09/01/2025

Trung Quốc: nguy cơ xung đột xã hội do ô nhiễm

Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ đến nỗi giới chức lãnh đạo của Trung Quốc giờ đây phải chấp nhận và tìm cách giải quyết thấu đáo, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng.

 

Trung Quốc: nguy cơ xung đột xã hội do ô nhiễm

 

Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ đến nỗi giới chức lãnh đạo của Trung Quốc giờ đây phải chấp nhận và tìm cách giải quyết thấu đáo, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng.


 

 

Một thanh niên Bắc Kinh mang mặt nạ chống độc khi di chuyển trên đường phố – Ảnh: Reuters

Báo cáo của Viện Kế hoạch môi trường thuộc quyền quản lý của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc công bố ngày 9-4 cho biết nguy cơ này đang rất cao nếu chính phủ nước này thất bại khi xử lý bất kỳ vấn đề nào trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường.

Hiện nay chỉ có 8/74 thành phố ở Trung Quốc có bầu không khí tạm chấp nhận. Đây là lần đầu tiên một cơ quan cấp trung ương của Trung Quốc thừa nhận hiện trạng này.

Gióng chuông cảnh báo

Giới chuyên gia môi trường cảnh báo ô nhiễm ở Trung Quốc hiện nay là hậu quả của “công cuộc phát triển kinh tế quá nóng” trong 30 năm qua nhưng bỏ qua mọi hệ luỵ đối với môi trường.

Nếu Chính phủ Trung Quốc có bất kỳ sai lầm hay thất bại nào trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm trong thời gian tới đều có thể dấy lên sự bất mãn trong công chúng và dẫn đến “những xung đột xã hội” không lường trước được.

Báo cáo của Viện Kế hoạch môi trường Trung Quốc khẳng định giờ đây nền kinh tế Trung Quốc phải tạm chia tay với những cụm từ như “tăng trưởng nóng, đạt chỉ tiêu” để nhường đường cho vấn đề môi trường.

Chính phủ Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu bức thiết “có một môi trường trong lành” của người dân nước này. 

Giới chuyên gia của Viện Kế hoạch môi trường Trung Quốc kiến nghị cuộc chiến chống ô nhiễm của Chính phủ Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu nước này mạnh dạn thay đổi cấu trúc trong kinh tế, từ phát triển công nghiệp nặng truyền thống chuyển đổi sang các ngành công nghiệp mới.

Báo cáo này ước tính tổng tiêu thụ năng lượng than của Trung Quốc sẽ đạt 4,3 tỉ tấn vào cuối năm 2015, tăng 40 triệu tấn so với năm 2014 và sẽ tăng lên 4,5 tỉ tấn vào năm 2020.

Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và một số khu vực vùng đông bắc nước này trong những tháng qua đang chìm trong khói bụi.

“Bầu trời ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc sẽ tiếp tục xám xịt do khói từ các nhà máy, phương tiện giao thông xả ra. Ra đường phải mang khẩu trang, về nhà phải đóng kín cửa và bật máy lọc không khí. Thấy được bầu trời xanh là điều khó khăn với chúng tôi hiện nay”- Phương Sĩ Khiêm, một cư dân Bắc Kinh, cho biết. 

Người dân lên tiếng

Xung đột liên quan đến ô nhiễm đã xuất hiện. Một người tử vong và 50 người bị bắt sau khi 2.000 cảnh sát Trung Quốc dùng đạn cao su, hơi cay và vòi rồng giải tán đoàn người tuần hành phản đối nhà máy hoá chất gây ô nhiễm ở khu tự trị Nội Mông.

Báo South China Morning Post ngày 8-4 dẫn thông tin từ Trung tâm Thông tin nhân quyền người Mông Cổ phía nam cho biết dân làng trong huyện Nại Man đã đổ ra đường hai ngày trước đó, phản ứng một khu vực nhà máy hoá chất làm ô nhiễm đất nông nghiệp.

“Mức tiêu thụ năng lượng than ngày một tăng đang là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng xử lý ô nhiễm môi trường. Nếu họ xử lý không khéo léo thì nguy cơ bất ổn xã hội xảy ra là rất lớn” – báo Tin Tức Trung Quốc dẫn lời nhà môi trường học Mã Quân cảnh báo.

Nhân chứng tại hiện trường cho biết trong lúc cảnh sát dùng vòi rồng, đạn cao su để giải tán đám đông đã khiến một người tử vong.

Một quan chức địa phương cho biết hiện tại họ chưa thể xác nhận thông tin có người chết và từ chối bình luận về sự việc trên.

Cùng ngày, chính quyền huyện Nại Man thông báo đã ra lệnh nhà máy hóa chất này đóng cửa và dời đến nơi khác. Tuy nhiên, họ không cho biết nhà máy này sẽ chuyển đến khu vực nào.

Trang web chính quyền huyện Nại Man khẳng định quyết định này được đưa ra sau khi hàng nghìn người dân địa phương phong tỏa nhiều con đường trong huyện, lật nhào và đốt xe cảnh sát.

Trước đó, người dân ở đây cũng từng phản ứng nạn ô nhiễm môi trường do một mỏ than trong khu vực gây ra. Người Mông Cổ chiếm 20% trong 24 triệu dân ở khu tự trị Nội Mông.

Bắt cóc bỏ đĩa

Báo Tin Tức Môi Trường Trung Quốc cho biết vì nhận ra ô nhiễm là nguồn cơn của mọi sự bất ổn nên chính phủ nước này đã cam kết mạnh mẽ rằng sẽ tuyên chiến với nạn ô nhiễm môi trường đang hoành hành. 

Luật bảo vệ môi trường sửa đổi mà Trung Quốc vừa đưa vào thực thi hôm 1-2 tăng hình phạt và mức phạt đối với số doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Hầu như mỗi ngày đều có doanh nghiệp bị phạt, ước tính chỉ trong hơn hai tháng, tổng số tiền phạt 26 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã lên tới 12,4 triệu nhân dân tệ (2 triệu USD). Khoảng 527 doanh nghiệp đã bị đóng cửa, 207 doanh nghiệp khác phải tạm ngưng hoạt động.

Luật bảo vệ môi trường vừa đưa vào thực thi này cho phép giới chức ngành môi trường đóng cửa cũng như niêm phong tất cả cơ sở gây ô nhiễm của những doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Theo báo Tin Tức Trung Quốc, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng đã bị Sở Môi trường tỉnh Cát Lâm phạt 780.000 nhân dân tệ (hơn 125.000 USD) do xả lượng khí gây ô nhiễm rất lớn ra môi trường.

Tuy nhiên, một số giới chức Trung Quốc ví các biện pháp này chỉ là “chiếc răng sữa” trong việc bảo vệ môi trường ở nước này và chuyện phạt các đối tượng vi phạm giống như “bắt cóc bỏ đĩa” bởi có doanh nghiệp vẫn tiếp tục gây ô nhiễm sau khi đã bị phạt hàng triệu nhân dân tệ.

Lý giải nguyên nhân, giám đốc Viện Chính sách tài nguyên và môi trường Trung Quốc Thường Ký Văn nhấn mạnh là do chính quyền địa phương vì “lợi ích kinh tế” đã tình nguyện làm ô dù cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm, bưng bít hành vi gây ô nhiễm và cản trở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, hoặc thậm chí có sự thông đồng từ cấp trên đến cấp dưới, cố ý “để lọt các thành phần vi phạm”.

Cụ thể, nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn hoá chất than đá Lộc An Tân Cương hồi tháng 2-2015 đã bị phạt 2,08 triệu nhân dân tệ vì thải khí độc vượt mức quy định của luật pháp.

Song, sau đó nhà máy này vẫn an nhiên xả khí như chưa từng bị phạt. Người dân địa phương hoài nghi doanh nghiệp này được “chống lưng”.

 

MỸ LOAN