09/01/2025

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT có còn cao ?

Quy chế thi THPT quốc gia dù được xem có nhiều ưu điểm, thể hiện tinh thần đổi mới trong giáo dục nhưng từ đây một câu hỏi đặt ra: điều này có dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn 99% như năm trước?

 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT có còn cao ?

 

 

Quy chế thi THPT quốc gia dù được xem có nhiều ưu điểm, thể hiện tinh thần đổi mới trong giáo dục nhưng từ đây một câu hỏi đặt ra: điều này có dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn 99% như năm trước?


 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT có còn cao ?  Quy chế thi mới tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh nhưng cũng khiến dư luận lo ngại tỷ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn cao – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều quy định nhằm đảm bảo tính trung thực của kỳ thi
Quy chế gồm 6 chương, 24 điều, quy định tất cả các khâu liên quan đến kỳ thi, từ cách thức tổ chức, những điều liên quan đến thí sinh (TS), người làm công tác thi đến cả những người không làm công tác thi nhưng có hành vi vi phạm đều được quy định rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm túc.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh có sự thay đổi. Trưởng ban là lãnh đạo UBND tỉnh, phó trưởng ban trực là hiệu trưởng trường ĐH hoặc giám đốc sở GD-ĐT chủ trì cụm thi. Việc coi thi, chấm thi có sự phối hợp giữa cán bộ, giảng viên ĐH với cán bộ, giáo viên của sở. Trước đây, giảng viên ĐH chỉ làm công tác thanh tra. Nếu quy chế trước đây chỉ có một điều về xử lý vi phạm thì hiện nay nâng thành 2 điều rõ ràng.
Quy chế mới cũng đảm bảo quyền lợi cho TS. Chẳng hạn, để xét tốt nghiệp, TS được chọn thêm một môn thi theo thế mạnh, khả năng và xu hướng nghề nghiệp của mình, ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Chuyển từ việc Bộ chọn sang học sinh chọn môn thi tốt nghiệp là chuyển theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất riêng của từng người. Điều này thể hiện rõ triết lý cá nhân hoá giáo dục và dân chủ hóa giáo dục.
Quy chế thi năm nay tạo điều kiện cho nhiều đối tượng dự thi: học sinh chưa tốt nghiệp năm nay và các năm trước; đã tốt nghiệp nhưng dự thi lại để tuyển sinh ĐH, CĐ; quy định chung cho cả học sinh phổ thông và học viên GDTX. Đây là một bước tiến, nhằm từng bước nâng chất lượng hệ GDTX và theo thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, năm nay TS đăng ký dự tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Đây là một quy trình hợp lý, tránh sự rủi ro cho TS nhưng phải mất hàng chục năm mới thực hiện được vì kỳ thi “3 chung”. Bên cạnh đó, mỗi TS được cấp 4 giấy chứng nhận điểm, nghĩa là có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển. Điểm bảo lưu quy định cho tất cả TS (trước đây chỉ đối với học viên GDTX). TS dự thi năm trước chưa tốt nghiệp, được bảo lưu điểm những môn đạt từ 5 trở lên cho kỳ thi năm tiếp theo. Đây là quy định hướng đến quyền lợi TS và tạo điều kiện cho họ tốt nghiệp THPT.
Việc ra đề thi theo hướng đến đánh giá đúng năng lực TS chứ không phải kiểm tra kiến thức. Chẳng hạn đề ngoại ngữ có thêm phần tự luận, các môn xã hội có câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng. Hướng đánh giá này sẽ có tác động nhất định đến việc dạy và học ở các trường phổ thông hiện nay.
Học thêm giáo viên trên lớp để có điểm học bạ tốt
Quy chế quy định TS có 2 điểm hỗ trợ tốt nghiệp, đó là điểm khuyến khích chứng chỉ nghề (loại giỏi cộng 2 điểm, loại khá cộng 1,5 điểm và loại trung bình cộng 1 điểm), và điểm trung bình cả năm lớp 12.
Hiện nay phần lớn TS đều có chứng chỉ nghề. Còn điểm trung bình năm rất quan trọng. Chẳng hạn, một TS có điểm trung bình năm là 6 và 2 điểm khuyến khích nghề thì tổng 4 môn thi tốt nghiệp của TS này chỉ cần 14 là có thể đỗ tốt nghiệp. Chính vì vậy mà hiện nay học sinh có xu hướng quay lại học thêm với thầy dạy mình để lấy điểm. Có môn, các em học 2 thầy với mục đích “một thầy lấy kiến thức, một thầy lấy điểm”. Bộ GD-ĐT cũng có chú ý đến vấn đề này bằng cách đưa ra mức kỷ luật “buộc thôi việc” đối với trường hợp gian dối trong sửa chữa học bạ, hồ sơ của TS. Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, cho điểm thường xuyên trên lớp khó kiểm soát. Một số giáo viên đang giảng dạy ở trường THPT cho biết lãnh đạo trường thường nhắc nhở cho điểm như thế nào để các em có quyền lợi nhất, do đó, giáo viên cho điểm nới hơn.
Tỷ lệ thấp, có chấp nhận không ?
Trước thực tế đang diễn ra, xã hội còn băn khoăn liệu tỷ lệ tốt nghiệp năm nay có còn cao như các năm trước. Và nếu coi thi, chấm thi nghiêm túc, tỷ lệ thấp có được xã hội chấp nhận không?
Còn nhớ một số trường liên tục nhiều năm có tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, nhưng năm 2007 chỉ đạt dưới 50% khiến phụ huynh và học sinh phản ứng vì cho rằng sự yếu kém của nhà trường nay mới bộc lộ. Có sở GD-ĐT nhiều năm liền tốt nghiệp trên 95%, một năm xuống còn dưới 75%. Thế là trong kỳ họp hội đồng nhân dân của tỉnh, giám đốc sở bị chất vấn. Giám đốc đưa ra 3 lý do, đó là: coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn; đề thi của Bộ khó hơn và một phần do quá trình ôn tập chưa tốt. Đại biểu HĐND chất vấn tiếp: “Thế những năm trước đạt tỷ lệ cao không phải do chất lượng mà do coi thi, chấm thi không nghiêm túc? Đề thi của Bộ khó là khó chung chứ đâu phải chỉ riêng tỉnh ta, mà kết quả nhiều tỉnh có tỷ lệ tăng lên?”. Giám đốc sở lúng túng không lý giải được. Chính vì vậy, có lãnh đạo sở khi chỉ đạo thi đã đưa ra quan điểm: kỳ thi phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng, chính xác và được xã hội chấp nhận.
Thực tế cho thấy có nhiều chủ trương đúng nhưng khi áp dụng thực tiễn, một vài năm sau phải bỏ do tiêu cực. Chẳng hạn, chủ trương tuyển thẳng ĐH đối với những TS tốt nghiệp giỏi trước đây chỉ thực hiện vài năm rồi bỏ. Quy chế thi THPT quốc gia, có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vì vậy đội ngũ thầy cô, những người sẽ làm công tác thi cần hiểu rõ và làm tròn trách nhiệm của mình.

Hồ Sĩ Anh