09/01/2025

Thị trường Campuchia hút tôm, cá Việt Nam

Các cửa khẩu thuộc tỉnh An Giang trở nên sôi động thời gian gần đây, khi các thương lái Campuchia đổ qua VN lấy hàng thay vì xuất bán sang VN như trước.

 

Thị trường Campuchia hút tôm, cá Việt Nam

 

 Các cửa khẩu thuộc tỉnh An Giang trở nên sôi động thời gian gần đây, khi các thương lái Campuchia đổ qua VN lấy hàng thay vì xuất bán sang VN như trước.

 
 

 

 

Hằng ngày, thương lái mua cá lóc từ các hộ nuôi ở ĐBSCL để xuất qua Campuchia – Ảnh: Đ.Vịnh

Hoạt động xuất khẩu các loại thuỷ hải sản sang Campuchia tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các cửa khẩu thuộc tỉnh An Giang, đã trở nên sôi động thời gian gần đây, khi các thương lái Campuchia đổ qua VN lấy hàng thay vì xuất bán sang VN như trước.

Ông Lâm Thế Giới, chi cục trưởng hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), cho biết từ sau tết đến nay, mỗi ngày tại cửa khẩu có cả trăm tấn thủy sản xuất bán tiểu ngạch sang Campuchia.

Thương lái đưa cá tôm xuất ngoại

Những ngày cuối tháng 3 tại cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang), hằng ngày đều có từng tốp xe tải chở cá tôm ghé đậu trước mặt chợ Long Bình. Từ trên xe, từng thùng đựng cá lóc, cá trê, cá rô, tôm càng xanh… lần lượt chuyển xuống đò giao bạn hàng bên kia biên giới.

Dưới sông, ghe của thương lái trong nước chở đủ loại cá neo đậu dọc bến bãi bên phía cửa khẩu Chraythom, Kaohthom (Kandal, Campuchia).

Cứ mỗi ghe cập bến, tốp nhân công thay nhau khuân vác chuyển cá vào các vựa, sau đó đem phân loại rồi đưa lên xe tải chở về phía Phnom Penh. “Lúc này vào mùa khô, các loại cá nuôi được phía Campuchia “ăn” mạnh lắm, nhiều khi không đủ để giao theo lượng đặt hàng của họ” – bà Mai Thị Đầy, chủ ghe chở cá, cho biết.

Thấy thị trường này có sức tiêu thụ lớn nên gần đây một số thương lái trong nước qua Chraythom thuê mặt bằng mở vựa mua, làm điểm trung chuyển. Mỗi ngày họ mua gom thủy sản các loại từ bạn hàng trong nước, sau đó vận chuyển bằng xe tải lên tận Kandal, Takeo, Kampong Speu, Phnom Penh… bỏ mối khắp các chợ lớn nhỏ.

“Các loại cá nuôi ở bên mình như lóc, lóc bông, rô, trê, he, mè vinh, điêu hồng, rô phi… đem qua bán có giá trung bình 25.000-50.000 đồng/kg, rất được người dân bên đó ưa chuộng, nhất là tôm càng xanh, tôm sú, cá nàng hai… bán rất chạy. Các nhà hàng, quán ăn lớn đặt hàng liên tục” – bà Nguyễn Thị Liên, một thương lái thường lên giao hàng ở chợ Olympic Phnom Penh, nói.

Tại cửa khẩu Tịnh Biên cũng sôi động không kém, chiều chiều xe tải chở cá từ các tỉnh lên tập kết ở mấy bãi đất trống cặp bờ kênh Vĩnh Tế trong khu chợ mới xây.

Cứ mỗi chuyến xe tải ghé lại, hàng chục nhân công nhảy lên trên xe cân cá, cho cá vào từng thùng sắt rồi chuyển sang mấy xe tải mang biển số Campuchia về đậu chực chờ sẵn. Mỗi chiều có cả chục xe tải loại siêu trọng chất ngồn ngộn thùng đựng cá lần lượt qua cửa khẩu, theo quốc lộ 2 đổ ngược lên hướng Takeo, Kampot…

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân địa phương, cho biết thương lái bên ấy đặt hàng số lượng lớn các loại cá lóc, cá rô, cá trê… với giá luôn cao hơn giá mua tại ao của nông dân khoảng 2.000-4.000 đồng/kg. Từ đó anh đứng ra làm “cầu nối”, hằng ngày đi mua cá của người nuôi các nơi đưa về đây giao bán cho họ.

Sẽ quy hoạch chợ đầu mối

Ông Bùi Phước Định, giám đốc Công ty TNHH Định Nguyệt, cho biết hằng ngày doanh nghiệp này tổ chức cho bạn hàng đi thu mua đủ loại cá lóc, cá rô, cá trê… từ các tỉnh bạn để đảm bảo đủ lượng hàng xuất bán sang Campuchia.

“Ở cửa khẩu này hiện có gần chục đầu mối mỗi ngày xuất bán hơn 100 tấn cá các loại sang Campuchia. Nhờ vậy, gần cả trăm lao động cũng có công ăn việc làm ổn định, thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng” – ông Định nói.

Ở một số cửa khẩu khác vẫn thường gặp bạn hàng chở cá tôm ngược lên bán tận Takeo, Takhamau, Prey Veng… Ông Trương Hải – giám đốc Công ty TNHH Trương Hải ở TP Châu Đốc, An Giang – cho biết thêm ngoài cá đồng, các sản phẩm khô, mắm cũng được tiêu thụ khá ổn định tại xứ này, mỗi tháng doanh nghiệp ông xuất bán gần chục tấn khô cá tra phồng.

Nhiều thương lái Campuchia qua mua cá ở cửa khẩu Tịnh Biên cho biết do nhiều vùng đồng hoang đã khai phá để canh tác, nguồn lợi thuỷ sản cũng không còn phong phú như trước, đặc biệt việc đánh bắt ngày càng kiểm soát rất nghiêm ngặt nên đang cần cá tôm nuôi từ các tỉnh ĐBSCL.

“Đất đai đều đã làm ruộng, trồng bắp, lại thiếu kênh rạch lấy nước để nuôi cá, dân tụi tui cũng không rành nuôi tôm nuôi cá” – ông Chey Uoch, cán bộ nông nghiệp ở Kirivong, Takeo, nói. Nhiều thương lái VN cũng cho biết nguồn thuỷ sản tự nhiên tại Campuchia đã giảm mạnh, nhưng việc phát triển nuôi trồng rất hạn chế nên các loại cá tôm VN trở thành nguồn cung cấp tiềm năng.

“Đầu ra này cũng góp phần tiêu thụ cá nuôi ổn định cho nông dân mình, nhất là những lúc bị dội chợ” – ông Định nhận định.

Ông Nguyễn Văn Thao – phó chủ tịch UBND huyện An Phú – cho hay cửa khẩu Khánh Bình có lợi thế giao thương bằng đường sông, về đường bộ chỉ cách Phnom Penh 70km nên thời gian qua đây là điểm trung chuyển, xuất khẩu đủ loại hàng hoá, nông sản, thuỷ sản.

“ĐBSCL có lợi thế nuôi trồng thuỷ sản, trong khi phía bạn lại có nhu cầu tiêu thụ. Hiện nay cầu Bình Di nối liền hai nước sắp hoàn thành nên việc giao thương càng thêm thuận lợi. Tới đây trong quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu sẽ xây dựng chợ đầu mối phục vụ việc đưa nông sản, thủy sản sang Campuchia” – ông Thao cho hay.

Ông Ngô Hồng Yến – chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên – cũng cho rằng việc xuất khẩu các loại thuỷ sản sang Campuchia là cơ hội tốt để tiêu thụ mặt hàng này trên địa bàn, do đó huyện đang quy hoạch xây dựng một khu chợ tập trung vừa phục vụ tiêu dùng nội địa, vừa làm đầu mối để đưa nông sản, thuỷ sản tươi sống qua thị trường tiềm năng này.

Nhiều rủi ro trong thanh toán

Ông Lâm Thế Giới, chi cục trưởng hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết khi các thương nhân Campuchia đem tiền sang thanh toán cho thương lái trong nước, chi cục phải cử hai cán bộ đưa đón từng người đến tận ngân hàng ở TP Châu Đốc hoặc TP Long Xuyên nộp tiền vào tài khoản, làm thủ tục chuyển khoản. Với chứng từ của ngân hàng, hải quan mới làm tờ khai hợp lệ.

Do thủ tục phức tạp như vậy nên mua bán tiểu ngạch do hai bên tự thoả thuận, thường là bên bán giao hàng trước rồi thương nhân mới chi trả sau nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

“Một số ngân hàng VN đã mở chi nhánh bên Campuchia. Để đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả, vừa qua hải quan An Giang kiến nghị cho phép thương nhân hai nước được thanh toán qua hệ thống các ngân hàng này” –  ông Giới cho biết.

Đ.VỊNH

ĐỨC VỊNH – BỬU ĐẤU