10/01/2025

Không để giá sữa vượt trần

Trước thông tin nhiều hãng sữa “chạy đua” tăng giá các sản phẩm cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi trước ngày phải kê khai, đăng ký giá 15.4.2015, tại cuộc họp báo ngày 7.4, Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ thông qua việc áp giá trần bán buôn, không để cho bất cứ sản phẩm nào vượt trần.

 

Không để giá sữa vượt trần

 

 

Trước thông tin nhiều hãng sữa “chạy đua” tăng giá các sản phẩm cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi trước ngày phải kê khai, đăng ký giá 15.4.2015, tại cuộc họp báo ngày 7.4, Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ thông qua việc áp giá trần bán buôn, không để cho bất cứ sản phẩm nào vượt trần.


 

 

Không để giá sữa vượt trần - ảnh 1Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bị áp giá trần  -  Ảnh: Ngọc Thắng
Sản phẩm mới cũng phải kê khai
Theo quy định hiện hành, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ 1.6.2014 nằm trong diện bình ổn giá và Bộ Tài chính đã áp giá trần bán buôn đối với hơn 600 sản phẩm. Thời hạn áp giá trần kéo dài trong 1 năm, đến hết 1.6.2015 sẽ xem xét có tiếp tục áp giá nữa hay không. Còn kể từ ngày 15.4.2015, theo quy định mới các doanh nghiệp (DN) sữa không được quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu DN phải loại phần chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá thành để giảm giá bán sữa đối với phân khúc này.
Tuy nhiên, nhiều DN đã tranh thủ tăng giá trước và tung ra các sản phẩm sữa mới để “lách” các mặt hàng Bộ Tài chính đã áp giá. Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết để kiểm soát được giá sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi có giảm theo chi phí quảng cáo hay không, Bộ Tài chính đã đề nghị địa phương yêu cầu DN phải kê khai, đăng ký giá trước ngày 15.4.2015. Dựa vào căn cứ này, Cục Quản lý giá sẽ tiến hành kiểm soát. Đối với các sản phẩm sữa mới cho trẻ em dưới 6 tuổi, Quyết định 1079 ban hành năm 2014 của Bộ Tài chính về bình ổn giá sữa đã quy định sản phẩm mới DN cũng phải kê khai giá. Nếu DN dự kiến tăng giá thì phải đăng ký. “Họ có dự kiến như thế nào thì cũng phải kê khai giá. Mà đã kê khai thì chúng tôi kiểm soát. Hiện giá các sản phẩm đang áp trần thì không thể vượt trần được”, bà Nga khẳng định.
Kéo dài thời gian thông quan hoa quả
Liên quan đến tình hình ùn tắc hoa quả tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), ông Nguyễn Dương Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết nguyên nhân năm nay lượng dưa hấu, thanh long xuất tăng 10 – 15% so với năm 2014. Hằng ngày, cửa khẩu chỉ làm thủ tục được 300 – 400 xe, trong khi số lượng cần thông quan 800 xe, dẫn đến tồn lại khoảng 400 xe.
Vẫn theo ông Thái, ùn tắc còn do phía Trung Quốc chỉ nhập dưa hấu, thanh long tại chợ Pò Chài, không nhập tại cửa khẩu khác. Ngoài ra, xe sang đến Pò Chài phải bốc xếp, lau chùi mất từ 2 – 3 giờ/xe nên lượng tiếp nhận xe qua cửa khẩu rất hạn chế.
Để giải quyết tình trạng trên, Hải quan Lạng Sơn đã thống nhất với UBND tỉnh kéo dài thời gian làm thủ tục từ 7 – 20 giờ. “Còn hiện tại, người bán hàng phía VN sẽ phải gánh chịu thiệt hại nếu hoa quả bị hỏng do tất cả xuất qua cửa khẩu này đều theo đường tiểu ngạch, không có bất cứ hợp đồng mua – bán ràng buộc, đền bù thiệt hại”, ông Thái nói.
Kiểm tra  20 doanh nghiệp tàu biển nước ngoài
Thông tin thêm về đợt thanh, kiểm tra các hãng tàu biển nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết lý do các DN xuất khẩu phản ánh phải chịu nhiều chi phí của hãng tàu áp đặt làm ảnh hưởng giá thành, khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu, nên Chính phủ yêu cầu các bộ có liên quan rà soát các nội dung để giảm phụ phí, phí áp đặt lên DN và Bộ Tài chính chủ trì lập đoàn kiểm tra. Trong tháng 4, đoàn sẽ kiểm tra 20 DN tàu biển nước ngoài lớn, tập trung ở các cảng trọng điểm TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Anh Vũ