10/01/2025

Giải mật chương trình hạt nhân Israel

Lầu Năm Góc vừa công bố tài liệu mật về chương trình hạt nhân Israel trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang “xộc xệch”.

 

Giải mật chương trình hạt nhân Israel

 

 

Lầu Năm Góc vừa công bố tài liệu mật về chương trình hạt nhân Israel trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang “xộc xệch”.

\

 

Bài trang nhất của báo The Sunday Times về chương trình hạt nhân Israel ngày 5.10.1986 - Ảnh: WikiLeaks

Bài trang nhất của báo The Sunday Times về chương trình hạt nhân Israel ngày 5.10.1986
– Ảnh: WikiLeaks

Theo giới quan sát, Mỹ và Israel đang trong thời kỳ quan hệ trắc trở chưa từng thấy, xuất phát từ bất đồng liên quan đến hòa bình Trung Đông, vấn đề hạt nhân Iran và cả quan hệ cá nhân được cho là không êm đẹp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Một trong những đỉnh điểm là việc ông Netanyahu hồi đầu tháng 3 đã bất chấp phản đối của Nhà Trắng và đến phát biểu trước quốc hội Mỹ. Khi đó, vị thủ tướng này tỏ rõ rằng sẽ bằng mọi giá ngăn cản một thoả thuận giữa Iran và phương Tây để giải quyết căng thẳng liên quan đến hạt nhân trong khi việc đạt được thỏa thuận này là một trong những ưu tiên lớn nhất về đối ngoại của ông Obama trong nhiệm kỳ cuối.

Trong tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, Thủ tướng Israel mạnh mẽ cảnh báo về “tình trạng hạt nhân hóa Trung Đông và những hậu quả khủng khiếp đối với toàn nhân loại”. Đáp lại, Tổng thống Mỹ phản ứng khá thờ ơ và nhận định rằng bài phát biểu “chẳng có gì mới mẻ”. Và cũng không biết trùng hợp hay cố ý mà gần như cùng thời điểm ông Netanyahu có mặt tại Mỹ, Lầu Năm Góc quyết định công bố tài liệu tuyệt mật chứng minh Israel mới là “tay chơi hạt nhân hạng nặng” ở Trung Đông.
Lộ sáng
Lâu nay, đa phần dư luận thế giới đều tin rằng Israel là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và thứ chín trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nước này luôn duy trì chính sách úp mở, không thừa nhận cũng không xác nhận và từ chối ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân còn Mỹ cũng luôn giữ im lặng. Tuy nhiên, Đài The Blaze trích báo cáo dài 368 trang mang tên “Đánh giá kỹ thuật then chốt về Israel và các quốc gia NATO” do Viện Phân tích quốc phòng Mỹ thuộc Lầu Năm Góc soạn thảo năm 1987 khẳng định: “Israel đang phát triển một thuật toán cho phép họ chế tạo bom hydro”. Đó là thuật toán chi tiết về quá trình phân chia và tổng hợp hạt nhân để chế tạo các loại bom nhiệt hạch có sức phá huỷ gấp 1.000 lần hơn bom nguyên tử.
Báo cáo cũng xác nhận vào thời điểm công bố rằng năng lực hạt nhân Israel “hầu như xấp xỉ năng lực hiện tại của chúng ta” và các phòng thí nghiệm của Israel “tương đương” các cơ sở tại Los Alamos, Lawrence Livermore và Oak Ridge, tức 3 lò cung cấp vũ khí chính cho kho hạt nhân của Mỹ.
Theo website Wisconsin Project on Nuclear Arms Control, từ năm 1956, Pháp bắt đầu giúp Israel xây dựng Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev ở TP.Dimona. Đến nay, nơi này được cho là nơi sản xuất vũ khí hạt nhân chính của Israel. Chính quyền Tel Aviv thừa nhận sự tồn tại của Trung tâm Negev nhưng không tiết lộ bất cứ chi tiết nào và từ chối để các chuyên gia quốc tế đến thanh sát. Nơi này được canh phòng vô cùng cẩn mật với một vùng cấm bay được thiết lập. Tạp chí Time dẫn nhiều sử liệu cho thấy trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, tên lửa Israel đã bắn hạ một chiến đấu cơ của chính nước này bay lạc vào khu vực cấm. Các chuyên gia ước đoán tính tới năm 2000, cơ sở Negev đã sản xuất đủ plutonium cho 100 đến 200 quả bom hạt nhân.
Báo cáo của Mỹ được thực hiện 1 năm sau khi công chúng lần đầu tiên biết đến những gì diễn ra sau các bức tường ở cơ sở Negev nhờ các tiết lộ của Mordechai Vanunu, chuyên viên tại cơ sở này trong giai đoạn 1975 – 1985. Ông mang hàng chục bức ảnh và dữ liệu từ Negev trốn sang Anh và tiết lộ chúng cho báo The Sunday Times vào năm 1986. Từ các dữ liệu trên, các chuyên gia kết luận khi đó Israel sở hữu 200 quả bom nhiệt hạch. Sau đó, Vanunu nhanh chóng bị Cơ quan Tình báo Israel Mossad bắt giữ và lãnh án 18 năm tù về tội gián điệp, trong đó có gần 12 năm biệt giam. Ra tù năm 2004, Vanunu bị áp đặt hàng loạt hạn chế về ngôn luận và đi lại. Hiện nay, trên website của mình, Vanunu thường xuyên cáo buộc chính quyền “giam lỏng” ông và kêu gọi quốc tế lên tiếng để ông được rời Israel.
Đòn trả đũa ?
Chính quyền Mỹ lẫn Israel chưa có phản ứng chính thức về các thông tin mới được công bố. Tuy nhiên, báo giới Israel nhanh chóng đặt ra nhiều giả thuyết về quyết định của Lầu Năm Góc. Truyền thông nước này chỉ ra rằng chỉ có chi tiết về chương trình hạt nhân của Israel bị tiết lộ trong khi các thông tin trong báo cáo nói trên về những đồng minh của Mỹ trong NATO như Pháp, Ý hay Tây Đức đều được bôi đen hoặc không công bố. Từ đó, có nhiều ý kiến cho rằng đây là “đòn trả đũa chính trị từ Tổng thống Obama”. Trang tin Arutz Sheva đặt câu hỏi to tướng trên trang chủ: “Đòn trả thù của ông Obama trước bài phát biểu của ông Netanyahu tại quốc hội Mỹ?” và gọi động thái giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ là “không tiền khoáng hậu”. Một số ý kiến khác thì cho rằng đúng là Mỹ muốn “dằn mặt” Israel nhưng không phải vì những tuyên bố của ông Netanyahu mà xuất phát từ nghi án Israel bí mật do thám quá trình đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ cộng thêm Đức). Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ tình báo Israel đã nghe lén các cuộc hội đàm, còn Tel Aviv cực lực bác bỏ cáo buộc này.

Thụy Miên