Đối phó với bạo lực học đường: Tăng camera và giám thị
Nhiều giải pháp khác nhau được các trường ở TP.HCM áp dụng nhằm đối phó với bạo lực học đường.
Đối phó với bạo lực học đường: Tăng camera và giám thị
Nhiều giải pháp khác nhau được các trường ở TP.HCM áp dụng nhằm đối phó với bạo lực học đường.
Camera được gắn để quan sát học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
HS phải được rèn kỹ năng ứng xử, biết từ chối bạo lực và bảo vệ mình. Càng tham gia những hoạt động xã hội, hoạt động phong trào, có nhiều sân chơi để thể hiện bản thân, HS càng ít gặp vấn đề liên quan đến bạo lực học đường |
Thầy Trần Văn Đại Lợi (hiệu phó Trường THPT Thái Bình, Q.Tân Bình) |
Sau hàng loạt clip đánh nhau của học sinh (HS) ngay trong trường được chính HS quay và lan truyền trên mạng, các biện pháp ngăn bạo lực học đường được nhiều trường tại TP.HCM áp dụng như tăng cường công tác giám thị, lắp đặt camera quan sát, theo dõi HS trên mạng, dạy HS tự vệ…
Nắng nóng, trường chật, HS đông là những yếu tố ngỡ khách quan nhưng thường trực tiếp gây ra va chạm, xích mích trong sân trường và lớp học. Thậm chí chỉ một va quẹt nhỏ khi xếp hàng tập thể dục, không ai nói xin lỗi, trái lại nhìn nhau bằng một cái liếc mắt, thế là mầm mống của bạo lực được nhen lên và hậu quả khó lường diễn ra sau đó.
Theo sát học trò
Vào giờ ra chơi ở Trường THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, giám thị thường xuyên nhắc nhở bằng loa: “Trời nắng nóng, các em cần uống nước nhiều, rửa mặt khi thấy mệt mỏi, cáu gắt, hạn chế chạy nhảy”.
HS còn được nhắc nhở: Khi chẳng may va chạm nhau thì người va phải bạn cần nói “xin lỗi” và người còn lại sẽ trả lời “không sao”. Trường có gần 3.000 HS, mỗi giờ ra chơi như bầy ong vỡ tổ nên ngoài sáu giám thị chia nhau đứng ở các góc sân, hành lang, cổng trường thì tất cả giáo viên, nhân viên, bảo vệ đều phải tăng cường quan sát, theo dõi HS từ vị trí của mình để ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra.
Hạn chế đánh nhau trong góc khuất Cô Trần Lê Lưu Phương, hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM, cho biết: “Hiện trường đã gắn 32 camera (do phụ huynh hỗ trợ) dọc các hành lang lớp học và những góc khuất nơi cầu thang. Bốn giám thị của trường thay phiên nhau quan sát trên màn hình gắn trong phòng giám thị. Từ khi có gắn camera quan sát, những va chạm, khều quẹt với nhau trong những góc khuất được hạn chế, việc mất cắp cũng được giải quyết nhờ hệ thống quan sát này”. Tuy nhiên, theo cô Phương, tuy camera là phương tiện hỗ trợ có hiệu quả việc quản lý của nhà trường với HS nhưng không phải là biện pháp hoàn hảo, cái chính là phương pháp giáo dục, nề nếp nội quy ở trường, vai trò của thầy cô và giám thị. |
Những ngày cao điểm nắng nóng, giờ ra chơi càng bức bối, nhà trường phát nhạc cho HS nhảy dân vũ hay phát chương trình quà tặng âm nhạc để làm dịu đi sự nóng nảy.
Nhưng đó mới chỉ là những biện pháp tức thời. Để ngăn bạo lực từ HS, ngay từ đầu năm ban giám hiệu trường đã liên tục tổ chức các hoạt động tư vấn, chuyên đề về tâm lý cho HS.
Mỗi em đều tự tay viết lại bảng nội quy của trường và ký cam kết thực hiện sau khi chính các em được thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện nội quy đó.
Khoảng 100 HS tình nguyện (trong đó có nhiều em rất cá tính, từng vi phạm kỷ luật) được tập hợp thành một nhóm chuyên hỗ trợ nhà trường trong các sự kiện hay giúp giữ nề nếp trong giờ ra chơi.
Ngoài quan sát trực tiếp, giám thị thường xuyên kiểm tra màn hình hệ thống camera quan sát để nắm tình hình ở tất cả góc khuất và thông báo bằng loa khi thấy HS có biểu hiện tụ tập hay xô đẩy. Có hơn 30 máy ghi hình được đặt ở hành lang, cầu thang, sân chơi, khu vệ sinh… giúp thầy cô bao quát tình hình trường.
Tại Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, một trong những cách để ngăn bạo lực học đường là… dạy võ cho HS. Trường liên hệ mời các đơn vị quân đội về nói chuyện, dạy HS biết tự vệ, ứng xử với các tình huống xấu như bị đánh hội đồng hay trấn lột.
Trường cũng tổ chức nói chuyện chuyên đề về cách hóa giải các căng thẳng trong quan hệ bạn bè. “HS đánh nhau thời nào cũng có, trường nào cũng có. Chỉ khác là hiện nay có sự chi phối của công nghệ cùng ảnh hưởng từ game, mạng xã hội và diễn biến tâm lý của HS ngày càng khó nắm bắt.
Vì vậy thầy cô cũng phải lập trang cá nhân trên mạng xã hội để có thể hoà đồng với HS, hiểu được tâm lý các em và trò chuyện, giải tỏa khi cần” – cô Lê Trần Kiều Hoa, tổng phụ trách Đội của trường, cho biết.
Giám thị quan sát camera ghi hình các góc khuất tại một trường học ở TP.HCM – Ảnh: N.Hùng |
Tăng lượng giám thị, camera
Số lượng camera được sử dụng trong các trường học công lập ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với nhu cầu quan sát HS để ngăn ngừa tai nạn, bạo lực học đường. Để theo dõi và bảo đảm an toàn cho HS, khá nhiều trường đã lắp thêm hệ thống camera quan sát, tăng giám thị túc trực tại các vị trí “trọng yếu” trong trường như góc khuất, góc cầu thang, khu vệ sinh…
Việc kiểm tra màn hình camera được làm hằng ngày chứ không chờ khi có sự vụ xảy ra mới mở màn hình xem lại.
Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp) vừa đưa vào sử dụng 11 camera quan sát, Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) cũng vừa lắp thêm sáu camera mới. Thầy Đỗ Khắc Quang, tổ trưởng tổ giám thị Trường THCS Phan Tây Hồ, cho biết: “Hơn 30 camera hỗ trợ 50-70% công tác quản lý HS. Mình tua lại khi có sự cố để xác định HS có vi phạm hay không, nguyên nhân do đâu. HS cũng có tâm lý “sợ” camera. Tuy nhiên, giám thị vẫn phải kiểm tra và quan sát các tầng lầu, dãy phòng vào giờ cao điểm như đầu giờ, giữa giờ để kịp thời nhắc HS khi đùa quá trớn hay chạy nhảy quá nhanh”.
Tương tự, số lượng camera ở Trường THCS Võ Trường Toản cũng lên đến hơn 40 máy dù diện tích trường không lớn. Tại Q.5, trong vài năm gần đây một số trường THCS như Trần Bội Cơ, Kim Đồng, Ba Đình cũng đưa vào sử dụng hàng chục camera để quan sát hoạt động nhà trường. Đây là một nỗ lực của các trường công lập khi nguồn kinh phí lắp đặt này phải trông chờ từ phụ huynh hoặc từ các nguồn quỹ dự phòng.
Bên cạnh camera, các trường cũng tăng cường lực lượng giám thị, bảo vệ và tăng người trực vào giờ cao điểm. Một số trường thiếu giám thị chuyên trách phải tăng lực lượng bằng cách nhờ các giáo viên bộ môn (thể dục, giáo dục công dân, nhạc, họa…) kiêm nhiệm thêm vai trò giám thị để có thêm tai mắt giám sát HS.
Ngoài ra, nhiều trường còn liên hệ với chốt dân phòng gần trường để phối hợp giữ trật tự trước cổng trường, kịp thời phát giác những đối tượng lạ tụm năm tụm bảy hoặc rủ rê HS giờ tan học.
Thầy Nguyễn Hữu Thanh, trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, cho rằng: “Xu hướng bạo lực “ngầm” trong học đường đang diễn ra. Nếu trước đây HS xích mích đánh nhau do va chạm, nóng giận thì bây giờ nguyên nhân đánh nhau xuất phát từ thế giới ảo hay từ những chuyện yêu đương, ghen tuông của tuổi mới lớn. Và quan trọng là ngày nay HS có xu hướng tự giải quyết: hẹn nhau ra ngoài trường “nói chuyện” rồi bạo lực xảy ra. Vì vậy ngoài nỗ lực giám sát HS để ngăn bạo lực, thầy cô phải làm sao để HS tin tưởng và tâm sự khi cần giải quyết khúc mắc, căng thẳng bạn bè. Nếu thầy cô ở bên cạnh HS và có những lời khuyên kịp thời, tin rằng cơn giận bồng bột của học trò sẽ có thể hoá giải”.
Bạo lực học đường: phức tạp và khó lường Xích mích với nhóm bạn học vì nói xấu mình trên Facebook, một nữ sinh THCS Q.1, TP.HCM rủ các bạn thân đến “nói chuyện phải trái” với nhóm này nhằm dằn mặt. Chưa kịp đánh nhau thì giám thị đọc Facebook phát hiện, mời cả hai nhóm đến phòng ban giám hiệu làm việc. Chỉ vì va chạm với một HS khác lớp mà một HS nam lớp 11, TP.HCM bị nhóm thanh niên lạ chặn đánh khi ra khỏi cổng trường vài chục mét, hậu quả phải vào bệnh viện khâu nhiều mũi ở đầu. HS khác lớp đó đã giấu mặt và lẳng lặng nhờ “đồng đội” của mình bên ngoài trường ra tay “trả thù”. Một nữ sinh lớp 10 tìm gặp thầy tư vấn tâm lý và hỏi: “Con nhỏ đó nó dám đánh bạn gái em, em ức quá, giờ em phải trả thù nó sao đây?”. Ba trong số nhiều câu chuyện được thầy cô làm công tác giám thị tại các trường trung học ở TP.HCM kể lại cho thấy bạo lực học đường đang trở thành nỗi lo ngại thường trực, khi càng ngày vấn nạn này càng nặng nề và diễn biến phức tạp hơn. |