09/01/2025

Hàng rong bao vây trường học

Vào giờ tan học, cổng trường không khác gì những khu ẩm thực “đứng”.

 

Hàng rong bao vây trường học

 

 Vào giờ tan học, cổng trường không khác gì những khu ẩm thực “đứng”.

 

 

 

Học sinh mua thức uống ở xe hàng rong trước cổng trường – Ảnh: Như Hùng

Vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh không chỉ và không thể đóng khung trong khuôn viên trường học. Nhiều lần Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo về các loại thực phẩm bán trong căngtin, thực hiện bữa ăn chuẩn… với hi vọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.

Nhưng ngay khi bước ra khỏi cổng trường, yêu cầu đó đã trở nên xa xỉ khi hàng quán, hàng rong luôn trong tình trạng vây kín các trường học.

Cổng chính, cổng phụ các trường từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT ở không ít quận, huyện tại TP.HCM luôn trong tình trạng bị bao vây bởi hàng loạt hàng quán, hàng rong. Vào giờ tan học, cổng trường không khác gì những khu ẩm thực “đứng”.

Xung quanh trường học toàn quán ăn

Chiều 18-3, trong cái nóng ngột ngạt, không gian trước cổng Trường THCS Ngô Tất Tố (đường Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận TP.HCM) càng thêm phần khó chịu vào giờ tan trường bởi sự chen lấn của xe cộ, hàng quán, học sinh, phụ huynh, người đi đường…

Đường Đặng Văn Ngữ (đoạn từ Lê Văn Sĩ đến Nguyễn Trọng Tuyển) không dài nhưng có đến ba trường học trú đóng: Trường THPT Hàn Thuyên, Trường tiểu học  Đặng Văn Ngữ và Trường THCS Ngô Tất Tố (đều thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Đếm đi đếm lại đoạn đường này, cửa hàng chiếm số đông vẫn là các quán ăn, quán nhậu, cà phê, nước ngọt và một vài địa chỉ gội đầu, cắt tóc…

Đối diện cổng Trường THCS Ngô Tất Tố là một tiệm tạp hóa có bán các loại nước ngọt, thực phẩm ăn nhanh phục vụ học sinh. Từ hơn 15 giờ chiều, nhiều xe bán hàng rong đã tiến về phía cổng Trường THCS Ngô Tất Tố để chuẩn bị cho giờ cao điểm khi học sinh ra về.

Hơn 16 giờ, theo ghi nhận của chúng tôi, có đến 13-14 loại xe hàng rong dừng xung quanh cổng trường để bán đồ ăn thức uống cho học sinh. Bên phải cổng trường, ngay sát vách phòng bảo vệ là một xe bán cá viên chiên, bò viên…

Cách đó khoảng 2m là một chiếc xe đạp chở đầy các loại nước ngọt xanh đỏ, kế đến là bò bía, báng tráng nướng, nước mía, nước sâm… Bên trái cổng trường còn nhiều loại hàng rong hơn.

Ngoài các loại thực phẩm như bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn… nơi đây còn có cả hai xe đẩy hàng rong đồ chơi, card điện thoại… Việc mua bán cứ thế diễn ra nhộn nhịp, trong khoảng 20 phút, chỉ riêng hàng cá viên chiên đã phục vụ khoảng 50 học sinh, đa số là nữ.

Một số học sinh đổ tương cà, tương ớt, nước tương vào các đĩa nhựa và đứng ăn luôn tại chỗ. Một số khác cho vào bịch, khi cha mẹ đến rước thì ngồi lên xe ăn. Các nam sinh nhanh chân uống các loại nước ngọt, ăn kem, số khác cũng chen chân mua các loại thức ăn nhanh, bánh tráng trộn, trong đó nhiều em đủng đỉnh mua trà sữa, bánh tráng trộn vừa đi vừa nhâm nhi dọc đường về. 

Cách đó không xa là Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ. Trường này có hai cổng, cổng chính nằm trên đường Đặng Văn Ngữ, cổng phụ là một con đường nhỏ như con hẻm… 16g chiều 19-3, cổng phụ trường tiểu học Đặng Văn Ngữ cũng tấp nập như một khu ẩm thực khi “quy tụ” hàng loạt hàng quán.

Vào những giờ không cao điểm, cổng này chỉ tập trung hai, ba xe hàng rong và một vài quán nước ngọt, quán ăn nhưng khi học sinh sắp tan trường nơi đây có đến 14-15 xe hàng chen chúc nhau trên lòng đường rộng chỉ 4, 5m.

Thực phẩm bán cho học sinh quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có nước ngọt, kem, kẹo bông, trà sữa, nước sâm, thức ăn nhanh. Quầy bán gà rán có lẽ là nơi học sinh tập trung đông nhất. Ước tính một buổi chiều tan trường như vậy, xe hàng rong bán gà rán này thu hút vài chục học sinh ăn uống.

“Đố biết” thực phẩm có nguồn gốc từ đâu

Hơn 11 giờ trưa, học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) ùa ra như chim vỡ tổ. Bao vây cổng trường là hàng chục xe hàng rong đủ loại. Những xe hàng rong này đứng đợi học sinh tràn ra lòng đường Phạm Văn Hai và dịch cả sang cổng trường mầm non bên cạnh.

Hai nữ sinh cùng nhau qua đường, trên tay là hai ly nước đá màu đỏ dâu, phía sau là các bạn nam nữ chen nhau mua thức uống của một người đàn ông bán dạo. Chiếc xe đạp của người này chở khoảng 20 chai nước ngọt loại 2 lít, đủ chủng loại, đã bán lưng chừng và gần như mở hết nắp…

Với bàn tay có móng dài cáu bẩn, ông vô tư vừa lấy nước vừa vục cả ly nhựa vào bình đựng đá rồi đưa cho các em. Mỗi ly nước 7.000 đồng, học sinh cứ thế vô tư uống. Trên vỉa hè hàng bánh tráng trộn cũng hối hả phục vụ học sinh.

Người đàn ông nhanh tay múc các loại thực phẩm đã cắt sẵn trộn lại với nhau, còn người phụ nữ đưa những miếng bánh tráng lên “sơn phết”, những miếng bánh tráng màu hơi đỏ, lạ lùng cả với chúng tôi. Chỉ trong vòng mươi phút, 20-30 học sinh quây quần để mua bánh tráng trộn đã nhóp nhép vừa gắp gắp, vừa xin sang đường để về nhà.

Quan sát trước đó cho thấy những xe hàng rong này chỉ mới di chuyển đến cổng trường để “đón đầu” giờ tan trường của học sinh. Hỏi về “nguồn gốc” của ly nước ngọt, hai nữ sinh nói trên cho biết: “Trời nóng nực, đang khát nước, thấy các bạn uống con cũng uống thôi”.

Nhìn mấy ly nước ngọt đầy phẩm màu làm sao biết được nhà sản xuất, làm sao biết được hạn sử dụng, làm sao biết thành phần của chúng là gì…? Trên xe nước của người đàn ông còn có nhiều màu nước lạ như xanh lá, xanh dương, vàng sậm… vẫn được các học sinh mua uống.

Các loại thực phẩm chế biến như bánh tráng trộn cũng không thể biết được đâu là khô bò thật, đâu là khô bò giả, khi chúng tôi mua một bịch thì thấy khô bò như những sợi nấm được nhuộm màu vậy.

Khác với những học sinh THCS, THPT tự ý mua đồ ăn thức uống ngoài cổng trường, những học sinh mầm non, tiểu học thường mua thực phẩm khi có sự đồng ý của bố mẹ. Tuy nhiên, việc các hàng rong bao vây cổng trường như nói trên cũng khiến nhiều phụ huynh khó xử.

Một phụ huynh Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ khi con đòi ăn gà rán đã buộc lòng phải mua: “Tui phải làm sao khi mấy bạn trong lớp con mình cứ ra khỏi trường là sà vào hàng cá viên chiên hoặc bánh tráng nướng ngay…”.

Trong khi đó, phụ huynh của một học sinh trường mầm non quận Tân Phú dù khá cứng rắn với thực phẩm bán rong, song nhiều khi cũng phải tặc lưỡi thôi mua cho con lần này.

“Tôi biết những thực phẩm này không lấy gì làm chắc chắn, ăn có khi còn ngộ độc, nhưng ngày nào con cũng vòi, mình không cho con mua mà các bạn khác được ba mẹ cho mua sẽ khiến con tủi thân. Nên nhiều khi tôi chọn giải pháp: mua những thứ thấy an tâm nhất trong vô số thứ bất an bán trước cổng trường” – phụ huynh này thổ lộ.

Ăn uống ngay bên băngrôn “nói không” của trường

Băngrôn được treo to, rõ, dễ nhìn ngay bên cạnh cổng phụ Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ – Ảnh: M.Dung

Bên cạnh cổng phụ Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ có treo tấm băngrôn “Học sinh Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ không ăn quà rong trước cổng trường”.

Chiều 23-3, dù quan sát rất rõ tấm băngrôn này nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con mua nước ngọt, cá viên chiên… đứng ăn đối diện tấm băngrôn. Không ít học sinh đứng chờ ba mẹ ở con hẻm này sà ngay vào các quầy bánh tráng trộn, gà rán… Tấm băngrôn dường như “cô đơn” khi nó bị cả học sinh lẫn phụ huynh “lờ” đi. M.D.

Thầy Đoàn Bá Cường (hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố):

Trường từng bị đe doạ khi quyết liệt dẹp hàng rong

Hàng rong đã “đeo bám” trước cổng Trường THCS Ngô Tất Tố từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ việc này không phải là vấn nạn của riêng trường tôi, quận tôi mà diễn ra ở nhiều nơi khác trong TP. Hầu như cuộc họp nào với địa phương chúng tôi cũng phản ảnh.

Nhiều lần địa phương và trường phối hợp để dẹp  hàng rong. Phải nói rằng nếu làm quyết liệt thì vấn đề này sẽ yên được một thời gian. Nghĩa là khi có cán bộ phường ở đó, có người canh gác… thì mấy xe hàng rong bám cổng trường di tản đến những hẻm, những đường lân cận, khi thiếu người canh gác họ lại đến.

Nhưng phường thì nhân sự mỏng, còn trường “không dám” một mình làm công tác ở phía ngoài vì đã nhiều lần bị dằn mặt. Năm ngoái, chúng tôi yêu cầu bảo vệ không để hàng rong bám xung quanh khuôn viên trường và kết quả là một số cửa kính phòng học, phòng bảo vệ bị kẻ xấu đập vỡ nhằm đe dọa…

Tuy công an không bắt được những đối tượng này nhưng tôi thật sự lo lắng cho sự an toàn của cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh.

Việc hàng rong đeo bám cổng trường không chỉ gây mất cảnh quan cho trường, khu phố, đô thị, hại đến sức khỏe mà còn nhiều cái nguy liên quan đến hành vi lối sống của con trẻ. Ngoài bán đồ ăn thức uống, một số người còn bán bài bạc, trò chơi, điện tử…

Trường tôi đã ghi nhận trường hợp có học sinh lượm được máy tính ngoài cổng trường rồi trò mua bán diễn ra. Tôi đã trực tiếp tìm hiểu, thì ra mấy người này “giăng bẫy” học sinh trường tôi nhằm lôi kéo, dụ dỗ vào các trò trộm cướp nguy hiểm…

Môi trường ngoài cổng trường, xung quanh trường học ít nhiều sẽ tác động đến hành vi, ý thức xã hội của học sinh nên tôi bức xúc với vấn nạn này lắm.

Hằng ngày giáo viên đều khuyên học sinh không nên mua hàng rong trước cổng trường, ban giám hiệu cũng đều nhắc nhở dưới cờ, nói về những tác hại trước mắt, lâu dài khi dùng các loại thực phẩm này (chỉ khuyên, phân tích đúng sai, lợi hại mà không thể cấm học sinh).

Chúng tôi đã thử nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa có hướng đi nào tối ưu, nếu không muốn nói là bế tắc. Nếu không có sự phối hợp, hậu thuẫn lớn của gia đình, xã hội, một mình trường không thể tự giải quyết nổi bài toán này.

MỸ DUNG