09/01/2025

Trung Quốc trải “đường tơ lụa” với thế giới

Đã có thêm nhiều quốc gia tuyên bố sẽ gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập, bất chấp sự lo ngại của Mỹ.

 

Trung Quốc trải “đường tơ lụa” với thế giới

 

 Đã có thêm nhiều quốc gia tuyên bố sẽ gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập, bất chấp sự lo ngại của Mỹ.




 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và quan chức các nước tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Hải Nam – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, mới đây Đan Mạch, Nga, Úc, Hà Lan, Brazil, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố sẽ gia nhập AIIB. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Mỹ từng gây sức ép buộc Úc và Hàn Quốc tẩy chay AIIB.

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng thông báo Anh và Thuỵ Sĩ đã chính thức trở thành thành viên sáng lập AIIB.

Vẫn còn 30 ghế thành viên sáng lập AIIB đang chờ đón các nước. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết hạn chót để đăng ký gia nhập với tư cách thành viên sáng lập là hôm nay (31-3).

Sau thời hạn này, các quốc gia khác vẫn có thể xin gia nhập AIIB nhưng chỉ với tư cách là thành viên phổ thông. Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa AIIB vào hoạt động cuối năm nay.

Nhiều nghi ngại

Các quan chức Mỹ từng nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về AIIB và các sáng kiến tài chính của Trung Quốc.

Quan ngại lớn nhất là Trung Quốc với quyền phủ quyết tại AIIB (vì góp 50% vốn) sẽ thao túng các quyết định cho vay.

Washington cũng dự báo nguy cơ AIIB, MSRB và SRF không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng…

Nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Mỹ gia nhập AIIB để cùng các nước phương Tây đảm bảo tổ chức này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Tân Hoa xã, hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã lên đường thăm Trung Quốc và có thể thảo luận về AIIB với các quan chức Bắc Kinh.

Nhưng Trung Quốc không chỉ có AIIB. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vừa kết thúc tối 29-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn mô tả về một trật tự kinh tế mới “có lợi hơn cho châu Á”, với vai trò quan trọng của AIIB cùng hai sáng kiến khác là Ngân hàng Con đường tơ lụa trên biển (MSRB) và Quỹ Con đường tơ lụa (SRF).

Theo kế hoạch ban đầu, Bắc Kinh sẽ đóng góp 50% trong tổng số vốn 100 tỉ USD của AIIB.

SRF dự kiến có 40 tỉ USD, còn MSRB kỳ vọng huy động được 16 tỉ USD. Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ chỉ “gánh trách nhiệm lớn hơn” tại châu Á chứ không có ý định “độc bá các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ hi vọng thương mại giữa các quốc gia dọc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (SREB) mà Bắc Kinh muốn thành lập sẽ vượt qua 2.500 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.

Các quan chức Trung Quốc cho biết những dự án nằm trong sáng kiến SREB sẽ tập trung phát triển nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu và khí đốt, hệ thống điện lực, Internet, cảng biển… kết nối Trung, Tây và Nam Á với châu Âu.

Chuyên gia William Yale của Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMS) nhận định mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là làm dịu các nước láng giềng đang lo ngại về các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.

MSRB được thiết kế để thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc với các nước châu Á có quan hệ hữu hảo như Malaysia, Campuchia, Sri Lanka, Pakistan…

Các khoản đầu tư hạ tầng của Trung Quốc tại châu Á sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc và tăng thương mại giữa quốc gia này với các nước láng giềng. Do đó, ba tổ chức tài chính AIIB, MSRB và SRF sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Giới quan sát nhận định việc các nước phương Tây và đồng minh thân cận của Mỹ ồ ạt gia nhập AIIB bởi không muốn bỏ qua cơ hội đầu tư béo bở tại châu Á.

Giáo sư Jeff Kingston, giám đốc cơ quan nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Temple (Mỹ), mô tả đây là “chiến lược ngoại giao chi phiếu” của Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, khó có nước nào cưỡng lại được sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ.

“Tương lai châu Á” ở Bác Ngao

Bài diễn văn hôm 28-3 của ông Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao chứa một số câu chữ ngoại giao nên đầy hứa hẹn và mềm mỏng khác hẳn với những quân lệnh cứng rắn thường thấy.

Trong chủ đích đó, chủ tịch Trung Quốc đã có những mời chào như: “Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi quốc gia cùng tôn trọng lẫn nhau và cư xử với nhau bình đẳng. Các nước có thể khác nhau về diện tích, sức mạnh hay trình độ phát triển, song đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế… Về những vấn đề liên quan đến tất cả chúng ta, chúng ta nên thảo luận và tìm kiếm một giải pháp chung”.

Nhất định rằng ông Tập là người đề xướng nên cũng sẽ là người chứng tỏ bằng những hành động cụ thể khẳng định những phát ngôn trước thế giới không chỉ là hoa mỹ.

Vì thế rất muốn tin “vai trò nước lớn” mà ông Tập định nghĩa trong bài diễn văn: “Là một nước lớn có nghĩa là gánh vác trách nhiệm lớn hơn đối với hoà bình, phát triển của khu vực và thế giới, trái ngược lại với việc tìm kiếm thế độc quyền lớn hơn trong các vấn đề của khu vực và thế giới”.

Vì thế có thể mong rằng tới đây các cuộc họp cấp trung về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ khai thông chứ không giậm chân tại chỗ suốt hai năm qua!

Ông Tập đã dành khá nhiều câu chữ cho việc tóm tắt lịch sử châu Á trong 70 năm qua để kết luận: “Trong 70 năm qua, các nước châu Á từng bước vượt qua những khác biệt về tư tưởng và hệ thống xã hội. Không còn cách biệt nước này với nước kia nữa, mà đang mở ra và quyện với nhau, sự nghi ngờ và lạnh nhạt đã nhường chỗ cho niềm tin… ngày càng tăng”.

Từ kết luận đó, ông Tập dẫn đến kết luận về hiện tại như sau: “Các lợi ích của các nước châu Á đã trở nên gắn bó với nhau, và một cộng đồng chung vận mệnh ngày càng thành hình”.

Có thể trong một số lĩnh vực, hoàn cảnh, thời khắc, lợi ích nước này với nước kia trong châu Á có thể trùng với nhau, song chưa đến lúc khẳng định “lợi ích các nước châu Á đã trở nên gắn bó với nhau”.

Cơ bản châu Á không hề và sẽ không là một khối toàn chất. Thực tế là lợi ích của Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc cùng Triều Tiên còn riêng rẽ lắm. Bất đồng, mâu thuẫn, va chạm nhiều hơn là hợp tác.

Cũng thế, lợi ích giữa Ấn Độ và Trung Quốc chẳng khác gì giữa voi và rồng! Số đập thủy điện bậc thang trên dòng Mekong cũng cho thấy lợi ích các nước có gắn chặt với nhau hay không!

Người Ấn, người Campuchia, người Hàn, người Lào, người Malay, người Nhật, người Thái, người Trung, người Việt… cùng ăn cơm, song đâu cùng chung bếp!

Thành ra, cũng hoan nghênh ông Tập khi ông nhấn mạnh: “Cái đầu óc thắng/thua xưa cũ nên nhường chỗ cho cách tiếp cận mới hợp tác mỗi bên cùng thắng và mọi người cùng thắng”.

Thôi thì hãy bắt đầu bằng sông Mekong!

DANH ĐỨC

 

HIẾU TRUNG