Học cách vượt qua nỗi đau
Đau đớn và tổn thương tình cảm khi người ta còn quá trẻ thực sự là một thách thức số phận. Nhưng làm thế nào để những người trẻ có thể đi qua nỗi đau, tìm lại niềm vui và hạnh phúc?
Học cách vượt qua nỗi đau
Đau đớn và tổn thương tình cảm khi người ta còn quá trẻ thực sự là một thách thức số phận. Nhưng làm thế nào để những người trẻ có thể đi qua nỗi đau, tìm lại niềm vui và hạnh phúc?
Từ “Nhà của bố”, những người phụ nữ trẻ đã có thể đứng dậy sau nỗi đau để làm chỗ dựa
vững chãi cho những đứa con của mình – Ảnh: An Dy |
Ngôi nhà… không nhắc lại nỗi đau
Có nhiều bà mẹ trẻ khi bị chồng hay bạn tình phản bội, họ thực sự hoảng loạn và mất niềm tin. Nhiều người trong số đó muốn tìm đến cái chết, còn lại thì không biết sẽ làm gì, không biết đi về đâu.
“Khi biết mình mang thai, em mới chỉ 18 tuổi, em đã quá hoảng loạn và sợ hãi khi không thể nói điều đó với ai. Người có thể nói thì họ đã bỏ mình đi rồi. Với bố mẹ thì sĩ diện gia đình là trên hết nên càng không thể cho biết. Em muốn chết đi, muốn bỏ con… Đó thực sự là chuỗi ngày khủng khiếp”, B.V (quê Quảng Nam) tâm sự.
Đây cũng là câu chuyện chung mà những bà mẹ trẻ ở “Nhà của bố” (The Father’s House) tại TP.Đà Nẵng tự nguyện chia sẻ với nhau. “Từ chỗ câm lặng, thủ thế như con thú bị trúng thương, những cô gái đã dần coi nhau như chị em, yêu thương và nương tựa lẫn nhau, trở thành chỗ dựa vững chãi cho những đứa con bé bỏng của mình”, bà Nguyễn Thị Mai ( quê ở Đại Lộc, Quảng Nam), một trong những bảo mẫu, làm việc hơn 7 năm qua ở “Nhà của bố”, cho biết.
Ở “Nhà của bố”, không một ai cố tình tìm hiểu hay đào bới nỗi đau của nhau. Trái lại, những bảo mẫu ở đây chăm sóc họ như con, nói với họ thật nhiều về tình mẫu tử thiêng liêng, về thiên chức của người mẹ, về sự may mắn khi được chăm sóc và nuôi dưỡng để có thể giữ lại đứa con…
“Nếu không tìm đến và được ở trong ngôi nhà chung này, có lẽ hai mẹ con em đều không còn trên đời. Em thực sự cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người đồng cảnh ngộ. Con em đã có nhiều mẹ, nhiều dì, nhiều ngoại yêu thương nó, còn em thì dù mới 22 tuổi nhưng đã thấy mình trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều”, H.A (quê Hà Tĩnh) cho biết.
Theo các bảo mẫu ở đây: “Chỉ có tình yêu thương con của người mẹ, sự hy sinh vô bờ bến vì con mới có thể giúp họ vượt qua nỗi đau. Vì họ còn quá trẻ nên mọi lý thuyết hay kinh nghiệm sống đều khó có thể thuyết phục được họ, giúp họ đi qua thương tổn quá lớn trong đời, cả về thể xác và tinh thần”.
Tin vào những điều tốt đẹp
“Nhà của bố” ra đời với mong muốn giúp đỡ các bà mẹ trẻ đơn thân vượt qua giai đoạn khủng hoảng, được sinh và nuôi dưỡng con. “Vì khả năng có hạn, chúng tôi ưu tiên những bà mẹ trong độ tuổi từ 14 – 22, chấp nhận nuôi con và đi học trở lại. Các bà mẹ được hỗ trợ trang bị thêm kiến thức thông qua các chương trình học nghề để có thể tự nuôi con bằng chính sức lao động của mình”, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trợ lý giám đốc khu vực Đông Nam Á – Tổ chức Trả lại tuổi thơ cho em, người trực tiếp quản lý “Nhà của bố” cho biết.
Hơn 7 năm thành lập, từ “Nhà của bố”, đã có 55 cặp mẹ con (đến từ nhiều tỉnh thành) được chăm sóc và nuôi dưỡng. Hơn 70% các bà mẹ trẻ được quay lại học nốt chương trình ĐH, CĐ, TCCN còn dang dở.
“Khi em vượt cạn một mình, chỉ có bàn tay của các bảo mẫu để nắm, để níu. Nhiều chị em khác phải sinh mổ tốn cả chục triệu đồng cũng được ở đây lo hết chi phí, tã sữa. Nhiều đứa trẻ sinh ra từ đây giờ đã 6 – 7 tuổi, đều ngoan ngoãn, thông minh. Hiện có 3 em bé sắp chào đời trong sự chào đón, trong tình yêu thương của mọi người… Vậy là đã quá đủ”. Bà mẹ mới 22 tuổi, đang học một trường ĐH tại Đà Nẵng xúc động nói.
“Nhà của bố” là một trong những chương trình ý nghĩa, đầy tính nhân văn của Tổ chức Trả lại tuổi thơ cho em – tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2002 bởi cặp vợ chồng người Mỹ, Robert Kalatschan và Dorothea.
Mục tiêu mà tổ chức này hướng đến là cải thiện cuộc sống cho trẻ thơ thông qua các chương trình: dinh dưỡng, nhà tình thương, chăm sóc y tế và giáo dục.
|
An Dy