Bà Yingluck ra toà
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù giam sau khi toà án chính thức thụ lý vụ án chống lại bà.
Bà Yingluck ra toà
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù giam sau khi toà án chính thức thụ lý vụ án chống lại bà.
Vụ án chống lại bà Yingluck sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ chính trị tại Thái Lan – Ảnh: Zuma Press
|
Theo thông báo của Toà án tối cao Thái Lan hôm qua, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ bắt đầu được đưa ra xét xử từ ngày 19.5 vì tội thiếu trách nhiệm dẫn đến thất thoát tiền bạc trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi khi còn đương chức.
Cụ thể, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) và Văn phòng Tổng chưởng lý đã cáo buộc bà Yingluck xao nhãng trách nhiệm, dẫn đến xảy ra tham nhũng, gây thất thoát 600 tỉ baht (khoảng 18,5 tỉ USD), vi phạm mục 157 bộ luật Hình sự, và luật NACC năm 1999. Ngoài ra, bà còn bị buộc tội cố ý làm trái quyền hành theo điều 178 của Hiến pháp.
Thẩm phán Tòa án tối cao Weerapol Tangsuwan cho biết toà này đã kết luận vụ án nằm trong thẩm quyền xét xử sau khi nghiên cứu hồ sơ do các công tố viên của Văn phòng Tổng chưởng lý cung cấp hồi tháng trước. Mặc dù không có mặt tại toà, nhưng bà Yingluck đã nhanh chóng phản ứng khi khẳng định trên Facebook rằng bà đã làm tròn trách nhiệm của mình lúc còn là thủ tướng và tuyên bố mình vô tội. Bà Yingluck nói chương trình trợ giá gạo là chính sách quan trọng dưới thời bà cầm quyền nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống nông dân. “Vụ này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và hệ thống chính trị của đất nước cũng như cuộc sống của nông dân nói riêng và người dân nói chung. Nó cũng sẽ là tiền lệ cho những chính sách giúp đỡ người dân sau này”, bà Yingluck nói.
Động cơ chính trị ?
Bà Yingluck bị truất phế khỏi cương vị thủ tướng chỉ vài ngày trước khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 5.2014. Đầu năm nay, bà lại bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm sau cuộc bỏ phiếu luận tội của Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA), cũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo. Nếu bị toà án tuyên có tội, bà Yingluck phải đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù giam và số tiền phạt đến 200.000 baht (khoảng 6.000 USD).
Tuyên bố thụ lý hồ sơ vụ án của bà Yingluck càng tiếp tục đào sâu thêm khủng hoảng chính trị tại Thái Lan dưới sự cầm quyền của chính quyền quân đội. Phe ủng hộ bà Yingluck cho rằng vụ này là bước cuối cùng của phe bảo hoàng và chính quyền quân đội nhằm “triệt tận gốc” ảnh hưởng chính trị của gia đình Shinawatra. “Trong vụ này, quân đội phải thận trọng nếu không muốn tạo ra ngòi nổ cho những vụ biểu tình sắp tới”, Kan Yuenyong, nhà phân tích của Viện Chính sách Siam Intelligence Unit nói.
Theo nhà nghiên cứu Pavin Chachavalpongpun thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản), quyết định đưa bà Yingluck ra toà sẽ làm gia tăng “nhiệt độ chính trị” tại Thái Lan. “Nó sẽ khuyến khích người dân bước ra và đấu tranh chống lại bất công và việc chính trị hoá toà án”, ông nói.
Những lo ngại về tình trạng thiếu dân chủ và công lý tại Thái Lan cũng từng được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel nêu ra trong chuyến thăm nước này vào tháng 1. “Khi một lãnh đạo chính trị bị phế truất, sau đó bị buộc tội bởi chính lực lượng đảo chính, và trở thành mục tiêu của những cáo buộc hình sự giữa lúc các tiến trình và thiết chế dân chủ cơ bản đang tạm thời bị phá vỡ, thì cộng đồng quốc tế sẽ có ấn tượng rằng những động thái đó đều có động cơ chính trị”, ông Russel nói về trường hợp của bà Yingluck.
Thủy Tiên
(VP Bangkok)