09/01/2025

Công an và “căn cứ lòng dân”

Đó là vấn đề được quan tâm tại hội thảo khoa học về vai trò của lực lượng công an nhân dân do Bộ Công an, Thành uỷ và UBND TP.HCM tổ chức ngày 29-3.

 

Công an và “căn cứ lòng dân”

 

Đó là vấn đề được quan tâm tại hội thảo khoa học về vai trò của lực lượng công an nhân dân do Bộ Công an, Thành uỷ và UBND TP.HCM tổ chức ngày 29-3.



 
 
Cảnh sát giao thông cùng các bạn trẻ thanh niên tình nguyện đưa người già qua đường tại TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Không chỉ là những danh hiệu cao quý đã được Đảng, Nhà nước trao tặng, ghi nhận những chiến công qua các giai đoạn, mà chính sự gắn bó máu thịt với dân, quyết tâm xây dựng “căn cứ lòng dân”… ngay từ thuở còn non trẻ đã góp phần làm nên bề dày lịch sử 70 năm của lực lượng công an nhân dân.

Bài học lịch sử vẫn vẹn nguyên giá trị ấy tiếp tục được làm sâu sắc hơn qua nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM (1945-2015)” do Bộ Công an, Thành ủy và UBND TP.HCM tổ chức ngày 29-3.

Của nhân dân, từ nhân dân, vì nhân dân

Trong phần khai mạc hội thảo, ông Lê Thanh Hải – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM – nhấn mạnh: “Công an nhân dân Việt Nam là công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.

Xuyên suốt nội dung của các tham luận đều khẳng định truyền thống cách mạng của lực lượng Công an TP.HCM cần tiếp tục được vun bồi, rèn giũa để mỗi ngày một sáng hơn, đó là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó.

Đoàn thanh niên đóng góp nhiều mô hình hiệu quả

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường cho rằng việc phối hợp giữa Đoàn thanh niên và Công an TP.HCM trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, “dư địa” cho sự hợp tác này vẫn còn, vẫn có thể tăng cường sự hợp tác nhiều hơn nữa trong công tác giữ gìn bình an cho TP.HCM.

Anh Nguyễn Mạnh Cường đánh giá nhiều mô hình phối hợp có hiệu quả giữa Đoàn thanh niên và Công an TP.HCM như mô hình “hòm thư tố giác tội phạm”, “khu phố không ma túy”, “đội hình thanh niên sau 24h”, “đội hình bình yên khu phố”… sẽ được tiếp tục phát huy và sáng tạo thêm những mô hình mới.

Các tham luận cũng nêu bật dù với tên gọi nào, các đội tự vệ công nông được đổi tên thành “Quốc gia tự vệ cuộc” trong những ngày đầu mới khai sinh, “Công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định” ở thời chống thực dân Pháp, “An ninh T4” ở thời kháng chiến chống Mỹ, Công an TP.HCM luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

“Trong những chiến công, thành tích xuất sắc của lực lượng công an nhân dân có sự đóng góp quan trọng của Công an TP.HCM trong các giai đoạn cách mạng” – tham luận của đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an, viết.

Quá trình trui rèn, trưởng thành của Công an TP.HCM từ năm 1945 đến nay đã để lại nhiều bài học quý báu, như khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Chí Thành – giám đốc Công an TP.HCM – là “có giá trị đối với công tác công an và giáo dục truyền thống cho các thế hệ công an sau này”.

Trong năm bài học mà lực lượng của mình cần ghi nhớ ở mỗi bước đường làm nhiệm vụ, rèn luyện, trưởng thành…, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành nhắc lại: “Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có những thời điểm phong trào cách mạng gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng chính người dân bình thường thủy chung với cách mạng bằng trí thông minh, lòng dũng cảm của mình đã đùm bọc, chở che, nuôi giấu và bảo vệ cán bộ công an, cất giấu tài liệu, vũ khí”.

Trước đó, trong phần phát biểu đề dẫn, ông Võ Văn Thưởng – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – nhìn lại chặng đường 70 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an TP.HCM luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân…

Ghi nhận những chiến công qua các giai đoạn, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho lực lượng Công an TP.HCM nhiều danh hiệu cao quý: 16 đơn vị (thuộc Công an TP.HCM), 30 cá nhân đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Triết (giữa – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch nước), ông Lê Thanh Hải (bìa phải – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Trần Đại Quang (bìa trái – ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an) trao đổi tại hội thảo sáng 29-3 – Ảnh: Quang Định

Phải không ngừng đổi mới tư duy

Thượng tá Vũ Như Hà, phó phòng tham mưu Công an TP.HCM, đã nêu ngay trong đầu bài tham luận của mình những bất cập, tồn tại trong hoạt động của Công an TP.HCM: gần 20 năm qua ma túy lan rộng, tội phạm kinh tế ngày càng phức tạp, tội phạm về môi trường diễn ra phổ biến…

Theo thượng tá Hà, những vấn nạn này tăng lên trong xu thế phát triển của xã hội nhưng có nguyên nhân do “hệ thống pháp luật và hệ thống chuyên trách chưa đáp ứng được hết yêu cầu đề ra”.

Đưa ra nhiều con số, nhiều câu chuyện về thành tích của ngành công an TP.HCM trong những năm qua, song thượng tá Vũ Như Hà thẳng thắn rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có những lúc có sai sót yếu kém.

“Trong đó có những thời điểm hết sức phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân… Một số hiện tượng tiêu cực nội bộ đã xảy ra, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân” – thượng tá Hà nói.

Niềm tin ấy, nói như thạc sĩ Đỗ Thị Lan Anh – tổng biên tập tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng – là đang bị xói mòn.

“Tại sao không ít người dân lại sợ công an, lại hồi hộp đề phòng khi đến cơ quan công an?” – câu hỏi của bà Lan Anh làm hội trường lặng trong giây lát. Bà nói tiếp – thẳng thắn – đó là vì có những người trong ngành “đã không còn giữ được mối quan hệ máu thịt giữa công an với nhân dân”.

Và theo bà, có thể loại bỏ, xử lý những chiến sĩ sai phạm nhưng những hình ảnh xấu đó rất khó loại bỏ khỏi tâm thức của nhân dân ngày một ngày hai.

Ông Nguyễn Đình Sáng, ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM, sau khi nêu những đóng góp to lớn của nhân dân cho lực lượng công an TP.HCM trong phong trào tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh cũng cho rằng “ngành công an phải không ngừng đổi mới tư duy trong thực hiện nhiệm vụ”.

Ông Sáng thông tin trong bốn năm (2011-2014), người dân TP.HCM đã cung cấp cho công an mỗi năm khoảng 30.000 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự.

Trong đó 50% là tin có giá trị, đóng góp rất lớn cho sự bình yên của TP.HCM. Con số ấy không tự nhiên có được, cũng không thể tự tăng thêm nếu người dân không đủ niềm tin vào lực lượng công an.

Do đó, cùng với MTTQ, ngành công an phải có sự phối hợp thực chất, để “phát huy mạnh mẽ sức dân, thật sự góp phần xây dựng thế trận lòng dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội trong tình hình mới” – ông Sáng nói.

Gắn bó, gần gũi với dân đang là một trong những đòi hỏi mạnh mẽ từ thực tiễn của công tác xây dựng hình ảnh lực lượng công an. Bên lề hội thảo, Tuổi Trẻ đã trao đổi với các đại biểu về những giải pháp để thực hiện yêu cầu này.

* Thiếu tướng NGUYỄN CHÍ THÀNH (giám đốc Công an TP.HCM):

Mong mỏi lắng nghe ý kiến của dân

Chúng tôi thường xuyên kêu gọi, vận động người dân mạnh dạn góp ý xây dựng cho lực lượng công an.

Khi có những thông tin góp ý từ người dân, chúng tôi sẽ tiếp thu, chấn chỉnh những nơi chưa làm người dân hài lòng đối với những hoạt động của lực lượng công an. Chúng tôi mong mỏi được người dân góp ý kiến xây dựng lực lượng công an càng nhiều càng tốt.

Có nhiều hình thức để chúng tôi lắng nghe ý kiến của dân. Trong sinh hoạt tổ dân phố, người dân cần mạnh dạn nêu những ý kiến góp ý của mình đối với lực lượng của chúng tôi.

Thông qua đó, khi nắm bắt được ý kiến của người dân, nơi nào chưa làm người dân hài lòng thì nơi đó phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động của mình, phải lấy tinh thần tất cả vì hạnh phúc của nhân dân để phục vụ.

* Ông PHAN XUÂN BIÊN (nguyên trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM):

Dân đòi hỏi ngày càng cao

Người dân đi trên đường vào đêm khuya thấy có các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Điều đó cho thấy sự tin cậy của dân đối với lực lượng này. Tuy nhiên, nhân dân thấy được mặt tốt, đồng thời cũng thấy được những điều cần tiếp tục khắc phục, chấn chỉnh.

Trong lực lượng công an cũng như các ban ngành khác, có những hình ảnh hết sức tận tụy, hết lòng phục vụ dân nhưng cũng có những sơ sót. Đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống, trong khi người dân yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong thực thi công vụ.

Do vậy, đối với lực lượng công an, nếu thật sự thuộc và thực hiện đúng sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra, đáp ứng được mong đợi của người dân.

* Thiếu tướng, PGS.TS NGUYỄN BÌNH BAN (viện trưởng Viện Lịch sử công an):

Công an phải thượng tôn pháp luật

Đảng ủy công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo việc học tập, thực hiện nghiêm túc nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; bước đầu đã đạt được kết quả, hiệu quả đáng khích lệ.

Trách nhiệm đầu tiên chúng tôi phải làm là hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp đó phải có tác phong công tác khoa học, gần dân, gắn bó với nhân dân, đặc biệt phải thể hiện thái độ tận tụy đối với công việc.

Một trong những mấu chốt để trả lời được những câu hỏi, yêu cầu, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với lực lượng công an là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, tức thực hiện đúng những gì được Đảng, Nhà nước giao. Đồng thời phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong lực lượng công an đã có nhiều hình ảnh, tấm gương tốt, tuy nhiên có một số hình ảnh chưa đẹp.

Đó là thực tế nên phải tiếp tục phấn đấu để có nhiều hơn những hình ảnh đẹp, tấm gương tốt trong lực lượng này bằng các giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống; các biện pháp xử lý hành chính…

QUỐC THANH ghi

QUỐC THANH – VIỄN SỰ