08/09/2024

ĐHY Fernando Filoni cử hành Lễ Phục Sinh với người tị nạn tại Iraq

Tối Thứ Bảy Tuần Thánh 04-04, hơn 1.000 người chen chúc trong một căn lều tại một trại tị nạn ở Irbil, Iraq, để tham dự Thánh lễ Vọng Phục Sinh do Đức Hồng y Fernando Filoni cử hành. Đức Hồng y Filoni, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Iraq, đã đến Iraq từ hôm thứ Hai 30-03 để đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị buộc phải trốn chạy cơn cuồng nộ của quân “Nhà nước Hồi giáo”. Ngài cũng đem theo một món khoản tiền là quà của cá nhân Đức Thánh Cha trợ giúp người tị nạn.

ĐHY Fernando Filoni cử hành Lễ Phục Sinh với người tị nạn tại Iraq
 

WHĐ (08.04.2015) – Tối Thứ Bảy Tuần Thánh 04-04, hơn 1.000 người chen chúc trong một căn lều tại một trại tị nạn ở Irbil, Iraq, để tham dự Thánh lễ Vọng Phục Sinh do Đức Hồng y Fernando Filoni cử hành. Đức Hồng y Filoni, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Iraq, đã  đến Iraq từ hôm thứ Hai 30-03 để đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị buộc phải trốn chạy cơn cuồng nộ của quân “Nhà nước Hồi giáo”. Ngài cũng đem theo một món khoản tiền là quà của cá nhân Đức Thánh Cha trợ giúp người tị nạn.


Sáng Chúa Nhật 05-04, Đức Hồng y Filoni đã cử hành Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh với nhiều người tị nạn khác tại thị trấn Sulaymaniyah trong khu tự trị của người Kurd. Nói với Đài Phát thanh Vatican sau Thánh lễ này, Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giáo cho biết, trong cả hai Thánh lễ Phục Sinh, ngài khích lệ mọi người: “Vào lúc trọng đại này chúng ta không cô đơn, vì chúng ta có đức tin, đó là điều vô cùng ý nghĩa về phương diện thiêng liêng đối với tất cả những ai đang sống trong khó khăn thử thách.”

Đức Hồng y Filoni nói, về nhiều mặt, tình hình là yên tĩnh. “Các nhà chức trách tôi đã gặp rất hợp tác” và các Kitô hữu đã mừng Lễ Phục Sinh cách tốt nhất có thể được, “nhưng trước đây chưa bao giờ họ phải mừng lễ ở ngoài làng và nhà của họ. Hy vọng Phục Sinh năm sau họ sẽ được mừng lễ tại nhà và làng của mình”.

Đức Hồng y cho biết, điều kiện sống ở trại Irbil rất khó khăn. “Quả thực, họ sống trong một nơi mà, thật không may, các tiện nghi và môi trường không được tốt lắm. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã cam kết với chúng tôi rằng ngay sau Lễ Phục Sinh mọi người sẽ được chuyển đến một khu vực mới có các toa xe kéo và các căn nhà nhỏ lưu động.”

Trong khi đó, tại Syria, được biết quân “Nhà nước Hồi giáo” đã nắm quyền kiểm soát phần lớn trại tị nạn Yarmouk, một khu định cư lúc đầu được xây dựng cho người tị nạn Palestine hồi năm 1940. Trong một báo cáo ngày 5 tháng 4, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc, hiện đang lo cho người Palestine, nói: “Từ ngày 1 tháng 4, khu dân cư ở Damascus này – nơi có khoảng 18.000 người mắc kẹt trong hơn hai năm qua – đã bị vùi lấp bởi các cuộc giao tranh dữ dội.”

Báo cáo cho biết: “Mạng sống của thường dân ở Yarmouk chưa bao giờ bị đe doạ nặng nề hơn thế. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em – người Syria cũng như người Palestine – đang co cụm trong những căn nhà tồi tàn với nỗi sợ hãi cùng cực, tuyệt vọng vì thiếu an toàn, thực phẩm và nước uống, vô cùng lo lắng trước những hiểm nguy nghiêm trọng không biết lúc nào ập đến, vì chiến sự vẫn còn đang tiếp diễn. Người dân hầu như không thể rời khỏi Yarmouk vì di chuyển ở ngoài đường rất nguy hiểm.”

Đức Tổng Giám mục Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh tại Syria, nói với Đài Phát thanh Vatican: “Như quý vị đã biết, Syria thật không may đã bước sang năm thứ năm của cuộc nội chiến và đang sống Đàng Thánh Giá. Điều nặng nề nhất đối với dân chúng bây giờ là không biết mình đang ở chặng thứ mấy: Có phải là chặng cuối cùng, rồi đến ánh sáng Phục Sinh không? Hay vẫn còn ở chặng thứ năm của Đàng Thánh Giá này?

Mặc dù nhiều người Công giáo đã có thể chạy trốn, ngài nói, “những người còn ở lại đã thể hiện một đức tin mạnh mẽ. Họ đến nhà thờ, tham dự các cử hành Phụng vụ Tuần Thánh để xin Chúa ban ơn hoà bình và hoà giải”.