09/01/2025

Lý, hoá “được mùa”, đìu hiu sử, địa

Đến thời điểm này, nhiều trường THPT trong cả nước đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia:với mục đích thăm dò nguyện vọng để có căn cứ tổ chức ôn tập.

 

Lý, hoá “được mùa”, đìu hiu sử, địa

 

Đến thời điểm này, nhiều trường THPT trong cả nước đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia:với mục đích thăm dò nguyện vọng để có căn cứ tổ chức ôn tập. 


 

 

Học sinh lớp 12A15 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) đăng ký môn thi THPT quốc gia năm 2015 – Ảnh: Như Hùng

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ.

Hà Nội: đăng ký môn thi “lệch” khó khăn cho tổ chức ôn thi

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho biết: “Cả hai lần cho học sinh đăng ký môn thi đều cho thấy kết quả đăng ký lệch nhau khá rõ rệt giữa các môn thi. Có những môn thi chỉ có vài học sinh/lớp đăng ký”.

Theo thầy Bình, điều này nảy sinh khó khăn khi tổ chức ôn tập. Vì nếu như chương trình chính khóa không thu gọn, không được cắt xén, nhà trường buộc phải đan xen nội dung ôn tập vào tiết học chính khoá. Nhưng có những môn thi chỉ có 1-2 học sinh/lớp đăng ký thi nên tiết học của môn đó rất khó bố trí để vừa dạy chương trình bình thường, vừa bổ sung nội dung ôn tập cho vài học sinh.

Giải thích hết lời… học sinh vẫn không nghe

Việc rất ít học sinh chọn thi môn sử, địa đã là tình trạng chung nhiều năm qua, nhưng năm nay tình trạng ấy càng thê thảm hơn.

Như Trường Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) không có học sinh nào đăng ký thi môn lịch sử, môn địa lý chỉ có hai học sinh đăng ký, nhà trường vẫn mở lớp ôn thi.

Một trường tư thục ở Q.5 (đề nghị không nêu tên) còn cho biết không có em nào đăng ký thi lịch sử và địa lý.

Nhà trường giải thích, tư vấn hết lời cũng không em nào nghe.

Đến khi có kết quả thi thử, giáo viên chủ nhiệm phân tích thiệt hơn, các em thấy điểm môn sử, địa của mình cao hơn những môn khác mới thay đổi.

Mặc dù vậy nhưng đến thời điểm này cũng mới chỉ có bốn học sinh đăng ký thi địa lý và sáu học sinh đăng ký thi sử.

Cũng chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie – cho biết nhiều hiệu trưởng đều đang trăn trở về sự mâu thuẫn giữa quy định và thực tiễn dạy học, ôn tập. 

“Một lớp 40 học sinh, có môn thi chỉ có một học sinh đăng ký. Như vậy việc đảm bảo chương trình môn học và tổ chức ôn tập cho học sinh ngay trong thời gian này rất khó khăn” – thầy Khang nói.

Theo thầy Khang, việc bộ quy định cứng chương trình chính khoá chỉ kết thúc trước ngày 30-5 là cứng nhắc.

Trong khi kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, các em học sinh đã có định hướng đăng ký môn thi rồi thì cần kết thúc năm học sớm để tạo điều kiện cho học sinh ôn tập đúng với môn thi mình chọn.

“Việc giằng nhau đến tận ngày 30-5 không phù hợp với thực tiễn, vì thế rất có thể các trường sẽ vi phạm, vì nhu cầu của học sinh và yêu cầu của kỳ thi” – thầy Khang phát biểu tai hội nghị thi THPT quốc gia do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng 27-3.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số học sinh Trường THPT Việt Đức, Kim Liên cũng cho biết đang gặp vấn đề trong việc đăng ký môn thi thuộc nhóm “thiểu số”.

Một học sinh nói: “Cả lớp có ba học sinh đăng ký môn địa lý. Vì thế chúng em không thể được cô giáo dành cả giờ địa lý để ôn tập, do còn hơn 50 bạn khác không có nhu cầu ôn tập, nâng cao môn này. Ban cha mẹ học sinh cũng không đứng ra tổ chức ôn tập ngoài giờ học cho những môn thi có quá ít học sinh. Cách duy nhất để ôn tập là cô giáo cho mượn tài liệu, chúng em tự viết đề cương và tự ôn tập. So với các bạn đăng ký các môn thi số đông thì chúng em bị thiệt thòi hơn”.

TP.HCM: đăng ký nhiều môn để “xơ cua”

Với quy định không hạn chế việc đăng ký môn thi, nhiều học sinh ở TP.HCM đã dự định thi nhiều môn để dự tuyển vào ĐH theo các khối thi. Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) vừa cho học sinh lớp 12 đăng ký môn thi để nhà trường nắm bắt tình hình, lên kế hoạch ôn thi cho phù hợp.

Theo ông Huỳnh Trọng Phúc – hiệu trưởng nhà trường, trong tổng số 953 học sinh lớp 12 thì có 201 em đăng ký thi sáu môn (thí sinh được thi tối đa tám môn), 330 em đăng ký thi năm môn, số còn lại đăng ký thi bốn môn.

Ở Trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão cũng vậy, có 6/158 học sinh thi sáu môn, 113 học sinh thi năm môn, số còn lại thi bốn môn.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – phó hiệu trưởng Trường Phạm Ngũ Lão, lúc đầu trường có rất nhiều em đăng ký thi sáu môn. Sau quá trình kiểm tra rồi thi thử, các em biết được sức học của mình nên tự rút xuống còn bốn hoặc năm môn.

“Việc thi quá nhiều môn khiến các em phải học dàn trải, sẽ khó đạt được kết quả như ý muốn trong khi kỳ thi này không đơn giản chỉ để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT. Nó là một cuộc đua khốc liệt để giành tấm “vé” vào ĐH. Phải là những học sinh thật sự giỏi mới nên thi nhiều môn để thử sức”, thầy Phúc nói.

Một số giáo viên chủ nhiệm ở Q.3, Q.Phú Nhuận cho biết: “Các học sinh có tâm lý đăng ký thi nhiều môn để “xơ cua”, lỡ xét tuyển vào ĐH rớt ở khối thi này thì có khối thi khác vớt lại. Đây là quan niệm sai lầm. Chỉ những học sinh học giỏi đều tất cả các môn, các em đã chuẩn bị việc thi nhiều môn ngay từ đầu năm lớp 12, trải qua các đợt thi thử trong trường nhưng vẫn “đứng vững” (tức là điểm không bị hạ so với lần thi trước) mới nên thi 5-6 môn”.

Ghi nhận chung của chúng tôi tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM cho thấy phần lớn học sinh lớp 12 đăng ký thi môn vật lý. Theo các học sinh, chỉ cần thi bốn môn: toán, văn, ngoại ngữ, vật lý thôi cũng có thể dự thi ĐH bằng hai khối thi D và A1. Lý do thứ hai là môn lý có mặt trong cả khối A và A1. Lý do thứ ba là môn lý dễ lấy điểm hơn sử hoặc địa.

Đợt đăng ký môn thi vừa qua (đợt tạm thời), Trường Phạm Ngũ Lão có 113/158 học sinh đăng ký thi vật lý, 31 học sinh thi hoá, 37 học sinh thi sinh, chỉ có hai học sinh thi địa. Trường THPT Nguyễn Công Trứ có 834/953 học sinh đăng ký thi vật lý, 521 học sinh thi hóa học, 270 học sinh thi sinh học, riêng môn sử chỉ có 26 em đăng ký, môn địa chỉ có 36 em đăng ký.

Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân có 340 học sinh đăng ký thi vật lý, môn hóa có 166 em, sinh 92 em. Hai môn có số học sinh chọn thấp nhất là địa và sử, mỗi môn chỉ có tám học sinh.

Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TP.HCM tham dự buổi tập huấn công tác coi thi THPT quốc gia do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 27-3 – Ảnh: Như Hùng

Cần Thơ: 4 trường không chọn sử

Hơn 1.400 thí sinh Vĩnh Long chỉ đăng ký xét tốt nghiệp

Bà Trương Thị Bé Hai, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết theo kết quả đăng ký của học sinh các trường, có 1.453/11.500 thí sinh đăng ký dự thi tại Vĩnh Long. Theo đó, các thí sinh này chỉ dự thi bốn môn để xét tốt nghiệp, không dùng kết quả thi để xét ĐH-CĐ.

Dự kiến, sở sẽ tổ chức ba điểm thi trong tỉnh cho các thí sinh này bao gồm tại TP Vĩnh Long, huyện Mang Thít và thị xã Bình Minh (hoặc huyện Bình Tân) để thuận tiện cho thí sinh.

Bà Bé Hai cũng cho biết theo phương án chính thức của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh Vĩnh Long sẽ dự thi tại cụm thi Trà Vinh. Tuy nhiên, hiện nay Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã có văn bản xin ý kiến bộ về việc điều chỉnh để các thí sinh Vĩnh Long học ở các huyện gần tỉnh Trà Vinh dự thi ở Trà Vinh, riêng các thí sinh ở huyện Bình Tân, Trà Ôn và thị xã Bình Minh sẽ được dự thi ở cụm thi Cần Thơ.

THÚY HẰNG

Bà Lê Thị Thuỳ Dung, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết theo thống kê sơ bộ toàn TP Cần Thơ có 8.506 học sinh đăng ký tự chọn môn thi tốt nghiệp.

Lý là môn các em lựa chọn nhiều nhất với số lượng 3.360 học sinh, kế đó là hoá: 2.525 học sinh, địa lý: 2.174 học sinh, sinh học: 2.024 học sinh, sử là môn ít thí sinh chọn nhất với số lượng 467 học sinh.

Theo thống kê sơ bộ, tại TP Cần Thơ có bốn trường gồm: Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao, Thái Bình Dương, Quốc Văn và Nguyễn Bỉnh Khiêm không có thí sinh nào chọn lựa môn sử.

Trường THPT Thuận Hưng (Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có tổng học sinh lớp 12 là 254. Lý là môn dẫn đầu với 107 lựa chọn, kế đến hóa học 102, sinh học 75, địa 29, và lịch sử là môn ít học sinh chọn nhất khi chỉ có 22 em.

Bà Trần Thuý Kiên, hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, cho biết các em nhắm đến kỳ thi ĐH nên lý và hoá là lựa chọn hàng đầu bởi đa số các em đều dự định thi vào ĐH ở các khối A, B – những khối có nhiều ngành nghề nhất.

Riêng môn sử, ít em chọn bởi nếu chọn các môn này để thi vào ĐH thì thường là ngành sư phạm, mà hiện giờ ngành sư phạm đã bão hoà, cơ hội xin được việc rất thấp. Đó là lý do các em ít mặn mà với môn sử.

Đà Nẵng: chọn môn thi liên quan đến tổ hợp

Không khác các địa phương khác, đến thời điểm này khảo sát sơ bộ ở một số trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy ngoài ba môn thi bắt buộc thì đa số học sinh khi đăng ký môn thi tự chọn đã chọn môn hoá học và vật lý.

Ngược lại, hai môn sinh học và lịch sử có tỉ lệ học sinh lựa chọn thấp nhất.

Nhiều trường cho hay về cơ bản đã hoàn thành việc cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để tiện cho việc dạy ôn thi kỹ lưỡng, hợp lý. Trong thời gian này, học sinh có thể thay đổi suy nghĩ, đăng ký lại môn thi thoải mái.

Thông tin từ Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết năm nay trường có 958 học sinh lớp 12 thì có 501 em đăng môn vật lý, 399 em đăng ký hóa học, 104 em đăng ký địa lý. Nhưng ở môn sinh chỉ có 66 em đăng ký và lịch sử có tám em.

Thầy Nguyễn Huy Bính, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết xem qua bản đăng ký có thể nhận thấy hầu hết học sinh chọn môn thiên về các khối A, A1, D để xét vào ĐH, CĐ.

Tương tự, số lượng học sinh đăng ký các môn lý, hóa ở Trường THPT Phan Châu Trinh cũng chiếm tỉ lệ cao. Cao nhất thuộc về môn vật lý 59,56% (tương đương 731 học sinh), lần lượt hoá học 29,76% (439 học sinh), địa lý 11,19% (167 học sinh) và thấp nhất là hai môn sinh 8,61% (127 học sinh), sử 0,68% (10 học sinh). 

Theo thầy Trần Văn Quang – hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, việc đăng ký thử các môn thi của học sinh cũng được nhà trường định hướng trước. Đa số các em chọn môn thi liên quan tổ hợp môn xét tuyển vào một số ngành thuộc các trường ĐH.

“Hai năm trở lại đây, đa số học sinh của trường đều đăng ký chọn các môn tự nhiên để thi tốt nghiệp, bởi hầu hết các môn đó nằm trong dự định đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH có khối thi A, A1, B của các em” – thầy Quang chia sẻ. 

Cũng như hai trường Trần Phú và Phan Châu Trinh, Trường THPT Nguyễn Hiền cũng không ngoại lệ, số lượng học sinh đăng ký môn thi tự chọn lý và hóa đạt cao nhất. Ngược lại với hai môn đó thì sử, sinh rất thấp. Cô Lê Thị Tuyết Hồng, hiệu trưởng nhà trường, thống kê có 352 em chọn lý, 248 em chọn hoá, 90 em chọn địa và chỉ 40 em chọn sinh, 10 em chọn sử.

“Ngoài chuyện tăng tiết thì trong thời gian từ đây đến trước ngày đăng ký chính thức học sinh có thể suy nghĩ kỹ lại để đăng ký chốt lần cuối, từ đó có kế hoạch ôn tập chắc chắn” – cô Hồng lưu ý với học sinh.

Hà Nội: trường THPT không được thu tiền tổ chức thi thử

* Hà Nội đề nghị cán bộ giáo viên không nghỉ hè trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia

Đây là quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội công bố tại hội nghị thi THPT quốc gia ở Hà Nội ngày 27-3. 

Theo lãnh đạo phòng giáo dục trung học, các trường không được phép thu tiền phụ đạo học sinh yếu kém, thu tiền tổ chức thi thử dưới bất cứ hình thức nào, kể cả việc hội cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức.

Riêng trong khoảng thời gian từ ngày 20-5 đến 30-6, sau khi kết thúc chương trình chính khóa, việc tổ chức ôn tập cho học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 chỉ được tổ chức khi đảm bảo các điều kiện: học sinh có nhu cầu và tự nguyện đăng ký, đơn vị tổ chức ôn tập phải được cấp phép dạy thêm, các lớp ôn tập phải phân chia đối tượng, trình độ và đảm bảo chỉ thu học phí đúng với mức đã được UBND TP phê duyệt.

Cũng liên quan tới việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi, ông Nguyễn Hữu Độ – giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – yêu cầu tất cả trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên phải chuẩn bị điều kiện về vật chất và nhân lực, sẵn sàng nếu các cụm thi tại Hà Nội có nhu cầu sử dụng trường học làm điểm thi.

Lãnh đạo sở cũng yêu cầu cán bộ giáo viên các trường THCS, THPT không có kế hoạch đi nghỉ hè ở xa để sẵn sàng cho việc huy động phục vụ kỳ thi.

VĨNH HÀ

TP.HCM: không tổ chức cụm thi tại địa phương

Chiều 27-3, phát biểu tại cuộc họp triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia ở TP.HCM, ông Hồ Phú Bạc – trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP – nói: “UBND TP đã quyết định không tổ chức cụm thi tại địa phương mà chỉ có tám cụm thi do tám trường ĐH chủ trì.

Tám cụm này được bố trí đều khắp ở 24 quận, huyện, bình quân mỗi cụm thi có ba quận, huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh”.

Về nguyên nhân không tổ chức cụm thi tại địa phương, ông Bạc cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát ở các trường, trung tâm và thu được kết quả: hầu hết học sinh dự thi THPT quốc gia với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ; số thí sinh dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT rất ít. Vài hôm nữa sẽ có văn bản chính thức công bố danh sách các trường ĐH tổ chức thi ở những quận, huyện nào cho học sinh biết”.

Cũng theo ông Bạc: “Năm nay Sở GD-ĐT TP không tổ chức điểm thu nhận hồ sơ dự thi của thí sinh tự do, thí sinh vãng lai. Đối tượng này sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT trên địa bàn cư trú hoặc trường THPT nơi mình đã học lớp 12”.

Ông Bạc yêu cầu: “Các trường THPT cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh tự do nộp hồ sơ tại trường như: bố trí nhân viên tiếp đón, nhập thông tin thí sinh vào phần mềm theo quy định (năm nay các trường THPT phải chuẩn bị cả máy ảnh để chụp hình thí sinh, đưa vào phần mềm này cùng với những thông tin liên quan – PV); chuẩn bị bàn ghế, máy ảnh… chứ không được đùn đẩy sang đơn vị khác. Năm nay các thí sinh tự do có mã số riêng, không ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp THPT của nhà trường. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng trường THPT chịu trách nhiệm hoàn toàn về hồ sơ của thí sinh dự thi”.

Phía dưới hội trường, khá nhiều hiệu trưởng trường THPT phản ứng quy định trên. Họ cho biết việc thu nhận hồ sơ của thí sinh tự do gây phiền hà nhiều đến công tác của nhà trường: phải bố trí nhân viên trực, tiếp đón thí sinh, phải chuẩn bị máy ảnh, phải nhập dữ liệu vào phần mềm… trong khi nhà trường không có được lợi ích gì từ việc này.

Tuy nhiên, vì học sinh các trường sẽ cố gắng thực hiện. Riêng việc bắt hiệu trưởng chịu trách nhiệm về hồ sơ của thí sinh tự do thì không thể chấp nhận được.

HOÀNG HƯƠNG

V.HÀ – H.HG. – PHAN THÀNH – MINH TÂM