11/01/2025

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn Trung Quốc lấn đất xây đảo

Ngày 19-3, bốn nghị sĩ Thượng viện Mỹ kêu gọi chính quyền Washington đề ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc lấn đất để xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

 


 

 

Bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc mở rộng trái phép (ảnh vệ tinh chụp ngày 4-3-2015) – Ảnh: DigitalGlobe

Bốn thượng nghị sĩ lên tiếng là John McCain – chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện (SASC), Jack Reed – thành viên cao cấp của SASC, Bob Corker – chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện (SFRC) và Bob Menendez – thành viên cao cấp của SFRC.

Trong lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry, bốn nghị sĩ bày tỏ sự lo ngại sâu sắc với việc Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Nếu Mỹ không có một chiến lược tổng thể để xử lý chính sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm hoạt động bồi đắp đất và xây đảo, lợi ích lâu dài của Mỹ cùng các nước đồng minh và đối tác sẽ bị đe dọa nghiêm trọng” – bốn nghị sĩ cảnh báo.

Trong thư, các nghị sĩ nhấn mạnh biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thương mại toàn cầu.

“Các động thái đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, khiêu khích, bắt nạt… sẽ đe dọa hoà bình và ổn định khu vực.

Hoạt động lấn đất, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc, khả năng chỉ huy, kiểm soát, do thám và quân sự mà chúng mang lại là thách thức trực tiếp không chỉ đối với Mỹ và khu vực, mà với toàn bộ cộng đồng quốc tế” – các nghị sĩ đánh giá.

Bốn nghị sĩ cho biết Trung Quốc đã hoàn thành phần lớn việc lấn đất và xây đảo nhân tạo trong vòng 12 tháng qua.

“Nếu tốc độ xây dựng này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ kết thúc chương trình bồi đắp trong năm tới. Đá Ga Ven có 114.000m2 đất mới kể từ tháng 3-2014.

Đá Gạc Ma từng là bãi ngầm nhưng giờ trở thành đảo rộng 100.000m2. Hoạt động lấn đất và xây dựng tại đá Chữ Thập tăng 11 lần kể từ tháng 8-2014” – các nghị sĩ thông báo.

Bốn nghị sĩ khẳng định hành vi lấn đất trái phép để khẳng định chủ quyền trên biển Đông khiến tình hình trở nên phức tạp và đi ngược hoàn toàn lời kêu gọi kiềm chế mà Mỹ và ASEAN từng đưa ra.

“Trong khi các nước khu vực xây dựng trên các diện tích đất đã có sẵn ở biển Đông, Trung Quốc đang thay đổi kích thước, cấu trúc, đặc điểm của các bãi đá. Đây là hành vi nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông” – các nghị sĩ nhấn mạnh.

Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hành vi lấn đất xây đảo của Trung Quốc “không ảnh hưởng đến ai”.

Nhưng các nghị sĩ Mỹ cho rằng ít nhất việc xây đảo nhân tạo đã vi phạm các cam kết mà Trung Quốc đưa ra trong Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) với ASEAN.

Các nghị sĩ cảnh báo các đảo nhân tạo có thể giúp Trung Quốc triển khai tàu cá, tàu tuần tra, tàu hải quân và máy bay chiến đấu trên biển Đông.

“Khi đó Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên toàn bộ hoặc phần lớn biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách đe doạ, gây hấn, các tác động tiêu cực tới sự ổn định, thịnh vượng của khu vực, cũng như tới lợi ích Mỹ, sẽ gia tăng” – các nghị sĩ dự báo.

Bốn nghị sĩ nhận định để đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển Đông, Mỹ cần hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để phát triển và thực hiện một chiến lược nhằm đối phó với cách hành xử mang tính bắt nạt của Trung Quốc.

Họ khẳng định chiến lược này phải bao gồm những hành động cụ thể mà Mỹ cần làm để chặn hoặc làm chậm hoạt động lấn đất của Trung Quốc trên biển Đông.

HIẾU TRUNG