09/01/2025

Trung – Nhật tranh giành ảnh hưởng

18g21 ngày 31-3, Tân Hoa xã đưa tin: “Đến 6g chiều hôm nay, thứ ba, 46 nước đã đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), nhưng Mỹ và Nhật vẫn còn đứng bên ngoài”.

 

Trung – Nhật tranh giành ảnh hưởng

 

18g21 ngày 31-3, Tân Hoa xã đưa tin: “Đến 6g chiều hôm nay, thứ ba, 46 nước đã đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), nhưng Mỹ và Nhật vẫn còn đứng bên ngoài”.



 

 

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện của Diễn đàn APEC – Ảnh: Reuters

Vế đầu của dòng tin trên cho thấy sự hoan hỉ khi ý định thành lập AIIB nay đã trở thành một thực tế.

Vế thứ hai nhấn mạnh đến sự không tham gia của Mỹ – “đầu tàu” của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và của Nhật – “đầu tàu” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tựa đề của bản tin Tân Hoa xã “AIIB: một sự thay đổi mô hình thế lực” đã cho thấy rõ ý muốn cạnh tranh “thị phần” ảnh hưởng: qua AIIB, Trung Quốc sẽ là mô hình thế lực mới thay thế mô hình thế lực cũ là Nhật (qua ADB) và Mỹ (qua WB cùng IMF).

Từ đó có thể thấy AIIB ra đời không đơn giản chỉ là một ngân hàng đầu tư khác nữa cho châu Á vay tiền xây dựng hạ tầng cơ sở, hay là “một sự hợp tác và cũng có thể là một sự cạnh tranh lành mạnh với ADB và WB” như Tân Hoa xã giải thích, mà là một sự tranh giành ảnh hưởng.

Cho vay và tạo ảnh hưởng là một thực tế mà rất nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã phân tích. Daniel Yew Mao Lim và James Raymond Vreeland của Đại học Harvard, trong “Ảnh hưởng Nhật trên ADB và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” (World Politics, tháng 1-2013) đã đưa ra một nhận xét mang tính phổ quát:

“Sức mạnh kinh tế thường biến thành sức mạnh chính trị trên trường quốc tế, viện trợ nước ngoài và đôi khi có thể phục vụ như là một công cụ chi phối mạnh mẽ của các chính phủ đang tìm cách đẩy mạnh các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ”.

Tuy Nhật chỉ nắm giữ 15,67% vốn của ADB ngang với Mỹ (15,56%) nhưng cũng mang tiếng là “đầu tàu” quyết định của ADB do chiếm đến 15,6% số quyền bỏ phiếu, cộng với chừng ấy quyền bỏ phiếu của Mỹ nữa vốn là “cặp bài trùng” ở châu Á – Thái Bình Dương. Và khi đã vay nợ thì sẽ ủng hộ chính sách đối ngoại của “chủ nợ”, các tác giả kết luận.

Nay đã đến lúc Trung Quốc tạo quả cầu ảnh hưởng của mình trong tư thế một cường quốc trong mọi lĩnh vực cho cả một châu Á, chứ không đơn thuần là nền kinh tế lớn nhì hay nhất thế giới hay là một thế lực quân sự đang trỗi dậy.

Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng trong từng quan hệ với từng quốc gia đơn lẻ như cho tới nay, mà sẽ tạo ảnh hưởng một cách hệ thống. Ngay từ tháng 11 năm ngoái, tờ The Economist đã viết: “Trung Quốc sẽ sử dụng ngân hàng mới này nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình, gặm nhấm vào ảnh hưởng của Mỹ và Nhật”.

Masahiro Okoshi của tờ Nikkei lặp lại: “Trung Quốc đang tìm cách sử dụng nhu cầu cơ sở hạ tầng rộng lớn của châu Á cho lợi thế riêng của mình. Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng được ảnh hưởng của mình qua việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng dọc con đường tơ lụa của thế kỷ 21 trải dài từ châu Á đến châu Âu và sang châu Phi, thêm vào đó là một tuyến đường hàng hải bổ sung”.

Băn khoăn này không là thừa: rút kinh nghiệm việc Nhật (cộng Mỹ) giữ 36% vốn và 36% quyền bỏ phiếu, việc Trung Quốc nắm giữ tới 50% vốn, các quyết định của AIIB sẽ vì lợi ích của ai?

ADB và AIIB sẽ cộng sinh và cạnh tranh? Thứ sáu tuần rồi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông không phản đối gì việc ADB có những dự án cộng tác với AIIB, miễn là tuân thủ những tiêu chuẩn của ADB (Nikkei Asian Review, 28-3). Tức muốn tranh giành ảnh hưởng, cứ việc!

Cuộc cạnh tranh sẽ là rất thú vị khi mà Trung Quốc sẽ phải chứng tỏ là một cường quốc có trách nhiệm. Ví dụ như liệu AIIB sẽ có dự án nào cạnh tranh với dự án GMS của ADB cho tiểu vùng Mekong mở rộng mà ADB đã xuất vốn cho vay 11 tỉ USD từ năm 1992, để hàn gắn những tàn phá thượng nguồn dòng sông này?

Khi bước vào “sân chơi của các ông lớn” thì cũng phải ra dáng là một ông lớn.

Mỹ hướng Trung Quốc về Trung Á

Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Trung Á, đồng thời coi đây là “sự bổ trợ” cho những cam kết của Washington tại khu vực này. Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đưa ra ngày 31-3 trong sự kiện tổ chức ở Viện Brookings (Mỹ).

Thứ trưởng Blinken nhấn mạnh Washington không nhìn nhận việc Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng tại Trung Á dưới góc độ người này được thì người kia mất, mà chính sách này của Bắc Kinh có thể là sự bổ trợ đầy đủ cho chính các nỗ lực của Washington tại khu vực này.

Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp tại Afghanistan cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập của nước này vào khu vực châu Á rộng lớn.

Thứ trưởng Blinken nhấn mạnh Mỹ ủng hộ Trung Quốc trong nỗ lực kết nối khu vực và đang tìm cách phối hợp hiệu quả hơn với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề này, hi vọng nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Trung Á sẽ “thúc đẩy thương mại trên tất cả các hướng song song với việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế”.

DANH ĐỨC