27/11/2024

Những sai lầm từ người lớn

Theo các chuyên gia, thế giới học đường sẽ tiếp tục bùng nổ bạo lực nếu như người lớn không nghiêm túc nhìn nhận lại khuyết điểm của mình trong quá trình giáo dục trẻ.

 

Những sai lầm từ người lớn

 

 

Theo các chuyên gia, thế giới học đường sẽ tiếp tục bùng nổ bạo lực nếu như người lớn không nghiêm túc nhìn nhận lại khuyết điểm của mình trong quá trình giáo dục trẻ. 

 

 

 

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT và học sinh TP.HCM, em Thụy Khanh, HS lớp 6/1, Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) mong muốn chính quyền có biện pháp giảm bạo lực học đường - Ảnh: Minh Luân

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT và học sinh TP.HCM, em Thụy Khanh, HS lớp 6/1, 
Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) mong muốn chính quyền có biện pháp giảm bạo lực học đường
– Ảnh: Minh Luân

Hôm qua tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục VN tổ chức cuộc tọa đàm “Bạo lực học đường – Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều cơ quan – cơ sở giáo dục. Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý – giáo dục học của Viện, đã trình bày kết quả khảo sát thực trạng vấn đề này, từ đó đề xuất việc cần phải có một đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý học đường.
Sử dụng quyền trong quan hệ, quản lý
 
 

51,6% HS cho biết từng liên quan tới bạo lực

 
Theo báo cáo của PGS Phạm Minh Mục, qua phiếu khảo sát với hơn 700 HS và 120 giáo viên của nhiều trường phổ thông thuộc nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, HS hiện gặp khá nhiều “rắc rối” khi tham gia đời sống học đường, trong đó có 51,6% cho biết đã từng liên quan tới bạo lực. Cụ thể, bạo lực tinh thần như mắng chửi, đe doạ, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục… là những dạng thường gặp nhất (chiếm 73%); bạo lực thể chất 41%. Khi gặp vấn đề, khoảng 1/3 HS đã chọn giải pháp im lặng, không phản ứng.

 

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong quá trình giáo dục, nhiều khi người lớn do thiếu kiến thức đã phạm phải những sai lầm khiến bạo lực học đường không được khống chế, ngăn chặn. Ông Lê Thanh Hà (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng một sai lầm hiện nay là cả nhà trường và gia đình đều dạy trẻ bằng kinh nghiệm: “Việc dùng lớp trưởng và các cán bộ lớp khác để quản lý lớp là một kinh nghiệm được nhiều giáo viên sử dụng. Điều đó rất nguy hiểm mà trường hợp ở Trà Vinh vừa qua là ví dụ. Có một nghiên cứu của nước ngoài về bạo lực học đường ở VN cho thấy việc chúng ta sử dụng quyền lực trong quan hệ, trong quản lý đã khiến đứa trẻ học theo”.

Không tôn trọng sự khác biệt và thiếu lòng vị tha
Ông Ngô Toàn, một nhà nghiên cứu độc lập, chuyên về tham vấn/tâm lý trị liệu, cho rằng bắt nạt và bạo lực học đường liên kết sát sườn với tiến trình trải nghiệm và biểu đạt cảm xúc. Thường những em không giống với số đông dễ thành nạn nhân của sự bắt nạt, chẳng hạn: quá xinh đẹp, béo phì, không được ưa thích, gặp vấn đề về sắc tộc/vùng miền, trông kỳ cục… Do đó, khi giải quyết vấn đề này cần phải nhìn nhận toàn diện bối cảnh, thay vì chỉ nhìn nhận như vấn đề giữa các cá nhân. Cần phải tạo một môi trường giáo dục lành mạnh mà trong đó thái độ tôn trọng sự khác biệt và lòng vị tha cần được xem là những giá trị cần được đề cao.
Nhiều đại biểu có mặt tại toạ đàm cũng đã chia sẻ những giải pháp, những ứng xử khi đối mặt với hiện tượng bạo lực học đường. Theo bà Nguyễn Thị Lê, Phó hiệu trưởng Trường THPT thực nghiệm (Viện Khoa học giáo dục VN), với đối tượng học sinh (HS) cấp THPT, việc giúp đỡ các em khi gặp những vấn đề rắc rối, trong đó có bạo lực học đường, cần theo hình thức “tham vấn” chứ không nên “tư vấn”. Bà Lê đưa ra một ví dụ về cách xử lý vấn đề tương tự ở Singapore mà chính bà và HS trong trường được trực tiếp trải nghiệm: “Khi một HS của chúng tôi có lỗi, bạn đã để HS bị ức hiếp, là một em 11 – 12 tuổi, tự quyết định có tha lỗi hay không. Nếu em đó tha lỗi, chúng tôi sẽ được ở lại tiếp tục chương trình giao lưu đã định sẵn. Nếu không, cả mấy chục HS VN sẽ phải về nước ngay lập tức. Cuối cùng em đó đã quyết định tha lỗi cho bạn học sinh VN”.
PGS-TS Mặc Văn Trang, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục VN, rất tâm đắc với câu chuyện trên và cho biết ông cũng đã góp ý xử lý vụ bạo lực ở Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Trà Vinh là nên tổ chức một buổi “lễ tạ lỗi” cho 7 HS có lỗi và cha mẹ các em trước tất cả HS, giáo viên, đại diện cha mẹ HS… Chứ như hiện nay, kết quả tuy “có hậu” cho nạn nhân nhưng “giáo dục thất bại”, PGS Trang nhận xét.
“Trường con cũng xảy ra tình trạng này, con lo lắm”
Ngày 25.3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi “Đối thoại giữa lãnh đạo sở và HS thành phố”. Tại đây, các HS đã thẳng thắn phát biểu trước lãnh đạo ngành GD thành phố về nhiều vấn đề đang diễn ra.
Em Trần Nguyễn Thụy Khanh (học lớp 6/1, Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) đặt vấn đề: “Gần đây con thấy có rất nhiều vụ bạo lực học đường và dường như ở trường nào cũng có. Ngay ở trường con cũng xảy ra tình trạng này, dù chưa đến mức nghiêm trọng nhưng con lo lắm. Vậy lãnh đạo ngành cần có biện pháp để răn đe tình trạng này”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Về tình trạng bạo lực học đường, các trường cần phải kiểm tra lại để nắm tình hình. Và giải pháp quan trọng là chúng ta cần phải tìm cách tháo gỡ mâu thuẫn giữa HS với nhau”.
Minh Luân

Lê Đăng Ngọc