11/01/2025

Cơn đau đầu mang tên bất hoà Hàn – Nhật

Thanh Niên được độc quyền giới thiệu bài phân tích của quan chức tình báo kỳ cựu Kent Harrington về tác động của căng thẳng Hàn – Nhật đối với an ninh hai nước cũng như khu vực.

 

Cơn đau đầu mang tên bất hoà Hàn – Nhật

 

 

Thanh Niên được độc quyền giới thiệu bài phân tích của quan chức tình báo kỳ cựu Kent Harrington về tác động của căng thẳng Hàn – Nhật đối với an ninh hai nước cũng như khu vực.

 

 

Cơn đau đầu mang tên  bất hòa Hàn - Nhật Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn chưa có cuộc hội đàm song phương nào – Ảnh: AFP
Các nhà ngoại giao Mỹ thường mô tả những đồng minh của nước này bằng ngôn từ tốt đẹp và to tát. Vì thế, rõ ràng là “có chuyện” khi tại một hội nghị an ninh mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách Wendy Sherman đã bất chấp nguy cơ gây tranh cãi mà tuyên bố rằng lập trường và hành động của Hàn Quốc đối với Nhật Bản chỉ tạo ra “tình trạng tê liệt, chứ không phải tiến bộ”. Thật ra, chỉ trích này cũng có thể được nhằm vào Nhật Bản khi các quan chức liên tục thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni ở Tokyo, hoặc thể hiện khuynh hướng xét lại về những lời xin lỗi chính thức liên quan tới hành động của Nhật trong quá khứ.
Bi hài kịch
Thay vì bắt tay cùng hỗ trợ đồng minh Mỹ đương đầu với những thách thức đến từ Trung Quốc và Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật cứ để những ân oán dai dẳng cản trở một sự hợp tác hiệu quả. Tình trạng căng thẳng dường như bất tận này đã khiến bao nhiêu đời lãnh đạo Mỹ rối trí và lo lắng trong nhiều năm qua, đặc biệt khi nó đang gây tổn hại chiến lược xoay trục về châu Á.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược xoay trục cách đây 5 năm, Mỹ đã nỗ lực tăng cường tập hợp lực lượng và liên minh ở châu Á nhằm củng cố vai trò của mình trong một khu vực mà Trung Quốc ngày càng muốn chiếm lĩnh. Nhưng tình trạng chỉ trích qua lại giữa 2 đồng minh quan trọng nhất ở đây đang cản trở một sự hợp tác chắc chắn để Washington đạt được các mục tiêu chính, trong đó có duy trì hiện diện quân sự lâu dài.
Ví dụ rõ ràng nhất là vấn đề chia sẻ thông tin tình báo. Hồi tháng 12.2014, Mỹ công bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mới với Hàn Quốc và Nhật. Nhưng thoả thuận này có thể sẽ trở thành kịch bản của một vở bi hài kịch khi Seoul và Tokyo không chịu chia sẻ dữ liệu tình báo cho nhau. Cần nhớ rằng một thoả thuận tương tự đã sụp đổ vào năm 2012 vì sự phản đối từ dư luận Hàn Quốc.
Ngư ông đắc lợi
 
 
 Cơn đau đầu mang tên bất hòa Hàn - Nhật  - ảnh 2

Ảnh: Project Syndicate

Ông Kent Harrington (ảnh) là quan chức tình báo chuyên trách châu Á kỳ cựu của Mỹ. Trong 25 năm làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông từng giữ các vị trí: Sĩ quan tình báo quốc gia phụ trách Đông Á, Trưởng đại diện tại châu Á và Giám đốc truyền thông của CIA.
 

Trung Quốc ngày càng “đón chào” tình trạng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật khi nó gây tổn thất những lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Á. Trong chuyến công du Hàn Quốc hồi tháng 7.2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cao “quan điểm được hai bên chia sẻ” về quá khứ chiến tranh của Nhật.

Đã đến lúc Mỹ phải kêu gọi mạnh mẽ hơn để các đồng minh của mình bỏ qua bất đồng, cải thiện quan hệ. Là nước bảo hộ quốc phòng cho cả Hàn Quốc lẫn Nhật, Mỹ không thể để những ân oán của họ cản trở việc phối hợp hành động ứng phó những mối đe doạ khẩn cấp trong khu vực trọng yếu này. Tôi cho rằng hiện nay là thời cơ chín muồi khi dư luận ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề an ninh sát sườn.
Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự và ngày càng tỏ ra cứng rắn. Đặc biệt, tại biển Đông và Hoa Đông, nước này ra sức củng cố tuyên bố chủ quyền, triển khai khí tài quân sự tiên tiến và đẩy mạnh tuần tra một cách có thể nói là hung hăng. Bên cạnh đó, những tiết lộ từ các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc cho thấy nước này sẵn sàng điều binh ứng phó nếu xảy ra biến cố ở CHDCND Triều Tiên. Có lẽ vì những chuyển biến liên tục thời gian qua mà kết quả thăm dò gần đây cho thấy phân nửa số người được hỏi ở Hàn Quốc lo ngại về an ninh đến mức chấp nhận thắt chặt quan hệ quân sự với Nhật.
Sau khi trải qua 6 thập niên hỗ trợ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật, Mỹ có lý do – và nhiều lợi thế – để yêu cầu 2 đồng minh lâu đời của mình nâng cao hợp tác quân sự. Chỉ tập trung vào mặt tích cực – cách tiếp cận điển hình của Mỹ với các đồng minh – đã không còn đủ nữa.
Dù còn có những bất đồng gì về lịch sử đi nữa, Hàn Quốc và Nhật đều đối mặt nhiều nguy cơ nghiêm trọng ngay trong “khu phố” của mình. Làm việc cùng nhau là một trong những điều kiện tiên quyết để 2 nước bảo vệ chính mình và góp phần giữ vững ổn định lâu dài ở châu Á.
Nỗ lực giảng hoà

Ngày 21.3, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida thông báo ông và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se nhất trí nỗ lực hướng tới giảm căng thẳng song phương. Kyodo News dẫn lời ông Kishida nhấn mạnh: “Dù còn nhiều vấn đề giữa hai nước, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc ở các cấp khác nhau để tăng cường hợp tác”. Phát biểu này được đưa ra sau cuộc hội đàm kéo dài 90 phút ở Seoul và đây là lần đầu tiên ông Kishida đến Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12.2012.  
 Minh Trung

Kent Harrington (Cựu trưởng đại diện CIA tại châu Á) 
Văn Khoa (chuyển ngữ) / © Project Syndicate