Ngăn chặn bạo lực học đường từ xa

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của chuyên viên tư vấn phát triển và hỗ trợ giáo dục người Mỹ và một giảng viên Mỹ giảng dạy tại VN về vấn đề bạo lực học đường.

 

Ngăn chặn bạo lực học đường từ xa

 

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của chuyên viên tư vấn phát triển và hỗ trợ giáo dục người Mỹ và một giảng viên Mỹ giảng dạy tại VN về vấn đề bạo lực học đường.

 

 


 

 

Những hình ảnh bạo lực học đường được giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP.HCM) minh họa cho bài giảng tại lớp 9/3 trong giờ học ngoại khóa “Đạo đức và pháp luật” – Ảnh: Như Hùng

Tôi đã có gần hai năm làm trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ phát triển giáo dục ở VN. Công việc của tôi là giúp trẻ em phát triển trí tuệ, hành vi thông qua các phương thức thiên về giáo dục. Tôi hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho các giáo viên khi dạy các trẻ gặp rắc rối hay khó khăn trong việc học hoặc giao tiếp, hội nhập với các trẻ em khác trong trường học…

Harmony Linder (người Mỹ, chuyên viên tư vấn phát triển và hỗ trợ giáo dục)

Thay đổi hành vi

Không riêng gì tại VN, ở Mỹ và các quốc gia khác cũng vậy, bạo lực học đường luôn là chủ đề phức tạp. Sự cố thường xảy ra trong trường học bởi những học sinh tạm gọi là cá biệt, hay chọc phá các bạn khác cùng lớp hoặc cùng trường.

Từ một học sinh sẽ lôi kéo thành nhóm học sinh hay gây sự, thích gây sự với bạn bè. Nhiều em còn thích can thiệp vào cách hành xử của bạn khác và buộc các bạn này phải làm theo những yêu cầu của mình hoặc nhóm của mình.

Tất nhiên những học sinh còn lại trong lớp, trong trường thường không thích giao du với nhóm học sinh cá biệt này và các em càng tránh né thì nhóm kia càng muốn ra tay “trừng trị”. 

Hậu quả để lại cho các bạn bị bắt nạt, tấn công là tâm lý lo sợ, khủng hoảng và ảnh hưởng đến tâm sinh lý kéo dài. Vì vậy cần phải hạn chế tối đa khả năng để xảy ra vấn nạn này.

Ở Mỹ, chúng tôi thảo luận rất nhiều về cách kiểm soát, theo dõi, hạn chế những chuyện như trên và tìm cách để thay đổi hành vi của các học sinh cá biệt.

Theo đó, trường học tổ chức nhiều chương trình hoạt động, các buổi nói chuyện với giáo viên, gia đình của các nhóm học sinh cá biệt và cả bản thân các em. Tất nhiên sau những bài học giáo dục, chia sẻ kèm theo là sự răn đe và hình thức trừng phạt nếu các học sinh này vi phạm.

Chẳng bao giờ có việc một học sinh một ngày nọ tự nhiên đến trường và hành hung một bạn nào đó ngay lần gặp đầu tiên. Hành vi đó chỉ là hậu quả trong cả một chuỗi hành vi đã được lập trình theo mức độ tăng dần
Cô Harmony Linder

Giám sát từ nhiều phía

Vấn đề khó nhất là làm thế nào để giám sát, nghe ngóng, nhận ra được các hành vi của những thành phần này trong lớp.

Giáo viên phải được chia sẻ cách thức tổ chức thêm các “ăngten” là những bạn cùng học trong lớp để hệ thống “ăngten” này sẽ sớm nhận ra các hành vi tiềm ẩn và nhanh chóng báo cho giáo viên nhằm kịp thời ngăn chặn.

Các học sinh trong lớp (kể cả học sinh cá biệt) cũng được dạy những hành vi nào sẽ là nguyên nhân có thể dẫn đến việc xô xát, bạo lực, ức hiếp bạn khác.

Thực tế cho thấy bạo lực học đường có thể được bắt đầu bằng việc bị xem là bình thường hoặc chuyện nhỏ như giấu cái cặp hoặc cây viết của bạn, đẩy mạnh bạn một chút khi xếp hàng hay khi chợt chạy ngang qua, gọi bạn bằng cái tên xấu hoặc gọi tên ba mẹ một cách thiếu tôn trọng…

Giáo viên và các học sinh cùng lớp sẽ được hướng dẫn để nhận ra những tín hiệu này và ngăn chặn chúng ngay khi còn là hành vi nhỏ để chúng không bùng lên thành bạo lực.

Học sinh cá biệt phải được giáo dục những hành vi phù hợp, đúng đắn ngay sau khi bị phát hiện vì bản thân các em này thường không ý thức hành vi nhỏ của mình có thể tiềm ẩn khả năng đe dọa, gây ra bạo lực.

Các học sinh này chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là trò vui, trò tiêu khiển nên sẽ tiếp tục và tăng dần lên. Phụ huynh cũng được thông báo và phối hợp cùng nhà trường chặn đứng các hành vi này ngay.

Học sinh cá biệt sẽ bị phạt nặng nếu tái phạm sau khi được giáo viên, phụ huynh nhắc nhở, giáo dục, thậm chí một số trường hợp còn bị thông báo sẽ đuổi khỏi trường nếu còn tái phạm.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là tạo một môi trường giám sát liên tục các hành vi của học sinh cá biệt từ nhiều phía (bạn cùng lớp, giáo viên, phụ huynh…) hơn là đưa ra các biện pháp trừng phạt. Tạo một môi trường để các em tự bảo vệ nhau, lên tiếng ngăn chặn hành động nguy hại từ rất sớm là cách để ngăn bạo lực học đường hiệu quả nhất.

Gareth Katz (người Mỹ, giảng dạy tại Học viện Yola):

Ảnh: C.Nhật

Đầu tư các phòng tư vấn tâm lý học đường

Có một thực tế là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ nên các hình thức bắt nạt tại trường học không chỉ dừng lại ở nắm đấm, tay chân… mà còn có những kiểu “tra tấn tinh thần” nạn nhân bằng các dòng tâm trạng, tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội. Vì vậy nhà trường, gia đình nhất thiết phải dành thời gian tìm hiểu thêm về thế giới này ở trẻ.

Sẽ khó có một giải pháp hoàn hảo để ngăn ngừa bạo lực học đường bởi mỗi xã hội có những đặc thù riêng, nhưng một giải pháp mà tôi nghĩ VN có thể làm ngay là đầu tư nhiều hơn nữa các phòng tư vấn tâm lý học đường.

Ở Mỹ, hầu hết các trường từ cấp tiểu học đến đại học đều có phòng này và người tư vấn đều có bằng cấp chuyên môn cao, có trải nghiệm thực tế trước khi đi làm.

Bằng việc duy trì mô hình này, chúng ta sẽ tạo điều kiện để các bạn trẻ có nơi chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống, học tập đồng thời giúp thầy cô, nhà trường cập nhật kịp thời những vấn đề đáng lo ngại đang hoặc sắp diễn ra để có cách ngăn chặn hiệu quả… 

CÔNG NHẬT ghi

LÊ NAM ghi