Đến trường không bị la mắng, đó là thiên đường
Một cuộc thăm dò ý kiến mới đây với 250 học sinh lớp 9 ở một số trường THCS tại TP.HCM hé lộ nhiều tâm tư của các em xoay quanh chuyện bị thầy cô xử phạt…
Đến trường không bị la mắng, đó là thiên đường
Một cuộc thăm dò ý kiến mới đây với 250 học sinh lớp 9 ở một số trường THCS tại TP.HCM hé lộ nhiều tâm tư của các em xoay quanh chuyện bị thầy cô xử phạt…
Thầy cô có thể la mắng, trách phạt học sinh, nhưng đằng sau đó phải cho các em thấy được tình yêu thương vô bờ bến của mình! |
Với 250 phiếu khảo sát, tất cả các em đều trả lời từng bị thầy cô la mắng xử phạt: ít nhất là vài ba lần, có những em vài ba chục lần, có nhiều em còn không nhớ nổi!
Cả trăm lý do bị la mắng
Có hàng trăm lý do. Từ những “bệnh” muôn thuở của lứa tuổi học trò: không học bài, không soạn bài, ăn vụng trong lớp, trốn không chịu xếp hàng, dán giấy lên lưng áo bạn để bêu riếu, nói chuyện trong giờ học, trong giờ môn này học bài môn khác, chuyển thư cho nhau, đi học trễ, giật tóc bạn gái, gác chân lên ghế…, cho đến những vấn đề nghiêm trọng hơn: tốc váy bạn gái, cho bạn tắm… rác, chửi thề, nói hỗn với thầy cô, trổ tài hoạ sĩ lên tường trong lớp, chọc phá bảo vệ, thể hiện năng khiếu đá banh làm vỡ kính, tặng bạn bè nickname có tính chất sỉ nhục, đánh nhau, xì lốp xe của bạn…
Đúng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”!
Tùy vào mức độ phạm lỗi: đứng phạt tại chỗ, đứng cuối lớp, đứng ngoài hành lang, chuyển lên bàn đầu, chép phạt, ghi sổ đầu bài, trực lớp một tuần, chạy vòng quanh sân trường, hít đất…
Nặng hơn: viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh, đến gặp thầy hiệu trưởng, đình chỉ học tập, hạ hạnh kiểm, hoặc nêu tên dưới cờ – đây là hình thức xử phạt mà tất cả học sinh đều sợ.
Cũng không ít học sinh từng bị phạt đánh. Gần 50% phiếu trả lời cho biết các em đã bị phạt đánh, chủ yếu vào mông vào tay, phần lớn là các em nam.
Một số em ghi: “bị đánh vào lưng, bị nhéo tai, bị tát vào má”, “từng bị đánh khoảng 30 hay 40 lần gì đó từ lớp 6 đến lớp 9”, bị áp dụng hình thức “làm vệ sinh WC hoặc nộp tiền mua thêm báo”, “bị đánh sưng tay, một tuần sau vẫn thấy đau”…
Bức xúc khi bị xử phạt
Rất nhiều em chấp nhận hình thức xử phạt. Nhưng cũng không ít em thể hiện sự bức xúc, nhất là khi bị thầy cô hiểu chưa đúng, chưa thấu tình đạt lý:
“Em đã bị phạt rất nhiều, nhất là cô dạy toán hồi lớp 8. Cảm giác như cô không thiện cảm với lớp em, cô tìm mọi lý do để xử phạt, tâm trạng chúng em rất ấm ức, chẳng muốn học môn toán chút nào. Cô còn so sánh lớp em với lớp giỏi nhất khối, thật vô lý!”.
Em V.M.N., Trường HB, viết: “Khi bị thầy cô la mắng em rất nhức đầu, muốn đứng lên cãi lý. Nhưng em cố gắng kiềm chế, lỡ bùng phát hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn, nên tốt nhất là yên lặng và nghe chửi”, hay em khác: “Em rất lo lắng hoảng hốt khi bị mời phụ huynh, cả đêm ngủ không được”…
Nhưng bị xử phạt nhiều rồi cũng thành quen, như suy nghĩ của em N.H.A., trường ND: “Khi bị phạt ban đầu em còn sợ, sau vài ba lần thành quen”…
Với hình thức xử phạt là đánh, em V.T.H., Trường NVN, cho rằng: “Bị đánh là hình thức xử phạt nhẹ nhất đối với em”.
Nhưng với em L.V.T. lại hoàn toàn trái ngược: “Khi bị đánh em xấu hổ lắm, đó là sự sỉ nhục lớn nhất”.
Tâm trạng càng nặng nề hơn, nhất là những lúc các em bị xử oan: “Vào đầu năm lớp 7, khi ném cuốn sổ cho bạn thì vô tình trúng vào thầy dạy địa lý. Thầy bắt em viết kiểm điểm là đã cố tình ném vào mặt thầy, đồng thời mời phụ huynh tới trường và hạ hạnh kiểm em”, “Có lúc em bị bạn bè chơi xấu vu oan trước mặt thầy cô, em bức xúc vô cùng nhưng không biết làm sao. Bởi nếu em cãi thì thầy cô sẽ cho em là hỗn láo, còn nếu em im lặng thì đồng nghĩa với việc nhận lỗi”…
Có những hình phạt làm tổn thương các em trong một thời gian dài như tâm sự của em C.V.X., Trường C: “Có lần em đổi chỗ ngồi, cô tát em. Tình cảm cô trò rạn nứt suốt cả năm”.
Cũng có những trường hợp khá đặc biệt: “Có một vài lần bị phạt oan nhưng em đã tìm cách bào chữa cho mình, rất may thầy cô đã lắng nghe và thay đổi quyết định”.
Nhưng không phải em nào cũng mạnh dạn đứng lên bảo vệ mình như vậy. Và cũng có những bộc bạch rất dễ thương: “Hình phạt mà em thấy sung sướng nhất là khi thầy cô nói: “Được rồi, em lên lớp hoặc đi về chỗ đi, lần sau sẽ xử lý”. Lúc ấy em sẽ thở phào nhẹ nhõm vì ngày hôm sau thầy cô sẽ quên”.
Dẫu buồn phiền nhưng các em cũng thừa nhận tác dụng của la mắng, xử phạt: “Không có học sinh nào thích bị thầy cô la mắng hay xử phạt. Nhưng nếu không la, không phạt thì học sinh sẽ không sợ và không nên người”.
Em V.V.B., Trường NTT, còn dí dỏm: “Nếu đến trường mà không bị la mắng, trách phạt thì trường học chính là thiên đường!”.
Tâm phục khẩu phục
Bản thân người lớn chúng ta cũng phạm lỗi thì làm sao các em tránh khỏi. Vấn đề là la rầy, xử phạt như thế nào để bảo đảm tính sư phạm và có tác dụng giáo dục.
Hình thức chép phạt, trực lớp, viết bản kiểm điểm hoặc làm một việc gì đó có ích cho hoạt động của lớp là khả thi nhất nhưng cũng không nên quá nhiều.
Có những em bị chép phạt 500 lần câu: “Em xin lỗi, lần sau sẽ xếp hàng ngay ngắn”, hay bị trực lớp cả tháng là điều không nên.
Các em cũng đề nghị: “Thầy cô nên chọn hình thức xử phạt không ảnh hưởng đến đoàn kết lớp, tình bạn bè và gây ra mâu thuẫn trong quan hệ thầy trò”.
Rất nhiều em thích thầy cô dùng biện pháp tâm lý: “La mắng to, tâm sự nhỏ” và mong muốn được thầy cô: “Phân tích lý giải cho học sinh thấy khuyết điểm, trao đổi riêng để học sinh hiểu rõ đúng sai, tâm phục khẩu phục”.
Các em cũng đề xuất: “Không nên phạt nhiều quá, một số bạn sẽ bị chai lì, phản tác dụng”. Một số đồng ý biện pháp mời phụ huynh, trao đổi nhưng với tinh thần: “Góp ý chứ không phải phê phán chỉ trích, làm phụ huynh mất mặt, về trút giận lên đầu con em mình”.
La mắng, xử phạt học sinh phạm lỗi như thế nào là quyền của thầy cô, nhưng phải phù hợp tâm sinh lý của các em, đúng nguyên tắc sư phạm và phải nhắm đến mục đích giúp các em sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện đạo đức, học tốt hơn.
Và đằng sau sự la mắng đó phải cho các em thấy được tình yêu thương vô bờ bến của thầy cô.