09/01/2025

Giúp trẻ đáp trả khi bị chọc ghẹo

Con trai tôi từ lúc lên 4 tuổi thường bị chế nhạo, chọc ghẹo nhưng bé không biết xử trí thế nào.

 

Giúp trẻ đáp trả khi bị chọc ghẹo

 

 Con trai tôi từ lúc lên 4 tuổi thường bị chế nhạo, chọc ghẹo nhưng bé không biết xử trí thế nào. 

 

 

 

Ảnh minh hoạ

Thậm chí nhiều lúc bé phản ứng thái quá với lời nói đùa cho vui của các bạn.

Mỗi lần đi học về, bé hay phàn nàn về cậu bạn cùng phố: “Bạn lại gọi con là heo mập! Con không chơi với bạn nữa đâu”. Bé nhà tôi khá nhạy cảm, dễ tự ái, nên thường xem chuyện chọc ghẹo (thân mật cũng như giễu cợt) thành quá nghiêm trọng.

Cu cậu rất dị ứng với những câu như: “Đồ bốn mắt!”, “Cậu là mít ướt à!”… Tôi cũng từng bảo con “đừng nghiêm trọng hoá vấn đề, có thể bạn chỉ trêu đùa thôi” nhưng thằng bé đã không thể xem vấn đề đơn giản như thế, những lời châm chọc đó cứ làm con tôi day dứt.

Thực tế có một số trẻ bị chế nhạo nhiều hơn mức chịu đựng. Hiểu được điều đó, tôi tìm cách giúp con nhìn thẳng vào vấn đề và từng bước giải quyết chúng.

Trước tiên, tôi giúp con nhận thức một số lý do các trẻ thường hay chọc ghẹo là: “Để gây cười cho mọi người” hay “Các bạn không cảm thấy bằng lòng với chính mình, vì thế các bạn muốn làm cho bạn khác cảm thấy xấu hổ”, hoặc “Bạn bè chọc ghẹo để được chú ý tới”, thậm chí còn vì “Những đứa trẻ khác trong nhóm làm điều đó vì muốn được hòa nhập”…

Cho nên điều quan trọng nhất là giúp trẻ phân biệt sự khác nhau giữa chọc ghẹo thân mật với khích bác, mỉa mai. Từ đó hình thành ở con khiếu hài hước để chinh phục bạn bè. Cụ thể, nếu là sự trêu đùa hài hước thì tôi khuyên con hãy coi nhẹ chuyện đó hoặc cùng tham gia pha trò. Ngược lại nếu đó là sự chế nhạo, khích bác một cách ác ý thì con nên cố gắng kiềm chế, đừng nổi cáu.

Hai là, tôi khuyên con giữ bình tĩnh, cố gắng đừng để bạn chọc ghẹo nghĩ là đã chọc tức được con. Trước tình huống đó, con hít lấy một hơi sâu, tự nhủ mình “làm mặt lạnh” hoặc đếm từ một đến mười trong đầu.

Ba là, xác định xem có nên đương đầu với người bạn gây sự hay không. Nếu nhận thấy có thể bị tổn thương, con cần có sự giúp đỡ. Nhưng con phải nhìn thẳng vào mắt bạn chọc ghẹo, đừng nhìn xuống, hãy ngẩng cao đầu và đứng thẳng.

Dùng giọng nói dõng dạc, dứt khoát và nói những lời đối đáp đã được luyện tập nhiều lần trước đó như: “Thôi đi!”, “Chứ sao”, “Thế sao, mình đã nghe người ta nói rồi”, “Bạn thấy chứ, như vậy thì sao?”…

Song tốt nhất khi bị chọc ghẹo, con nên làm ngơ bỏ đi, đừng chửi tục hay chọc ghẹo lại người đã trêu tức mình, cứ tiếp tục bước đi, làm bộ như không thấy người bạn chọc ghẹo ấy. Cách này có tác dụng nhất.

Ngoài ra, lúc con tôi đã vào cấp I, tôi còn chỉ con cách bày tỏ thái độ không bằng lòng trước đứa bạn hay chọc ghẹo bằng những câu nói như “Thật sự bạn làm mình nổi khùng khi bạn trêu mình như thế”, hoặc “Mình không thích bạn chế giễu mình trước mặt các bạn khác, có thể bạn cho đó là vui, nhưng đối với mình thì không phải vậy”… Những kiểu phản ứng đó đã giúp con tôi vượt qua những trò trêu chọc mà bé không thích.

Cách con bạn phản ứng như thế nào với việc bị chọc ghẹo rất có thể ảnh hưởng tới khả năng tạo quan hệ bạn bè và duy trì tình bạn của trẻ. Do đó, cần dạy trẻ biết đáp trả hợp lý để sau này những người bạn kia chán nản không muốn chọc ghẹo nữa.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN