10/01/2025

Hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia

Bộ GD-ĐT vừa phát hành mẫu hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia.

 

Hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia

 

Bộ GD-ĐT vừa phát hành mẫu hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia. 

 

 

Học sinh tham gia ngày hội tuyển sinh – Ảnh: Quang Định

Để thí sinh có thêm thông tin, chuẩn bị bộ hồ sơ ĐKDT tốt nhất, Tuổi Trẻ giới thiệu phần hướng dẫn của TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác chính trị sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM (lưu ý các thông tin điền trên phiếu chỉ là ví dụ).

1. Hồ sơ ĐKDT năm 2015:

– Hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia năm 2015 gồm: 1 túi đựng hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT với các nội dung như sau:

* Túi đựng hồ sơ: mặt trước là một phiếu khai thông tin ĐKDT của thí sinh, mặt sau là những điểm cần lưu ý khi khai hồ sơ.

* Phiếu số 1: gồm các nội dung cơ bản như mặt trước của túi đựng hồ sơ.

* Phiếu số 2: mặt trước gồm các nội dung cơ bản như mặt trước của túi đựng hồ sơ, mặt sau là hướng dẫn ghi phiếu ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia.

– 2 ảnh 4×6, 1 phong bì ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh.

– Bản sao chụp (photocopy) hai mặt chứng minh nhân dân trên một mặt của tờ giấy A4 và 2 ảnh cỡ 4×6 kiểu chứng minh nhân dân mới chụp trong vòng sáu tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ). Ngoài ra phải dán thêm 1 ảnh vào vị trí đã xác định ở mặt trước túi đựng hồ sơ.

2. Phiếu ĐKDT có 4 nhóm thông tin:

* Thông tin cá nhân: ngoài các thông tin cần thiết, những thí sinh được hưởng ưu tiên xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ theo hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định, cần khai thêm mã xã/phường.

* Thông tin ĐKDT: cần xác định rõ mục đích của việc tham dự kỳ thi và xác định rõ ngoài ba môn bắt buộc thì các môn thi tự chọn là gì?

* Thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT (dành cho thí sinh chưa tốt nghiệp): quan trọng là ngoài ba môn bắt buộc thì môn nào trong các môn ĐKDT tự chọn dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn có thông tin điểm bảo lưu của thí sinh đã dự thi THPT năm trước nếu có những môn thi đủ điều kiện bảo lưu theo quy định, muốn bảo lưu môn.

* Thông tin dùng để xét chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ: thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bỏ qua phần này.

3. Các bước cần lưu ý khi đặt bút làm hồ sơ:

* Mục đích của việc tham dự kỳ thi THPT quốc gia? Nếu để xét tuyển vào ĐH, CĐ, cần nắm chắc điều kiện tuyển sinh của ngành, trường mà bạn nhắm đến, đặc biệt là các khối xét tuyển hoặc tổ hợp các môn xét tuyển.

* Tra cứu thông tin về đối tượng ưu tiên tuyển sinh, khu vực tuyển sinh để ghi chính xác trong hồ sơ ĐKDT.

* Đọc hướng dẫn ghi phiếu ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia (ở mặt sau của phiếu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia).

* Trường THPT nơi thí sinh đang học hoặc công an xã phường nơi thí sinh tự do đang cư trú tại địa phương ký tên và đóng một dấu có phần giáp lai lên ảnh (chỉ để xác nhận nhân thân thí sinh). Thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu ĐKDT.

* Nơi thu hồ sơ giữ lại túi hồ sơ, phiếu số 1, bản photocopy chứng minh nhân dân và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi.

Trong trường hợp bị thất lạc giấy báo thi hoặc có những sai sót trước lúc thi, thí sinh đem phiếu này trực tiếp tới hội đồng thi tại cụm thi đã đăng ký vào buổi tập trung phổ biến quy chế để làm thủ tục dự thi.

TS LÊ THỊ THANH MAI