Thiếu xe cấp cứu
Nhu cầu xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân rất lớn, tuy nhiên các bệnh viện chưa đáp ứng được.
Thiếu xe cấp cứu
Nhu cầu xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân rất lớn, tuy nhiên các bệnh viện chưa đáp ứng được.
Xã hội hoá đầu tư xe cấp cứu nhưng phải quản lý về chất lượng, giá cả, không phó mặc cho tư nhân – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tiếng là Trung tâm cấp cứu 115 của TP.HCM, nhưng tại đây hiện chỉ có 6 xe cấp cứu. Theo một lãnh đạo của trung tâm: “Hiện lượng xe cấp cứu thiếu trầm trọng, xe của trung tâm chỉ để lo cho công tác cấp cứu người bệnh tại nhà; còn vận chuyển bệnh nhân thì không thể. Chúng tôi đang chờ thành phố cấp thêm 5 xe nữa trong thời gian tới”.
Đến bệnh viện bằng xe máy, taxi…
TS-BS Nguyễn Đình Phú – Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết: “Nhu cầu xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh rất lớn, nên nhiều BV không thể đáp ứng được. Các BV phần lớn chỉ lo xe cấp cứu bệnh nhân khi cần thiết, đưa người bệnh đi hội chẩn… chứ không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển khác của người bệnh”. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc BV Nguyễn Trãi cũng cho rằng xe cấp cứu, xe vận chuyển bệnh nhân ở các BV công hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu người bệnh. Do vậy một số BV phối hợp với xe của các đơn vị ngoài BV. Riêng BV Chợ Rẫy thì lực lượng xe cấp cứu hùng hậu hơn, với 15 xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh và 4 xe cấp cứu chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu.
TS-BS Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng các BV và cả một số tư nhân ngoài BV hiện chỉ đáp ứng nhu cầu có thật về vận chuyển, đưa bệnh nhân từ BV về nhà; còn xe cấp cứu đến tận nhà người bệnh để đưa họ đến BV thì không đáp ứng được. Do vậy, lâu nay người bệnh ít gọi cho Cấp cứu 115.
Năm ngoái, ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM cho thấy mỗi ngày tại TP.HCM có hơn 1.000 lượt người có bệnh và người bị tai nạn cần cấp cứu nhưng chưa đến 1% số trường hợp gọi cho Cấp cứu 115; số còn lại phần lớn được đưa đến BV bằng xe máy, taxi, ô tô gia đình… Nhiều bệnh nhân được đưa đến BV trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển không đúng cách dẫn đến khó khăn cho điều trị.
Xã hội hoá để đáp ứng nhu cầu
Phần lớn các bác sĩ đều tán đồng việc xã hội hoá trong đầu tư xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân, tuy nhiên phải đảm bảo các yếu tố chuyên môn.
TS-BS Nguyễn Đình Phú nói: “Cá nhân tôi ủng hộ việc xã hội hóa đầu tư xe cấp cứu để đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên các BV khi hợp tác với đơn vị bên ngoài phải làm hợp đồng, có cam kết rõ ràng về giá cả chứ không phải để tư nhân hét giá với bệnh nhân vô tội vạ. Xe cấp cứu đó phải được kiểm định, được cấp phép từ cơ quan chức năng đảm bảo phục vụ cho y tế”. Bác sĩ Trương Thế Hiệp – Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cũng cho rằng: “Với các BV không đủ xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân thì có thể xã hội hóa đầu tư xe, với điều kiện đội ngũ đi trên xe phải được huấn luyện, đào tạo về cấp cứu, được cấp phép hành nghề hẳn hoi”.
Một cán bộ của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết thêm, hiện có một số đơn vị có ý muốn đầu tư 5 – 10 xe cấp cứu vào trung tâm. Tuy nhiên việc này phải đợi xin chủ trương từ cấp trên.
Liên quan đến nạn xe cứu thương “dù” tại TP.Hà Nội, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Để dẹp tình trạng này, cần có chính quyền, công an trên địa bàn hỗ trợ thì mới giải quyết được. Bộ trưởng hai bộ Y tế và Công an đã có ký kết phối hợp, trong đó có hợp tác đảm bảo an ninh trật tự BV. Bộ Y tế cũng có ký kết với Công an TP.Hà Nội về vấn đề này và sẽ cương quyết xử lý”.
Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), tuỳ mỗi BV có cách thức tổ chức nhưng phải có cách kiểm soát giá; phải có đầu mối chịu trách nhiệm nếu vận chuyển gây sự cố cho bệnh nhân và người nhà về an toàn, về chi phí tài chính.
Liên Châu
|
Thanh Tùng