Phóng xạ, không sợ nhưng phải biết lo

Người dân trong đời sống hằng ngày đều có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ với một liều nhất định.

 

Phóng xạ, không sợ nhưng phải biết lo

 

Người dân trong đời sống hằng ngày đều có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ với một liều nhất định.




 

 

Nhân viên sản xuất dược phẩm từ chất có chứa phóng xạ để điều trị các bệnh nan y được bảo hộ đặc biệt – Ảnh: M.Vinh

Theo Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học – công nghệ), cả nước có khoảng 4.000 thiết bị có chứa nguồn phóng xạ sử dụng tại các cơ sở sản xuất và y tế thuộc khu vực dân sự. 

Vậy người lao động, người dân phải làm gì để bảo vệ mình trong môi trường có nhiều nguồn bức xạ? Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – phó giám đốc Trung tâm an toàn bức xạ (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) – cho biết:

– Câu chuyện an toàn bức xạ cho người lao động tiếp xúc với nguồn phóng xạ và người dân thường đã được nhiều chuyên gia về phóng xạ đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Kiến thức an toàn hạt nhân không được phổ biến khiến ai cũng lo sợ, song lại không hiểu về phóng xạ để rồi sợ mà không biết bảo vệ mình. Đối với phóng xạ, không sợ nhưng phải biết lo.

* Là người tham gia huấn luyện an toàn bức xạ tại các khu công nghiệp, ông có nhận định gì về việc sử dụng thiết bị có sử dụng nguồn phóng xạ ở đây và người lao động trực tiếp với các thiết bị này?

– Còn lỏng lẻo và rất chủ quan. Thiết bị chứa nguồn phóng xạ được để chung với các thiết bị khác. Thiết bị dùng nguồn phóng xạ di động thì được mang tới nơi đông người quá dễ dàng và không ai kiểm soát.

Công nhân lao động trực tiếp với thiết bị này mới thật sự đáng lo ngại. Họ không hề được bảo hộ chuyên dụng. Rất ít công nhân đeo liều kế bức xạ để tiện cho việc kiểm tra mức độ nhiễm xạ, tiện cho việc theo dõi sức khỏe lâu dài.

Tôi muốn nhấn mạnh đây là tình hình chung và cái thiệt lớn nhất là người lao động khi sức khỏe bị âm thầm xâm hại hằng ngày. Công nhân làm việc trực tiếp với các thiết bị có nguồn phóng xạ nên đòi hỏi được trang bị bảo hộ chuyên dụng.

* Ngoài lao động ở các cơ sở công nghiệp có nguồn phóng xạ thì người dân có thể bị phơi nhiễm phóng xạ không, thưa ông?

– Phóng xạ có khắp nơi trong tự nhiên, ngồi không phơi nắng cũng bị phơi nhiễm bởi tia vũ trụ, đi máy bay cũng bị phơi nhiễm một liều phóng xạ tương đối…

Tất nhiên, việc phơi nhiễm phóng xạ trong môi trường sống như kể trên không đáng kể nhưng phải trong giới hạn, không được vượt quá 1 mSv/năm.

Để vượt ngưỡng bạn phải đi 100 giờ bay ở độ cao 15km, còn các hoạt động khác như leo núi, ảnh hưởng từ sóng vô tuyến chỉ bằng 1% việc đi máy bay.

Ngoài các khu công nghiệp thì công nhân khai khoáng có nguy cơ bị phơi nhiễm cao nhất. Theo tôi, cần có quy định yêu cầu các cơ sở công nghiệp và khai thác khoáng sản có máy đo bức xạ để cảnh báo an toàn.

* Nếu bị phơi nhiễm bức xạ vượt ngưỡng cho phép thì phải xử lý ra sao?

– Ở đây tôi không bàn đến các tai nạn phóng xạ đặc thù trong ngành hạt nhân, tôi chỉ bàn cách bảo vệ cho người dân, người lao động bình thường khi bị nhiễm xạ vượt ngưỡng.

Hiện ở VN chưa có cơ sở chữa trị cũng như đo tính liều phóng xạ mà người thường không đeo liều kế phơi nhiễm. Đối với những trường hợp nhiễm nặng thì Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có thiết bị phân tích máu để phát hiện.

Khi bị nhiễm xạ vượt ngưỡng cho phép đối với người dân bình thường thì phải cách ly khỏi nguồn phóng xạ trong thời gian dài để tránh tổn thương cơ thể.

Cũng không nên quá hoang mang. Tôi từng theo dõi hai công nhân tại Khánh Hoà phơi nhiễm phóng xạ vượt mức cho phép gấp 5 lần đối với kỹ thuật viên bức xạ (20 mSv/năm).

Sau khi kiểm tra, chúng tôi không cho hai kỹ thuật viên này lao động ở những khu vực có cường độ bức xạ cao trong sáu năm và chỉ định chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng. Hiện sức khoẻ của họ đang ổn định.

Các triệu chứng khi nhiễm phóng xạ liều cao

Liều phơi nhiễm phóng xạ

Các triệu chứng

0 ~250 mSv

Không có tổn thương rõ ràng. Không ghi được hiệu ứng lâm sàng.

250 ~500 mSv

Có thể có thay đổi về máu nhưng không nghiêm trọng.

500mSv

Có thay đổi nhẹ ở máu nhưng không có hiệu ứng lâm sàng. Có thể có hiệu ứng muộn, không chắc chắn có hiệu ứng nghiêm trọng.

500 ~1.000 mSv

Thay đổi về tế bào máu, có vài tổn thương nhưng không ốm đau bệnh tật.

1.000 mSv

Buồn nôn, mệt, có thể nôn mửa. Thay đổi rõ về thành phần máu, bình phục chậm, giảm thọ.

1.000 ~2.000 mSv

Có tổn thương, có khả năng ốm đau, bệnh tật

2.000 mSv

Buồn nôn, nôn mửa trong 24 giờ, rụng lông, tóc, biếng ăn, suy yếu toàn thân, có triệu chứng đau họng, tiêu chảy. Có thể bị chết. Vẫn có khả năng bình phục trừ trường hợp sức khoẻ vốn kém từ trước, dễ bị bệnh truyền nhiễm, tổn thương nặng.

2.000 ~4.000 mSv

Tổn thương và ốm đau bệnh tật là chắc chắn, có thể chết.

4.000 mSv

Buồn nôn, nôn mửa trong 1-2 giờ, ủ bệnh một tuần bắt đầu rụng lông tóc, suy nhược chung, sốt, khô rát mồm họng ở tuần thứ 3, các triệu chứng xanh xao, suy sụp nhanh vào tuần thứ tư. Khoảng 50% trường hợp tử vong.

6.000 mSv

Buồn nôn, mửa trong 1-2 giờ, ủ bệnh ngắn, đi ngoài liên tục, rát họng, sốt và chết trong vài ngày.

MAI VINH thực hiện