“Ước mơ doanh nhân” nhận giải thưởng 75.000 đôla Úc
Khi cái tên Huỳnh Ngọc Thiên An được xướng lên, hội trường trận chung kết cuộc thi “Thực hiện ước mơ” vỡ oà trong tiếng reo hò của thầy trò Trường THPT Gia Định (TP.HCM).
“Ước mơ doanh nhân” nhận giải thưởng 75.000 đôla Úc
Khi cái tên Huỳnh Ngọc Thiên An được xướng lên, hội trường trận chung kết cuộc thi “Thực hiện ước mơ” vỡ oà trong tiếng reo hò của thầy trò Trường THPT Gia Định (TP.HCM).
Thí sinh và bạn bè sau trận chung kết sáng 11-4 – Ảnh: Quang Định |
Cuộc thi do Thành đoàn TP.HCM, Sở GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ HSSV, Viện đào tạo quốc tế ĐH Kinh tế TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Nhiều thí sinh khá “khớp”, có bạn giọng hơi run, có bạn nói lắp bắp, có bạn lại hơi “lên gân” khi mỗi người lần lượt nói về ước mơ cuộc đời mình và cách thực hiện ước mơ. Hải Tú kể giấc mơ của mình qua các bức vẽ và tin rằng cuộc sống sẽ bớt ngột ngạt, tươi trẻ hơn khi sống trong nghệ thuật màu sắc.
Quỳnh Trang nói về ước mơ làm đầu bếp và thấy rõ giá trị văn hóa, tinh thần đóng góp kinh tế cho đất nước của nền ẩm thực VN. Trong khi đó Mạnh Hiếu tâm đắc với ước mơ làm giảng viên dạy quản trị nguồn nhân lực vì tin đất nước sẽ phát triển tốt nếu có nguồn nhân lực tốt.
Song Ngân đã rơi nước mắt và làm khán phòng chùng xuống khi thổ lộ ước mơ của mình là trở thành lập trình viên giỏi, và tháng ngày qua bạn đang học thay cho phần người chị bị bại não sống đời sống thực vật.
Thiên An nói về ước mơ trở thành doanh nhân giỏi cùng mô hình “Đường phố các món ăn vặt” bằng một chất giọng tự nhiên, như đang kể một câu chuyện: “Tôi tập tành làm những chiếc vòng đeo tay rồi chụp hình đưa lên mạng từ năm lớp 10, không ngờ được bạn bè ủng hộ quá chừng”.
Trong năm thí sinh vào chung kết, đây là thí sinh duy nhất đã trải nghiệm việc mua bán, quảng bá bán hàng bằng phương thức “hot” hiện nay (chụp hình đưa lên mạng).
Sự trải nghiệm này vô cùng đáng quý để đo mức độ cảm nhận thực tế trước khi đi đến ước mơ, đó chính là những chi tiết An kể: “Làm và bán vòng tay tiến triển tốt nên tôi cứ làm dài dài cho đến khi vào lớp 12 và tôi thấy mình là người khéo tay, có khiếu kinh doanh”.
Các thí sinh có màn ra mắt trận chung kết bằng phần thi “Phỏng vấn đồng nghiệp tương lai”. Ngồi vào ghế đồng nghiệp của thí sinh là những người làm trong ngành nghề tương ứng với ước mơ của thí sinh.
Phần thi hùng biện về giá trị xã hội nghề nghiệp của thí sinh Huỳnh Ngọc Thiên An – Ảnh: Quang Định |
Thiên An “chất vấn” phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Microsoft VN Phạm Trần Anh: “Ở Microsoft, đâu là điều quan trọng nhất giữa ba yếu tố: nhân sự công ty, khách hàng và sản phẩm?”.
Ông Anh cho rằng con người phải là yếu tố quyết định, quan trọng nhất vì chỉ có con người mới có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực, cho ra đời những sản phẩm.
An hỏi tiếp làm sao để có thể trở thành người kinh doanh giỏi và câu trả lời An nhận được chính là hãy tìm hiểu thật kỹ các yếu tố của nghề nghiệp, trang bị kỹ năng để có thể làm nghề sau này một cách tự tin.
Tôi rất ấn tượng trước phần thi của các bạn vì thật ra tình huống, nội dung thi là quá khó. Cách các bạn chủ động tìm kiếm ước mơ như trong cuộc thi này là rất táo bạo so với văn hóa của người phương Đông. Và đó là lý do trường tặng học bổng cho người chiến thắng |
GS YICHEN LAN (phó giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế ĐH Western Sydney, Úc) |
Từng thí sinh còn phải vượt qua “chướng ngại vật”: nghệ sĩ Thanh Thuỷ khi hoá thân vào năm tình huống khác nhau. Thanh Thuỷ với vai sinh viên đã giúp “thầy giáo” Mạnh Hiếu kiên quyết không nâng điểm mà sẽ giúp cô sinh viên ôn tập để thi lại tốt hơn.
Còn Song Ngân đã thuyết phục giám đốc Thanh Thủy đồng ý tạo điều kiện để cô lập nhóm viết những phần mềm mới, đảm bảo tính cạnh tranh với các công ty khác.
Người chiến thắng Thiên An được nhìn nhận là diễn quá ngọt vai giám đốc chuỗi cửa hàng ăn uống đang thua sút đối thủ cạnh tranh bằng cách tháo gỡ từng cái “vặn vẹo” của nhân viên Thanh Thuỷ khi muốn dùng cách “chọt phá” cửa hàng đối thủ.
Thiên An đã chiến thắng thuyết phục, trở thành nhà vô địch (phần thưởng một học bổng du học Úc 75.000 đôla Úc, 10 triệu đồng tiền mặt, các khóa học kỹ năng 43 triệu đồng, tổng giá trị khoảng 1,3 tỉ đồng) khi ghi điểm bằng những lập luận chặt chẽ, cơ sở để hiện thực ước mơ.
Mô hình “Đường phố các món ăn vặt” của An không chỉ đảm bảo vệ sinh, không lấn chiếm vỉa hè, giá hợp lý mà còn chỉ ra chỗ thực hiện tại quận 2 vì “có nhiều đường phố thông thoáng, mát mẻ, thích hợp cho việc ăn vặt và cũng là quận phát triển trong tương lai”.
Bạn bè chúc mừng Thiên An (giữa) – nhà vô địch của cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Thành đoàn TP.HCM, Sở GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM, Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Kinh tế TP.HCM) và báo Tuổi Trẻ cùng phối hợp tổ chức – Ảnh: Quang Định |
Dân kinh doanh nói là làm * Bạn cho rằng điều thay đổi lớn nhất của bạn là gì sau cuộc thi này? – THIÊN AN: Nhờ tìm tòi mà tôi có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về công việc tương lai và càng định hình hướng đi, khẳng định vững chắc cho ước mơ của mình. Điều khác nữa chính là tôi sẽ sống tự lập hơn, không còn quá dựa vào sự đỡ đầu của ba mẹ dù chắc chắn tôi sẽ vẫn rất cần sự quan tâm của gia đình như vốn có. * Trở ngại lớn nhất với bạn trong hành trình chinh phục các thử thách của cuộc thi? – Trở ngại lớn nhất của tôi có lẽ chính là việc ngại nói, ngại chia sẻ trước đám đông. Nhưng sau cuộc thi tôi đã thay đổi rất rõ điều này. Và tôi đến với trận chung kết cũng với tâm thế đó, nói để mọi người chia sẻ với tôi về giấc mơ đời mình chứ không có bất cứ áp lực nào của chuyện thắng thua, đoạt giải. * Dự định sắp tới của bạn? – Điều cần làm trước hết là trau dồi ngoại ngữ cho tốt. Tôi đã nghĩ đến việc sẽ kiếm việc làm thêm khi đến Úc để có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt. Dĩ nhiên việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu, còn làm thêm vừa đỡ gánh nặng chi phí vừa là cơ hội quý để mình tích lũy kinh nghiệm thực tế cho công việc tương lai. Tôi muốn được làm việc, đóng góp và xây dựng chính đất nước mình. Tôi sẽ về làm việc ở VN. Tôi nghĩ dân kinh doanh thì nói là phải làm. |
Họ nói gì về người chiến thắng? Nguyễn Mạnh Hiếu (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) và Nguyễn Việt Hải Tú (Trường THPT Phước Long, TP.HCM) đồng giải nhì với 7 triệu đồng/bạn cùng khoá học kỹ năng. Giải ba đồng hạng được trao cho Phạm Lê Song Ngân (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) và Phạm Lê Quỳnh Trang (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu), mỗi bạn nhận 5 triệu đồng và khoá học kỹ năng. Ngoài ra, mỗi bạn đoạt giải nhì và ba còn nhận được học bổng học tiếng Anh tại Úc trị giá khoảng 200 triệu đồng. Ngay sau cuộc thi, các thí sinh nói về người chiến thắng: * “Chị Thiên An rất bản lĩnh, tự tin, mạnh mẽ và tôi thấy chiến thắng ấy là thuyết phục”. * “Phải nói chiến thắng của chị An là siêu xứng đáng vì hầu như không có sơ suất gì trong các phần thi của chị ấy”. * “Chị Thiên An thông minh, các phần thi đều tốt và mình thích nhất phần thi hùng biện của chị ấy cũng như trả lời các câu hỏi của giám khảo đều hay”. |