10/01/2025

Dự thảo Quy chế liên thông ĐH, CĐ: Hợp lý nhưng vẫn lo về chất lượng

Sự thay đổi trong quy định đào tạo liên thông tuy bước đầu nhận được sự ủng hộ của sinh viên và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ nhưng cũng tiếp tục đặt lại vấn đề kiểm soát chất lượng.

 

Dự thảo Quy chế liên thông ĐH, CĐ: Hợp lý nhưng vẫn lo về chất lượng

 

 

Sự thay đổi trong quy định đào tạo liên thông tuy bước đầu nhận được sự ủng hộ của sinh viên và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ nhưng cũng tiếp tục đặt lại vấn đề kiểm soát chất lượng.


 

 

Thí sinh nộp hồ sơ liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM Thí sinh nộp hồ sơ liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Điểm mới quan trọng nhất trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 18.3 là thí sinh vừa tốt nghiệp TC nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chuyên nghiệp có thể thi liên thông ngay lên trình độ cao hơn bằng 2 hình thức: tham dự kỳ thi do trường tổ chức hoặc dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào trường.

 
 

Người học nói gì?

 

Thay đổi quy định tuyển sinh liên thông hiện hành là rất hợp lý vì tụi em đã mất mấy năm học kiến thức chuyên ngành nhưng để liên thông lại phải thi tuyển sinh chính quy.

 

Nguyễn Thị Ngọc Hiền (Cựu sinh viên Trường CĐ Bách Việt)

Em tốt nghiệp trung cấp viễn thông từ năm 2007, cuối năm 2012 thì hoàn thành chương trình liên thông lên CĐ ngành quản trị kinh doanh. Thời điểm đó em muốn liên thông ĐH chính quy vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì bị vướng quy định mới yêu cầu thí sinh phải có 36 tháng từ khi tốt nghiệp mới được tham dự kỳ thi do trường tổ chức. Vì vậy, nếu dự thảo thành hiện thực thì con đường học lên của nhiều người sẽ dễ hơn.

Vũ Thị Hải Anh (Cựu sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM)

 

Phù hợp với thực tiễn

Khi nói đến dự thảo Thông tư sửa đổi, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tỏ ra rất hào hứng. Ông cho biết năm 2012 từng là người phản đối quyết liệt sự ra đời của Thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông CĐ, ĐH. Bởi lẽ, với quy định ràng buộc thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham dự kỳ thi tuyển sinh “3 chung” đã ngăn cản việc học lên của rất nhiều người. Quy định này càng bất hợp lý khi yêu cầu thí sinh liên thông sau khi đã học qua chương trình TC và CĐ phải thi lại kiến thức phổ thông để được liên thông lên CĐ và ĐH. 

Tương tự, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cũng cho rằng dự thảo này là một quyết định dũng cảm của Bộ GD-ĐT khi thay đổi Thông tư 55. Dự thảo có lợi cho người học và tạo thêm nguồn tuyển cho các trường TC và CĐ. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH và CĐ như năm nay, quy định liên thông càng cần thay đổi hơn bao giờ hết.

Còn với PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, không áp dụng hình thức đào tạo liên thông vừa làm vừa học với các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, dược sĩ là phù hợp, đảm bảo chất lượng với những ngành nghề liên quan đến sức khỏe con người. Việc cho phép người có bằng y sĩ đa khoa được liên thông lên trình độ ĐH các ngành y học cổ truyền, y học dự phòng (thay vì chỉ liên thông lên bác sĩ đa khoa như trước) cũng là hướng đi mới phù hợp hơn.

Siết chất lượng ra sao?

Dù được xem là “cởi trói” quy định liên thông hiện hành, nhưng dự thảo mới vẫn khiến nhiều trường tâm tư.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng tỏ ra lo ngại khi cho rằng thực tế quy định tuyển sinh liên thông đã bị một số trường lợi dụng bằng cách cam kết người học ngay từ đầu vào được học một lèo từ TC lên thẳng ĐH trong một trường. Vì vậy, cần phải có cách để siết lại bài toán chất lượng.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cũng đặt vấn đề đảm bảo chất lượng liên thông, dù “mở” đầu vào nhưng phải có kiểm soát đầu ra. Liên thông cần lấy chương trình đào tạo chính quy làm chuẩn, sinh viên chỉ được chuyển đổi những học phần đã học và cần nghiêm túc hoàn thiện các học phần mới để tốt nghiệp đạt chuẩn chung như hệ đào tạo tập trung. “Thực ra quy định chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, tối đa 15% với ngành sức khỏe và tối đa 20% với các ngành khác ở từng ngành, cũng là một biện pháp kiểm soát tránh đào tạo tràn lan. Đặc biệt, ngay ở tuyển sinh đầu vào cũng được Bộ kiểm soát khi quy định các trường không được tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy”, thạc sĩ Tuấn chỉ ra.

Tuy nhiên, theo đại diện nhiều trường, Bộ cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để chất lượng liên thông không trở về thời điểm trước khi ban hành Thông tư 55. 

Ý kiến

Phù hợp với luật Giáo dục và Điều lệ ĐH

Giao quyền tự chủ tuyển sinh liên thông cho các trường là phù hợp với luật Giáo dục và Điều lệ trường ĐH. Không phân biệt thí sinh tốt nghiệp đủ 36 tháng hay ít hơn cho cả hai phương án tuyển sinh; đây cũng là tạo cơ hội cho thí sinh vừa tốt nghiệp có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh do các trường tổ chức.

PGS-TS Lê Hữu Lập 
(Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông)

Kèm theo giải pháp đảm bảo chất lượng

Quy định sửa đổi là một sự “cởi trói” nhưng không kèm theo các giải pháp để đảm bảo chất lượng thì sẽ phải trả giá bằng chất lượng. Một trong những giải pháp đó là kiểm định chất lượng. Có một vấn đề nữa liên quan tới dự thảo luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo dự luật Giáo dục nghề nghiệp thì CĐ không thuộc về giáo dục ĐH nữa mà thuộc về nghề nghiệp, nên khả năng thí sinh vào CĐ sẽ sụt giảm.

TS Lê Viết Khuyến
(nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT)

Phải thực hiện các biện pháp đồng bộ khác

Việc tạo điều kiện cho người học là điều tốt, và có vẻ như quy định mới (thực ra là quay về như cũ) mang lại nhiều lợi ích cho các trường. Trong khi chúng ta từng chủ trương giảm tại chức để tăng chất lượng thì giờ lại “mở” liên thông nên ở một góc độ nào đó có thể xem đây là một bước phát triển “giật lùi”. Bởi có vẻ như lợi ích của nó chủ yếu là giúp các trường tuyển sinh rồi thu học phí, còn lợi ích cho xã hội từ chủ trương này tôi thấy chưa rõ ràng. Tạo điều kiện cho người học cũng là điều nên làm. Nhưng đi cùng với quy định phải thực hiện mạnh mẽ các biện pháp đồng bộ khác.

PGS-TS Phan Quang Thế
(Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên)

Lê Đăng Ngọc – Tuệ Nguyễn (ghi)

             

Hà Ánh