Khi trống lắc thay cây thước
Có lẽ từ rất lâu rồi, cây thước kẻ đã gắn bó với nghề dạy học, trở thành một “tài sản” bất di bất dịch của nhiều giáo viên. Mấy ai lên lớp dạy lại không có cây thước trên bàn?
Khi trống lắc thay cây thước
Có lẽ từ rất lâu rồi, cây thước kẻ đã gắn bó với nghề dạy học, trở thành một “tài sản” bất di bất dịch của nhiều giáo viên. Mấy ai lên lớp dạy lại không có cây thước trên bàn?
Trống lắc tay giờ thay cây thước – Ảnh: Phan Tuyết |
Thầy cô dùng thước trước là để gạch chân các đề mục trên bảng cho thẳng hàng, ngay ngắn. Thước giúp giáo viên vẽ hình cho chuẩn, giúp thầy cô làm hiệu lệnh khi gõ xuống bàn để các em bắt đầu và kết thúc một hoạt động học tập nào đó. Thước còn giúp thầy cô ổn định trật tự khi các em làm ồn. Chỉ một tiếng cốc gõ trên bàn vang lên, lớp học đang ồn ào náo nhiệt lập tức im lặng như tờ trong phút chốc. Biết bao mặt lợi mà thước đem lại.
Bên cạnh đó, thước cũng là tác nhân “tiếp tay” cho những cơn nóng giận của thầy cô. Thước có sức mạnh gấp nhiều lần lời thầy cô nói. Học trò nào mắc lỗi, chỉ cần thầy cô nhấp nhứ cây thước trong tay thì “hồn bay phách lạc”. Có thầy cô biết kìm nén cơn nóng giận, khi trò mắc lỗi chỉ phạt nhẹ vài roi vào mông để răn đe. Trò viết bài nguệch ngoạc, phạt một roi vào tay để nhớ.
Nhưng đôi khi “cả giận mất khôn” vung thước lên để xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì lẽ đó, thước đã trở thành nỗi sợ, nỗi ánh ảnh của nhiều em học sinh chưa ngoan, chưa chăm học. Cũng có em dù chưa bị thầy cô phạt bằng thước lần nào nhưng trông thấy thầy cô cầm thước trên tay cũng đã hoảng sợ.
Dạo này các trường tiểu học quê tôi nghiêm cấm giáo viên mang thước vào lớp. Nhiều trường đã trao đổi, bàn bạc vật dùng thay thế cho cây thước để giúp giáo viên làm hiệu lệnh khi dạy học. Và cái trống lắc tay (tambourine) được mọi người đề xuất nhiều nhất.
Thế là cái trống lắc tay chính thức được thay thế cây thước kẻ đã từng là vật “bất ly thân” của nhiều thầy cô giáo. Sự hoán đổi này được kỳ vọng không còn bạo lực nơi trường học, góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm thân thiện hơn. Theo suy nghĩ chủ quan của bản thân, sự thay đổi này chỉ mang ý nghĩa về hình thức, liệu có đạt được kỳ vọng mà nhiều người đang hướng tới?
Nếu như thầy cô giáo không kìm nén được cơn nóng giận, không có thước thầy cô sẽ dùng đến những thứ khác để phạt trò mà hiệu quả không thua kém dùng thước là bao, nhẹ thì ném phấn, nặng hơn thì xách tai, tát má, gõ đầu…
Thay đổi một hình thức thì dễ, thay đổi những suy nghĩ, nhận thức mới là điều khó. Nếu ai đó vẫn còn mang nặng tư tưởng “thương cho roi cho vọt”, nếu giáo dục các em mà không bằng lòng yêu thương, bằng sự tận tâm, tận tình giống như cha mẹ thì dù cây thước hay là cái xúc xắc cũng có gì là khác nhau phải không các bạn?
Đòn roi trách nhiệm Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm thực tế của tôi, khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM và vào làm việc tại trường tư thục ở quận 6 (TP.HCM). Tôi được phân công làm giáo viên quản nhiệm và quản lý phòng nội trú với hơn 30 em học sinh cấp II, III ở cùng phòng. Để quản lý các em học sinh tại đây, tôi phải nói chuyện và thống nhất với các em một số nội dung trong việc thực hiện kỷ luật của trường như hút thuốc, trốn học, vô lễ… sẽ bị phạt như thế nào, đó là điều mà mỗi giáo viên quản nhiệm đều phải thực hiện. Tuy thế, các em vẫn thường xuyên vi phạm những lỗi này. Một tối nọ, trong giờ học bài tập trung, tôi đã để ý một số em nam ra nhà vệ sinh cùng lúc khiến tôi phải đặt nghi vấn. Sau một lúc, tôi lẳng lặng ra nhà vệ sinh nam của trường, bước vào đột xuất thì trước mặt tôi là một nam sinh lớp 10 đang cầm một nửa điếu thuốc trên tay. Bất ngờ hơn, đây chính là điếu thuốc mà các em thay phiên nhau hút, tranh thủ hút để tránh sự phát hiện của thầy cô. Tôi hơi bàng hoàng, giữ bình tĩnh mời các em lên phòng giám thị, nói rõ ý thầy và trò đã thống nhất về thực hiện kỷ luật của trường, các em đã đồng ý với mức phạt nếu vi phạm, và thầy sẽ phạt như đã nói. Nam sinh này rất lo lắng khi nằm lên bàn để chịu phạt roi, tôi đã không chần chừ và một đòn roi giáng xuống mông em ấy, một tiếng kêu chát chúa vang lên. Sau đòn roi, tôi đã không thể kiềm chế cảm xúc của mình khi nhìn em ấy ôm mông nhảy xuống, đứng sát vào tường tỏ ra đau đớn, lòng tôi lúc ấy thật sự như quặn thắt lại. Tôi thấy thương em ấy quá, trong thoáng chốc tôi nghĩ – nhưng tôi phải làm sao khi đây là kỷ luật của nhà trường và nguyên tắc buộc tôi phải thực hiện. Tôi nói rõ với các em là đàn ông con trai, các em phải biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình, và hãy nhớ thầy phạt em vì kỷ luật phải được tôn trọng, các em đừng giận thầy. Sau đó tôi cho em ấy về phòng để tiếp tục việc học. Đêm ấy, tôi cứ nằm nghĩ mãi về việc lúc tối, khắc ghi trong đầu tôi là hình ảnh cậu học trò nhảy khỏi bàn và tỏ vẻ rất đau. Lát sau chợt nhận thấy em ấy vẫn chưa ngủ, tôi liền lần lại và hỏi em có đau không, em ấy trả lời: “Con đau quá thầy ơi, ngủ không được”. Tôi hỏi lại: “Có giận thầy không?”. “Dạ, không sao đâu thầy” – em ấy trả lời ngại ngùng. Đêm đó tôi đã nghĩ rất nhiều về việc này, cảm xúc buồn, tôi rất buồn vì tôi không thể dung hòa giữa cảm xúc của mình với sự thực thi kỷ luật – xen lẫn trong suy nghĩ giữa trách nhiệm và tình thương, có thể tôi đã làm việc phải làm, nhưng cũng đã có sai một cái gì đấy. Ánh mắt cậu học trò ấy vào buổi tối đó đã bốn năm rồi như vẫn còn rất rõ trong ký ức tôi. Giờ đây, tôi chỉ có một mong ước rằng em ấy sẽ hiểu được đòn roi của thầy vào lúc ấy, đó là đòn roi trách nhiệm mà người thầy phải làm, nhưng giá như em ấy hiểu thêm cho thầy rằng đòn roi ấy cũng làm thầy đau lắm, vì có sự yêu thương trong đó. |