11/01/2025

Tunisia thề không khoan nhượng với khủng bố

Tổng thống Tunisia thề không khoan nhượng với khủng bố sau vụ giết hại 23 người, gồm 20 du khách nhiều quốc tịch ở Bảo tàng Nghệ thuật Bardo.

 

Tunisia thề không khoan nhượng với khủng bố

 

Tổng thống Tunisia thề không khoan nhượng với khủng bố sau vụ giết hại 23 người, gồm 20 du khách nhiều quốc tịch ở Bảo tàng Nghệ thuật Bardo.

 

 


 

 

Hình ảnh từ video cho thấy các du khách chạy trốn khi lực lượng an ninh Tunisia tấn công lực lượng khủng bố cố thủ trong bảo tàng – Ảnh: Reuters

Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã gọi vụ tấn công là “tội ác kinh hoàng”, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân. Theo Reuters, Tổng thống Essebsi cho biết chính phủ đã ngay lập tức tiến hành mọi biện pháp có thể để ngăn chặn một thảm kịch tương tự tái diễn.

“Những nhóm thiểu số tàn độc này không khiến chúng ta khiếp sợ – ông tuyên bố trên truyền hình – Chúng ta sẽ chống khủng bố đến cùng và không khoan nhượng. Dân chủ sẽ chiến thắng và tồn tại”.

Trong khi đó, Thủ tướng Tunisia Habib Essid chỉ trích vụ tấn công là một “hành động hèn hạ”, âm mưu nhằm vào nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp du lịch nước này. Bên cạnh đó, ông Essid cũng kêu gọi người dân đoàn kết nhằm bảo vệ đất nước trước chủ nghĩa khủng bố.

Hàng trăm người đã xuống đường ở trung tâm Tunis để phản đối vụ tấn công, mang theo cờ và nến tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài bảo tàng.

Tấn công giữa ban ngày

Ngay giữa ban ngày, ít nhất năm tay súng mặc quân phục nã đạn từ trạm xe buýt bên ngoài Bảo tàng Bardo – một địa điểm du lịch nổi tiếng tại thủ đô Tunis, khi các du khách vừa bước xuống xe buýt.

Sau đó chúng rút vào cố thủ trong Bảo tàng Bardo nằm gần tòa nhà quốc hội. Khi đó có khoảng 100 du khách ở bên trong. Tại toà nhà quốc hội gần đó, các chính trị gia đang trong phiên họp cũng một phen hốt hoảng khi nghe thấy tiếng súng.

Theo CNN, vài giờ sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng an ninh Tunisia đã quyết định tấn công vào Bảo tàng Bardo. Các nghị sĩ được yêu cầu nằm xuống đất khi lực lượng an ninh nổ súng tấn công vào bảo tàng. Tòa nhà quốc hội ngay sau đó cũng được sơ tán khẩn cấp.

Cộng đồng quốc tế lên án

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại Bảo tàng Bardo và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Từ Paris, Tổng thống Pháp François Hollande đã lên tiếng chỉ trích vụ tấn công khủng bố trên bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, đồng thời khẳng định tình đoàn kết của Paris đối với Tunis.

Người đứng đầu ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng gửi lời chia buồn và tuyên bố EU sẽ ủng hộ Tunisia chống khủng bố.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington cực lực lên án vụ tấn công đẫm máu nói trên.

Ông hoan nghênh phản ứng kịp thời của Tunisia khi giải quyết vụ việc, ổn định tình hình, và khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của chính quyền Tunis nhằm đảm bảo an ninh và thịnh vượng của quốc gia Bắc Phi này.

Guardian cho biết lực lượng an ninh đã tiêu diệt hai kẻ khủng bố và giải cứu toàn bộ con tin. Bộ Nội vụ Tunisia cho biết đang truy lùng ba nghi can còn lại đã tẩu thoát.

Chính quyền Tunisia ngày 19-3 đã bắt giữ chín nghi can có liên quan đến vụ tấn công, trong đó bốn người dính líu trực tiếp.

Một nghi can thiệt mạng đã được xác định và cảnh sát sau đó đã bắt giữ cha và chị gái của nghi can này. Ngoài ra quân đội cũng tuyên bố sẽ tăng cường an ninh tại các thành phố lớn trên toàn quốc.

Tuy nhiên theo Đài truyền hình quốc gia Tunisia, có đến 20 du khách thiệt mạng, tăng gấp đôi so với trước khi lực lượng an ninh tấn công vào tòa nhà. Trong số nạn nhân bao gồm năm công dân Nhật Bản, bốn công dân Ý, hai người Colombia.

Các nước Úc, Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha đều có một công dân thiệt mạng trong vụ tấn công này. Ba nạn nhân là công dân Tunisia, trong đó một người là cảnh sát. Hơn 40 người khác, bao gồm nhiều du khách, bị thương.

Vụ tấn công Bảo tàng Bardo diễn ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Tunisia tuyên bố thu giữ một số lượng lớn vũ khí của các nhóm thánh chiến khiến nhiều người cho rằng đây là hành động trả đũa.

Cú sốc cho chính quyền

Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo ngày 19-3 đã tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công Bảo tàng Bardo. Trong đoạn băng trên mạng Internet, nhóm này cho biết hai “hiệp sĩ” thực hiện tấn công có súng bán tự động và bom.

Trước đó, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng vụ việc có liên quan tới các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang hoạt động tại Tunisia.

Dù là nước có ít bạo lực hơn các nước láng giềng trong khu vực nhưng thời gian gần đây Tunisia không còn miễn nhiễm trước nguy cơ từ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Khoảng 3.000 tay súng người Tunisia đã tham gia lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Theo New York Times, nền dân chủ ở Tunisia đã giúp IS tận dụng sự tự do ngôn luận để chiêu mộ giới trẻ nước này với lời hứa giúp họ lấy lại công bằng, thoát khỏi gánh nặng kinh tế và sự hỗn loạn chính trị.

Tháng trước nước này đã bắt 30 nghi can phiến quân trở về từ Syria đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công. Một số ý kiến nghi ngờ vụ việc liên quan đến cái chết của Ahmed Al-Rouissi, một thủ lĩnh người Tunisia của nhóm IS tại Libya. Al-Rouissi bị tiêu diệt vài ngày trước đó tại thị trấn Sirte.

Ngoại trưởng Tunisia, ông Taïeb Baccouche, cho rằng tình hình bất ổn ở nước láng giềng Libya đã góp phần khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan có đất tự tung tự tác và chính quyền Tunis cũng có phần lỗi khi quá chủ quan, mất cảnh giác sau khi tổ chức bầu cử thành công.

Đây là vụ tấn công nhắm vào người nước ngoài nghiêm trọng nhất tại Tunisia kể từ vụ đánh bom liều chết của nhóm al Qaeda năm 2002 làm 14 người Đức thiệt mạng. Nó diễn ra ngay sau khi Tunisia vừa thoát khỏi một khoảng thời gian dài bất ổn chính trị và kinh tế với chính quyền mới được thành lập hồi tháng trước, rất cần nguồn thu từ du lịch để ổn định.

Mohzen Marzouk, cố vấn Tổng thống Essebsi, nói rằng vụ tấn công nhằm vào kinh tế Tunisia nhưng khẳng định “chúng ta sẽ không để điều này làm gục ngã. Tôi tin rằng thế giới sẽ tin vào chúng ta”. 

TRẦN PHƯƠNG