11/01/2025

Cà phê điêu đứng vì khô hạn

Sông, suối khô kiệt gần một tháng nay khiến nhiều vùng cà phê bạt ngàn ở Đắk Lắk lâm cảnh lao đao do thiếu nước tưới.

 

Cà phê điêu đứng vì khô hạn

 

 

Sông, suối khô kiệt gần một tháng nay khiến nhiều vùng cà phê bạt ngàn ở Đắk Lắk lâm cảnh lao đao do thiếu nước tưới.

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn bất lực nhìn vườn cà phê héo úa do khô hạn Ông Nguyễn Ngọc Sơn bất lực nhìn vườn cà phê héo úa do khô hạn – Ảnh: Ngọc Quyền

Giữa trưa nắng chang chang, ông Bùi Đình Công, ở thôn Xuân Hà, xã Ea Đăh, H.Krông Năng (Đắk Lắk), vẫn kiên nhẫn chờ nước mạch rỉ ra đọng lại thành vũng giữa lòng sông lởm chởm đá. Vũng nước chừng 3 m3 được bơm lên tưới cho khoảng chục cây cà phê rồi máy bơm lại nghỉ, chờ nước rỉ ra để hút tiếp. Cứ thế 3 ngày nay, ông Công cố bám lấy lòng sông để cứu những cây cà phê đang khát nước, héo rũ. “Chưa bao giờ sông Krông Năng cạn như năm nay. Mọi năm, sau Tết âm lịch nước vẫn còn chảy đủ tưới vài đợt, nay đã cạn từ đầu nguồn nên ở cuối nguồn này đành chịu cảnh khô kiệt”, ông Công rầu rĩ.

 
 

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho rằng, để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tránh khô hạn hằng năm, gây thiệt hại như vụ đông xuân này, tỉnh Đắk Lắk đang cần trung ương đầu tư các dự án trồng rừng để giữ nước, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng thêm các công trình thủy lợi lớn, nâng cấp các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ mới đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt..

 

 

Theo ông Công, để cứu 4 ha cà phê, gia đình ông dự tính mua nước tưới từ một hồ thuỷ lợi cách đó 1,5 km, mỗi giờ hút nước chuyển về phải trả cho chủ hồ gần 100.000 đồng. Thế nhưng, sau khi tính toán không có điện lưới, còn chạy máy bơm bằng dầu thì chi phí quá lớn nên ông Công từ bỏ ý định.

Phía bên này sông Krông Năng, ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân, cũng kêu khổ với hạn. Vườn cà phê 1,7 ha của ông Sơn đang héo úa do đầu mùa khô đến nay mới tưới được một đợt, chưa kịp tưới đợt 2 thì con sông dưới chân rẫy đã khô khốc. “Tôi dự định thuê người khoan giếng lấy nước cứu cà phê nhưng đang chần chừ vì vùng này đá nhiều, chỉ sợ khoan tốn kém mà không gặp nước”, ông Sơn trần tình.

Theo ông Lê Rế, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Năng, cả huyện có trên 26.000 ha cà phê, nhưng các công trình thuỷ lợi chỉ đủ tưới khoảng 25% diện tích; 50% diện tích tưới bằng sông, suối tự nhiên; còn lại tưới bằng nước giếng khoan, giếng đào. Hiện con sông duy nhất (Krông Năng) chảy qua 7 xã đã khô kiệt, đồng nghĩa với việc một nửa diện tích cà phê của huyện lâm cảnh thiếu nước. Ông Rế cho biết: “Phòng NN-PTNT đang nghiên cứu phương án bơm nước từ hồ Ea Rông 1 đưa về cứu cà phê cho các xã cuối nguồn như Phú Xuân, Ea Đắh, nhưng cũng chỉ đủ nước một đợt tưới, không ăn thua”.

Sông Krông Năng chảy qua vùng cà phê đã cạn trơ đá Sông Krông Năng chảy qua vùng cà phê đã cạn trơ đá – Ảnh: Ngọc Quyền

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, đến giữa tháng 3, hơn 4.300 ha cây trồng của tỉnh bị khô hạn nặng; trong đó có 3.200 ha cà phê, hơn 1.000 ha lúa đông xuân; thiệt hại ước trên 128 tỉ đồng. Sở này cũng nhận định đến cuối tháng, diện tích khô hạn tăng lên với 15.000 ha cà phê, 5.000 ha lúa; ngoài ra khoảng 6.000 hộ dân ở 6 huyện thiếu nước sinh hoạt.

Ngọc Quyền