11/01/2025

Khủng bố, chặn nơi này mọc đầu khác

Mấy ngày qua, thế giới lại bàng hoàng vì những vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tiếp xảy ra tại Tunisia và Yemen.

 

Khủng bố, chặn nơi này mọc đầu khác

 

Mấy ngày qua, thế giới lại bàng hoàng vì những vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tiếp xảy ra tại Tunisia và Yemen.

 

 

 

 

 

Một bé gái bị thương trong vụ khủng bố ở Sanaa ngày 20-3 được đưa đi cấp cứu – Ảnh: Reuters

Vụ đánh bom liều chết nhắm vào hai thánh đường dòng Hồi giáo Shiite ở thủ đô Sanaa của Yemen ngày 20-3 giết hại ít nhất 142 người và hơn 351 người bị thương.

Thương vong lớn như vậy bởi cách thức đánh bom tàn độc nhắm vào đúng ngày thứ sáu – ngày nghỉ trong tuần của người Hồi giáo. Vào ngày này, theo truyền thống, tín đồ thường tập trung đông đảo tại các giáo đường để cầu nguyện và nghe thuyết giảng giáo lý.

Còn vụ xảy ra tại bảo tàng quốc gia ở thủ đô Tunisia trước đó hai ngày thì do hai kẻ khủng bố thực hiện, bằng cách xả đạn điên cuồng vào các du khách nước ngoài.

Ngay sau vụ ở Tunisia, đã có nhận xét rằng cách thức tấn công thể hiện “hơi hướng của al-Qaeda”. Nhưng sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm cả hai vụ nêu trên.

Hai mục tiêu bị tấn công mới đây không phải là ngẫu nhiên. Vụ ở Tunisia nhắm vào du khách phương Tây mà IS coi là “quân Thập tự” – thuật ngữ của IS chỉ Thiên Chúa giáo.

Còn vụ tại Yemen thì nạn nhân là các tín đồ dòng Hồi giáo Shiite mà IS coi là “phản đạo Hồi”, bởi theo IS, Hồi giáo chỉ có dòng Sunni mà thôi!

Những vụ khủng bố do IS gây ra tại Tunisia và Yemen một lần nữa cho thấy triết lý cực đoan dị biệt của tổ chức khủng bố tàn độc này. Tất cả những ai không theo Hồi giáo Sunni “đúng tiêu chuẩn IS” đều có thể trở thành mục tiêu để chúng giết chóc!

Nhưng không phải chỉ có hai vụ nêu trên xảy ra trong những ngày qua. Truyền thông Ả Rập không thiếu những tin bài và hình ảnh do chính IS tung lên Internet hằng ngày về các vụ hành quyết tập thể vẫn diễn ra tại Syria và Iraq, trong đó các nạn nhân bị những tay súng IS cắt cổ hoặc nã đạn vào đầu!

Cuộc chiến chống IS do liên minh quốc tế mà Mỹ đứng đầu vẫn diễn ra liên tục từ tháng 8-2014 đến nay ở Iraq và Syria. Thông tin gần đây cho thấy IS đã bị đẩy lùi tại nhiều khu vực quan trọng thuộc miền bắc Iraq mà chúng đã chiếm từ tháng 6 năm ngoái…

Nhưng khủng bố đâu chỉ có ở Iraq và Syria. Khủng bố cũng đâu chỉ là IS. Al-Qaeda vẫn hoành hành tại Yemen. Nhóm Boko Haram không ngừng gây nhức nhối ở bắc Nigeria và các quốc gia kế cận khu vực này.

Tổ chức Ansar al-Sharia (thủ phạm vụ tấn công tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi hồi tháng 9-2012 giết chết ba nhân viên ngoại giao Mỹ, trong đó có đại sứ Mỹ) hầu như không bị cản trở tại Libya…

Một thực tế không thể bỏ qua là IS trở thành “tấm gương” để các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác noi theo. IS nay lan tràn sang nhiều địa bàn ở Trung Đông và châu Phi, không phải bởi lực lượng từ Iraq – Syria kéo quân sang các địa bàn mới, mà bởi nhiều nhóm khủng bố ở ngoài Iraq và Syria tuyên bố “suy tôn IS” và tự nguyện sáp nhập vào “Nhà nước Hồi giáo” do Abu Bakr al-Baghdadi đứng đầu.

Al-Baghdadi chỉ việc cử đại diện của mình từ Syria đến để “công nhận” các thành viên mới! Vụ xảy ra ở Yemen không loại trừ khả năng đã có một nhóm al-Qaeda tách ra để nhập vào IS.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến IS nay phát triển ra ngoài địa bàn khởi phát của chúng ở Syria và Iraq. Nhưng dù gì đi nữa cũng không thể phủ nhận sự thật đã rồi là IS không bị bó hẹp trong một đường biên giới nào hoặc một khu vực địa lý nào cụ thể.

Cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là chống IS không phải là vô hiệu. Diễn biến của cuộc chiến này cụ thể tại Iraq cho thấy IS không thể đánh chiếm thủ đô Baghdad, không thể lật đổ được cả một nhà nước tại Syria hay Iraq như cuồng vọng của chúng.

Nhưng cách thức tồn tại, hoạt động và phát triển của IS trong thời gian qua cũng cảnh báo khó mà đạt đến mục đích “tiêu diệt” tổ chức này trong một thời hạn ba năm kể từ năm 2016 như Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố.

NGUYỄN NGỌC HÙNG