãi cỏ xén bằng, nhưng nó không hợp với tự nhiên. Mô hình đào tạo thiên lệch đã gây ra nhiều hậu quả làm thay đổi phần nào bản chất tốt đẹp của giáo dục.
Có phải HS chuyên luôn đứng đầu ?

Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố kết quả kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2014 – 2015, một số quận, huyện đã làm thống kê xếp loại từng môn thi. Với 3 môn toán, văn, tiếng Anh là thế mạnh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và cũng là 3 môn thi tuyển sinh đầu vào, kết quả như sau: Môn toán, HS của Trần Đại Nghĩa xếp sau Tân Bình. Môn ngữ văn xếp sau lần lượt các quận Tân Bình, 9, 8, 5, 1. Dù HS Trường Trần Đại Nghĩa xếp thứ nhất môn tiếng Anh nhưng một nguyên phó phòng giáo dục cho rằng đó chưa chắc đã phản ánh thực chất là kết quả đào tạo của trường, vì đa số HS đều học thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nhà trường.
Bích Thanh

Học chuyên được gì, mất gì ?

Tôi vốn là một học sinh (HS) chuyên được bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi HS giỏi từ tiểu học (trước đây bậc tiểu học cũng có kỳ thi HS giỏi). Những ngày tháng miệt mài ôn luyện, giải đề suốt quãng đời đi học cốt để tham gia kỳ thi HS giỏi các cấp để lại cho tôi nhiều suy nghĩ.
Do ôn luyện thường xuyên nên ít nhiều chúng tôi đều giỏi về môn chuyên nhưng phần lớn giỏi kiểu “gà công nghiệp”. Nghĩa là quen dạng đề, quen kiểu bài cứ thế mà làm theo những kỹ thuật, kỹ xảo đã được nhào nặn, đôi khi không cần suy nghĩ. Do đầu tư rất nhiều cho môn chuyên nên chắc chắn chúng tôi học lệch. Vì thế, để đảm bảo đậu đại học, lúc bấy giờ chúng tôi chọn một trong 2 con đường: Nếu thi đại học theo khối có môn chuyên thì phải dành thêm nhiều thời gian luyện thi bên ngoài 2 môn còn lại. Nếu có định hướng khác thì phải rời lớp chuyên. Giữa lớp 11 và bắt đầu lớp 12 nhiều bạn bè tôi lần lượt xin ra lớp thường để có nhiều thời gian đầu tư cho các môn khác.
Một cách tự nhiên, những năm tháng học chuyên giúp chúng tôi có những kỹ năng trong việc nghiên cứu, tiếp cận nhanh cách vấn đề trong cuộc sống, học tập; có kiến thức nền… Nhưng chúng tôi thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết khác trong giải quyết vấn đề, ứng xử trước các tình huống; lạ lẫm với những gì ngoài môn chuyên… Những điều này càng thấy rõ khi ra nước ngoài học tập.
Bạn bè học chuyên ngày đó giờ đây trong công việc có người thành đạt, người bình thường; người học lên cao, người dừng lại ở bậc đại học; người ở nước ngoài, người trong nước. Chúng tôi giờ đã có con cái ở độ tuổi đi học và trong những câu chuyện nói về việc học của con, đã có lúc chúng tôi nhận ra rằng mình đang tạo áp lực cho con cái khi cái bóng “ngày xưa ba/mẹ là HS chuyên” quá lớn. Nhưng thời gian trôi qua, hình như đến giờ chúng tôi dần đi đến sự đồng thuận rằng học cao không có nghĩa là thành công. Thành công phải là nên người trước rồi mới tính đến bằng cấp. Người bạn tôi ở Úc, nơi có hệ thống trường chuyên bắt đầu từ lớp 7 (high school), mà cha mẹ châu Á luôn thúc đẩy con cái đi học thêm từ nhỏ để thi vào trường chuyên, cho rằng học là chuyện khác, kiếm việc, đi làm, biết cách ứng xử ở đời lại là chuyện khác. “Học nhiều quá, chỉ tội cho tụi nhỏ bị áp lực mà thôi. Không đi chơi, không trải nghiệm, không kinh nghiệm sống thì cũng như không”, người bạn tôi nói.
Ngày trước chúng tôi vào lớp/trường chuyên là do ý thích, chủ động thực hiện. Ngày nay, nhìn lại phần lớn là do ý muốn, sự thúc đẩy của ba mẹ. Hơn cả HS, phụ huynh thường cảm thấy hãnh diện khi con vào được trường chuyên. Cuộc đua trong trường thi của HS là cuộc đua thắng thua ngoài đời đối với nhiều phụ huynh.
Một số thứ thay đổi nhưng tính chất đánh đố và yếu tố thành tích của các kỳ thi HS giỏi dường như vẫn vậy. Giờ đây, tôi vẫn biết rằng để đạt giải nhì kỳ thi môn hóa HS giỏi cấp thành phố, một HS lớp 9 không chỉ học bồi dưỡng trong trường, ngoài trung tâm mà còn cả với những ông thầy luyện thi danh tiếng. Đề thi có những câu ngay cả với giáo viên cũng là quá khó.
Kinh nghiệm và thực tế hiện nay cho thấy học giỏi một hai môn là chưa đủ để HS sau này thành công trong cuộc sống và có ích trong một xã hội. Sự thay đổi của giáo dục Phần Lan sắp tới cũng là điều để chúng ta suy nghĩ về cách giáo dục trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh việc học như lâu nay, HS có thể học phối hợp các môn theo chủ đề mà mình quan tâm, giải quyết một vấn đề cụ thể. Vì thế một mô hình chuyên như lâu nay chúng ta đang làm đã không còn thích hợp nữa. Còn chuyện HS có năng khiếu sẽ được phát huy như thế nào là một câu chuyện khác.
Nhiên An

 

Tuệ Nguyễn