10/01/2025

Khai mạc Đại hội đồng IPU-132: Biến lời nói thành hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế

Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự IPU-132 là “biến lời nói thành hành động” để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng.

 

Khai mạc Đại hội đồng IPU-132: Biến lời nói thành hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế

 

Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự IPU-132 là “biến lời nói thành hành động” để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng.


 

 

Khai mạc Đại hội đồng IPU-132: Biến lời nói thành hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc IPU-132 – Ảnh: TTXVN

Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong phiên khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội vào tối qua. Tham dự và điều hành phiên khai mạc có: Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Tổng thư ký IPU Martin Chungong; Cố vấn đặc biệt, đại diện TTK LHQ, bà Amina J.Mohammed.
Đại hội đồng IPU-132 có chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”; thu hút sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế.
Tình hình thế giới chuyển biến khó lường
Trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước nhận định tình hình thế giới đang chuyển biến rất nhanh, sâu sắc và khó lường. Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, biển đảo; chạy đua vũ trang; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước; các hành động chính trị cường quyền, bất chấp luật pháp quốc tế…
Nhân dịp này, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “VN chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề biển Đông, bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và các thoả thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực”.
Về phần mình, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của người dân trong các vấn đề thảo luận về phát triển bền vững. “Nếu nguyện vọng của người dân không được phản ánh trong các mục tiêu phát triển bền vững, điều này có nghĩa rằng chúng ta không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Do vậy, Đại hội đồng IPU lần này tại Hà Nội mang ý nghĩa rất quan trọng”, ông Chowdhury nói.
Nhiều chủ đề quan trọng
Tại phiên khai mạc, bà Amina J.Mohammed đã đọc Thông điệp của TTK LHQ Ban Ki-moon gửi tới Đại hội đồng IPU-132, trong đó, nhấn mạnh: “… Tôi hoan nghênh chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động” của Đại hội đồng lần này, cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được thảo luận, nhằm bổ sung và đóng góp nỗ lực cho chính chúng ta tại LHQ”.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu và khách quý tham dự Đại hội đồng IPU-132 và nêu rõ chủ đề lần này hết sức quan trọng, được IPU thảo luận vào đúng thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm (2000 – 2015) thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và LHQ đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015. Đại hội đồng sẽ dành thời gian thảo luận nhiều chủ đề quan trọng về vai trò của nghị viện trong các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế mới về quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên Hiệp Quốc, nhân quyền của nghị sĩ; chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS…
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trang trọng đánh một hồi cồng, chính thức khai mạc Đại hội đồng IPU-132. Tại Đại hội đồng IPU-132, các nghị sĩ sẽ xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết tại 4 ủy ban: về hoà bình và an ninh quốc tế; phát triển bền vững, tài chính và thương mại; dân chủ và nhân quyền; về các vấn đề LHQ. Các nghị sĩ cũng sẽ thảo luận và xem xét thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp.
Sáng 28.3, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132 đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 với sự tham dự của đông đảo các nữ nghị sĩ đến từ nghị viện các nước thành viên. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, chủ trì hội nghị. Tham dự khai mạc có: Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng thư ký IPU Martin Chungong.
Sáng 28.3, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, sang tham dự IPU-132. Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật Samdech Heng Samrin và tiếp đoàn đại biểu Ban Chấp hành IPU do ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU, dẫn đầu đến chào xã giao. Chiều 28.3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan và Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trần Trúc nhân dịp các vị này dẫn đầu đoàn đại biểu các nước sang tham dự IPU-132.

Theo TTXVN