11/01/2025

Những vết thương lòng

Tiến sĩ giáo dục học Thạch Ngọc Yến (từng phụ trách Văn phòng tư vấn trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết trong những ca tư vấn cho thanh thiếu niên, bà gặp không ít trường hợp đau lòng liên quan đến văn hoá xin lỗi trong gia đình.

 

Xin lỗi khó lắm sao? – Những vết thương lòng

 

Những lời xin lỗi không được bày tỏ, hoặc bị xem nhẹ có khi gây ra những tổn thương, hậu quả khôn lường.

 

 

Trẻ có thể bị ám ảnh, tổn thương lâu dài bởi cách đối xử khắc nghiệt của người lớn - Ảnh: Shutterstock

Trẻ có thể bị ám ảnh, tổn thương lâu dài bởi cách đối xử khắc nghiệt của người lớn
– Ảnh: Shutterstock

Nhiều năm chưa thôi oán giận
Tiến sĩ giáo dục học Thạch Ngọc Yến (từng phụ trách Văn phòng tư vấn trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết trong những ca tư vấn cho thanh thiếu niên, bà gặp không ít trường hợp đau lòng liên quan đến văn hoá xin lỗi trong gia đình. “Nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng cha mẹ lắm khi nóng nảy đã đánh oan con mà không hề có một động thái xin lỗi. Điều đó gây tổn thương tâm lý và thể xác kéo dài. Đặc biệt, có những em bị trầm cảm, có ý định tự tử”, tiến sĩ Yến cảnh báo.
Một trong những trường hợp đó là chị T.N.V (23 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Nhiều năm qua, V. vẫn mang lòng oán giận. Mặc dù cha mẹ có nhà tại thành phố, nhưng V. lặng lẽ dọn ra ngoài ở trọ. Sau này, gặp chuyện bế tắc cô đơn trong tình cảm, V. cũng vẫn khăng khăng: “Thà sống với người dưng còn hơn về nhà với ba mẹ!”. Ngược về quá khứ, chuyên viên tư vấn mới hiểu ra nguyên nhân khiến chị V. có những phản ứng quyết liệt như trên: Hồi nhỏ, V. hay bị cha mẹ la mắng, đánh đòn. Một lần, V. bị đánh đến nỗi trẹo ngón tay giữa, gây dị tật. V. tâm sự, cô từng mong mỏi một lời xin lỗi hoặc giải thích từ ba mẹ, nhưng tuyệt nhiên không có.
Tương tự, anh Đ.T.H (ngụ ở tỉnh Bình Dương) trước đây cũng từng bị cha đánh thường xuyên, thậm chí nhiều lúc không biết vì sao bị ăn đòn. Đến khi có con, anh rơi vào trạng thái đối kháng với cách giáo dục trên: Luôn luôn bảo vệ, bênh vực cho con mình, ngay cả khi đứa trẻ làm sai. Sau này, anh mới thổ lộ với chuyên viên tư vấn: “Tôi sợ mình làm quá lại giống với lối hành xử khắc nghiệt của ba mình trước đây. Tôi không muốn con tôi mang những ám ảnh, tổn thương lâu dài”.
Trước câu hỏi của chúng tôi: “Có ai nợ bạn lời xin lỗi không?”, nhiều bạn trẻ khẳng định là “có”. Liên Vy, sinh viên năm thứ 3 Trường CĐ Bách Việt, tâm sự: “Từ hồi học lớp 11 đến giờ, cô bạn rất thân của em còn nợ em một lời xin lỗi. Cho đến hiện tại, tụi em vẫn chưa nối lại quan hệ, trong lòng mang nhiều tâm tư”.
Giá như…
Với câu hỏi ngược lại: “Bạn có nợ ai lời xin lỗi?”, Hà Quân, nhân viên ngành truyền thông – giải trí, ở Q.11, TP.HCM, không giấu diếm: “Hồi trước, em hay hỗn với bà nội. Bà mù, không thấy đường, kêu rót nước em cũng không thèm rót. Khi bà mất, em cứ day dứt hoài vì chưa kịp nói lời xin lỗi với bà”.
Gần đây, trên trang mạng của “Hội những người thích viết status về nỗi nhớ nhà”, một quản trị viên đã chia sẻ: “Nhớ nhà, muốn về gặp bố mẹ, ôm bố mẹ và nói con yêu bố mẹ. Nhưng gần được về nhà, gần được ở bên bố mẹ thì trong lòng lại dâng lên một cảm giác khó tả. Tại sao, tại sao chứ? Chắc tại vì mình cảm thấy hổ thẹn, cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã làm. Cảm giác ấy thật sự rất khó chịu… Chỉ muốn nói một câu “con xin lỗi” mà sao nó khó đến thế?”.
Hoàng Thị Minh Trang, sinh viên ngành marketing, Trường ĐH Hoa Sen, cho hay hồi học lớp 9, bạn từng không chấp nhận lời xin lỗi của một người. Bởi lẽ, sau 4 năm người này mới thể hiện sự hối lỗi dù đã gây nhiều tổn thương cho cô. Trang bộc bạch: “Có thể, vết thương quá sâu mà lời xin lỗi như liều thuốc ấy không đến kịp thời nên đã thành sẹo trong tôi. Đó cũng chính là hậu quả cho những lời xin lỗi muộn màng hay những lời xin lỗi mãi mãi không được nói ra”.
Minh Trang nhìn nhận, khi con người ta bị tổn thương hay trải qua nhiều đau khổ mà không được động viên, an ủi, nhận được lời xin lỗi do chính “thủ phạm” gây ra, về lâu về dài họ sẽ trở nên cực đoan hơn. Tấm lòng vị tha, khoan dung của họ sẽ dần khép lại. Họ sẽ sống ích kỷ hơn, không phải vì bản thân mình mà họ sợ sẽ bị tổn thương lần nữa.
“Có những lời xin lỗi không được nói kịp có thể ảnh hưởng đến cả sức khoẻ, tâm lý, tính mạng con người. Đó là do người ta uất ức, phẫn nộ hay mất hết hy vọng”, cô sinh viên này lưu ý thêm.
Ý KIẾN
Thấy “sến” khi xin lỗi người thân
Đa phần tôi nói lời xin lỗi với người ngoài, còn người trong nhà thì tự gây tự huề. Hồi nhỏ, ba mẹ tôi hay đánh con để dạy dỗ, trong khi tôi là chúa lì lợm nên hầu như tôi không quen nói xin lỗi, cảm ơn, dạ thưa. Theo tôi, nói lời xin lỗi với người thân nó cứ “sến sến” sao ấy.
Lâm Hà Thành
(nhân viên quảng cáo, Q.4, TP.HCM)
Chuyện càng quan trọng, càng khó nói
Mình thấy xin lỗi chuyện không quan trọng có vẻ dễ nói hơn. Chuyện càng quan trọng thì càng khó nói. Ngoài ra, với bạn bè, mình dễ bày tỏ tình cảm hơn là với ba mẹ, dù rằng mình thương ba mẹ rất nhiều.
Phan Thị Mỹ Duyên
(sinh viên ngành thư ký văn phòng, Trường CĐ Bách Việt)
Bắt chuyện trước để làm lành
Có những lúc tôi nóng giận, nói những câu hơi quá với con cái mình. Khi nguội lại, tôi ngại xin lỗi bằng lời. Thay vào đó, tôi bắt chuyện hoặc bày tỏ cử chỉ, thái độ làm lành với con.
Đỗ Thị Yến Phượng
(công nhân ngành sắt thép, ngụ tại H.Nhà Bè, TP.HCM)

 

 

Như Lịch