10/01/2025

Bệnh nhân trả lương cho bác sĩ: Viện phí sẽ tăng

Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng theo hay không vẫn là câu hỏi lớn, bởi viện phí mới tăng lần gần nhất năm 2012 và rải rác vẫn được điều chỉnh trong hai năm qua.

 

Bệnh nhân trả lương cho bác sĩ: Viện phí sẽ tăng

 

Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng theo hay không vẫn là câu hỏi lớn, bởi viện phí mới tăng lần gần nhất năm 2012 và rải rác vẫn được điều chỉnh trong hai năm qua.  




 

 

Người dân đóng viện phí tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 7-4 – Ảnh: Hữu Khoa

Mức tăng viện phí đang được tính toán cụ thể, nhưng theo ông Phạm Văn Hiệp – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bệnh viện này hiện thu viện phí bằng 66% khung viện phí do liên bộ Y tế – Tài chính quy định, tới đây đề nghị ở mức 80-85% khung.

Đưa lương vào viện phí

Theo ông Nguyễn Nam Liên – vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, viện phí hiện hành mới điều chỉnh năm 2012 nhưng đa số địa phương mới áp dụng mức 60-80% khung, ở 3/7 cấu phần tạo thành giá dịch vụ.

Theo lộ trình được Chính phủ chấp thuận, từ năm 2016-2020 lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định… vào giá dịch vụ. Trong đó lương được kết cấu trước năm 2016, tức là ngay trong năm 2015 này.

Ông Liên cho rằng khi đưa lương thầy thuốc vào giá dịch vụ y tế, nguyên tắc cơ bản là lương thầy thuốc (phần lương nhà nước chi trả hiện hành) không thấp hơn hiện nay. Ngoài tiền lương được kết cấu vào giá dịch vụ, cũng trong năm 2015 này có một loại phí khác là phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được kết cấu vào viện phí.

Theo đó, giá giường bệnh tăng thêm 10.000-20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000-1,5 triệu đồng/ca.

Tại hội thảo cung cấp thông tin về lộ trình giá dịch vụ y tế mới vừa được tổ chức ngày 7-4, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho rằng việc đưa lương, phụ cấp vào giá dịch vụ, tiến tới đưa thêm các cấu phần còn lại vào giá dịch vụ y tế nhằm cải tiến chế độ lương bổng cho thầy thuốc.

Theo ông Khuê, bác sĩ học sáu năm và cần thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi mức lương khởi điểm lại tương đương các ngành khác chỉ cần thời gian học bốn năm là vô lý.

“Lương thấp mà thầy thuốc ra khỏi bệnh viện cũng phải mua thực phẩm, cho con đi học, có cha mẹ già cần chăm sóc, không dịch vụ nào được miễn giảm” – ông Khuê nói.

Quy định mới về điều chỉnh mức tạm thu viện phí có bảo hiểm y tế đã giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân khi thanh toán viện phí (ảnh chụp tại Bệnh viện K Hà Nội) – Ảnh: Việt Dũng

Ai bị tác động nếu viện phí tăng?

Theo tính toán của ông Nguyễn Nam Liên, hiện VN có 6 triệu người cận nghèo và có 30% trong số này đã có thẻ bảo hiểm y tế. Số còn lại chưa tham gia bảo hiểm.

Ông Liên cho rằng 23 triệu người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ “không gặp tác động nào”, do Luật bảo hiểm y tế mới áp dụng từ ngày 1-1-2015 đã chi trả 100% viện phí cho hai nhóm này, thay vì người nghèo phải cùng chi trả 5% như trước đây.

Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015. Ông Liên cho rằng giả sử giá dịch vụ y tế tăng thêm 30% thì trước đây trường hợp viện phí hết 10 triệu đồng người cận nghèo sẽ phải cùng chi trả 2 triệu, nay giả sử viện phí tăng thêm 30% là 13 triệu đồng, người cận nghèo chỉ phải cùng chi trả 650.000 đồng thay vì 2 triệu đồng như trước.

Tuy nhiên mọi việc không dễ dàng như vậy. 4 triệu người cận nghèo hiện chưa có bảo hiểm thuộc nhóm rất khó phát triển diện bao phủ bảo hiểm y tế, bên cạnh nhóm người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, người làm nghề tự do, người làm nông nghiệp, diêm nghiệp…, do từ năm 2016 muốn tham gia bảo hiểm y tế diện tự nguyện phải tham gia cả hộ gia đình (theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú).

Dù có chính sách miễn giảm chi phí cho hình thức bảo hiểm hộ gia đình, nhưng đa số người dân trong nhóm tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện vẫn chưa chấp thuận chính sách này, đây cũng là lý do khiến Bảo hiểm xã hội VN vừa cho phép “nới” điều kiện tham gia bảo hiểm y tế với một số nhóm trong năm 2015, do nếu bắt buộc họ tham gia theo hộ gia đình ngay từ năm 2015 thì không khả thi.

Bên cạnh đó, lộ trình bảo hiểm y tế đến năm 2020 đặt mục tiêu 80% người dân có bảo hiểm y tế. Đây cũng là thời điểm viện phí được tính đúng, tính đủ hoàn toàn. Lúc này 20% người dân chưa có bảo hiểm sẽ bị tác động mạnh.

Ông Lê Văn Quân, phó giám đốc Bệnh viện K, nhận định mức viện phí hiện hành đang khiến một số nhóm gặp khó khăn, như bệnh nhân ung thư điều trị bằng liệu pháp nhắm đích phải cùng chi trả hàng trăm triệu đồng/năm.

Quy định bảo hiểm y tế mới là không chi trả cho bệnh nhân khám ngoại trú vượt tuyến, nhưng với đặc thù của chuyên khoa ung bướu là tuyến dưới còn yếu, như Nghệ An có thể phẫu thuật được nhưng chưa có thiết bị xạ trị.

Hay như Ninh Bình cũng phát triển chuyên ngành điều trị ung bướu, nhưng mới điều trị bệnh lý tuyến giáp hoặc ung thư vú, chưa phát triển được chuyên môn sâu hơn và đến năm 2016 mới có thiết bị xạ trị, bệnh nhân vẫn buộc phải vượt tuyến. Như vậy cũng giảm tính hấp dẫn và chưa khuyến khích được người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Theo ông Lương Ngọc Khuê, sau đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế năm 2012, dù chưa có đánh giá về mức độ cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, nhưng ông Khuê cho rằng 100% bệnh viện có thay đổi nhờ khoản 15% phí khám bệnh và tiền ngày giường được trích lại cho mục tiêu cải thiện dịch vụ.

Tuy nhiên thực tế chất lượng có thay đổi? Bệnh viện K T.Ư dù được bổ sung 750 giường bệnh từ 2012-2013 và dự kiến tháng 6-2015 đưa thêm 250 giường bệnh vào sử dụng nhưng vẫn chưa “dám” cam kết không nằm ghép.

Hiện định biên cán bộ của bệnh viện này thấp hơn nhiều so với yêu cầu, bệnh viện còn thiếu khoảng 400-500 cán bộ, trong đó có 100-150 bác sĩ, nhưng quỹ lương như hiện hành thì chưa thể tuyển thêm.

Song có cam kết nào về việc nếu đưa lương vào giá dịch vụ y tế, người dân trả lương cho thầy thuốc bệnh viện sẽ tuyển đủ cán bộ theo yêu cầu, đảm bảo cải thiện chất lượng dịch vụ ở mức người bệnh hài lòng?

LAN ANH