11/01/2025

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ

Sáng 16.3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ (TTCP) về phương hướng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra năm 2015.

 

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ

 

Sáng 16.3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ (TTCP) về phương hướng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra năm 2015.

 

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo về kết quả công tác thanh tra quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết từ năm 2011-2014, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 34.553 cuộc thanh tra hành chính, 476.928 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện nhiều vi phạm kinh tế. Ngành đã kiến nghị thu hồi 119.791 tỷ đồng, 18.714 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.055 tập thể, 22.516 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 269 vụ, 323 người.
Trong đó, riêng TTCP đã phát hiện vi phạm 71.604 tỷ đồng, 10.727 ha đất, kiến nghị thu hồi 22.158 tỷ đồng.
Điều này cho thấy kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực; việc phát hiện xử lý vi phạm nhiều hơn so với 4 năm đầu của nhiệm kỳ trước. Riêng năm 2014, kết quả xử lý vi phạm hiệu quả nhất, chỉ tính riêng hiệu quả thu hồi tài sản sau thanh tra đạt gần 66%.
Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TTCP đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đến nay đã giải quyết được 501/528 vụ việc; tình hình khiếu nại tố cáo có xu hướng giảm dần, phần lớn các vụ việc khiếu nại tố cáo mới phát sinh được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở với tỷ lệ khoảng 85%.
Là một trong những thành viên quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, TTCP và ngành Thanh tra đã phát hiện và đề nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Ban cán sự đảng TTCP cũng đã nghiêm túc thực hiện kiểm điểm những sai phạm trong công tác cán bộ trong nhiệm kỳ trước bằng những việc làm vụ thể như chấm dứt bổ nhiệm cấp phó quá số lượng, không bổ nhiệm lại hàm cấp vụ, thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với cán bộ được bổ nhiệm trong thời gian cuối nhiệm kỳ trước
Tập trung làm tốt công tác tham mưu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới, TTCP cần tập trung tham mưu tốt cho Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), nâng cao hiệu quả cơ quan chuyên trách PCTN, kiến nghị kịp thời với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quyết liệt PCTN theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về công tác PCTN.
Lãnh đạo TTCP cần chú trọng đến bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, năng lực của cán bộ ngay trong ngành Thanh tra, triển khai công tác phối hợp với các ngành phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Về các kiến nghị của TTCP, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải có giải pháp tốt trong bảo vệ chính trị nội bộ và cán bộ ngành Thanh tra.
Cần sửa đổi Luật Thanh tra để đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác thanh tra, chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng dự án Luật Thanh tra sửa đổi để trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Bí thư cho phép TTCP tiến hành tổng kết thi hành Luật PCTN và có đề xuất hướng sửa đổi cụ thể theo hướng phòng là chính với phương châm ngăn chặn để cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng.
Về công tác thanh tra, tiếp dân, PCTN, Phó Thủ tướng cho rằng, đây không phải là trách nhiệm riêng của ngành Thanh tra, mà của cả hệ thống chính trị. Đồng thời muốn đẩy mạnh chuyển biến trong công tác này cần có sự lựa chọn cán bộ làm công tác dân vận tốt, hiểu biết pháp luật và có tâm trong sáng để làm công tác tiếp dân.
Phó Thủ tướng cũng kiến nghị Tổng Bí thư chỉ đạo lãnh đạo các ngành, tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân, bởi nhiều nơi lãnh đạo không làm tốt công tác này, mà chỉ chăm chú làm những việc khác, không lo công tác tiếp dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để xử lý giải quyết công việc cho dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Trong thời gian tới, TTCP cần tập trung tham mưu tốt cho Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: VGP/Lê SơnPhó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Trong thời gian tới, TTCP cần tập trung tham mưu tốt cho Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Coi trọng công tác tiếp công dân
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngành Thanh tra và TTCP cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất những vụ việc thanh tra đột xuất.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra nhiều vi phạm, tham nhũng và thường xuyên kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách, phát hiện kịp thời những vi phạm.
Theo Tổng Bí thư, PCTN là một lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp, ngành Thanh tra phải kiên trì, có giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến rõ rệt hơn nữa; tích cực hướng dẫn đôn đốc triển khai các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm các chế độ định mức tiêu chuẩn đối với các chính sách.
Tổng Bí thư yêu cầu ngành Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra. Đồng thời, phải mở nhiều kênh thông tin hơn nữa để tiếp nhận các tin báo tố cáo tham nhũng, có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong giải quyết KNTC, Tổng Bí thư lưu ý TTCT cần chú ý thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, chú trọng giải quyết các vụ việc đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Năm 2015-2016 dự báo sẽ có rất nhiều đơn thư khiếu nại, đòi hỏi sự tinh tường, tài giỏi của người cán bộ thanh tra để phát hiện những vụ việc nghiêm trọng. Tổng Bí thư cũng đồng ý cho nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật thanh tra, luật PCTN.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ thanh tra phải “thanh sạch, ngay ngắn, có dũng khí, dám đấu tranh và hy sinh” để công tác này có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Tổng Bí thư hy vọng ngành Thanh tra sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới không chỉ nhận các huân chương cao quý của Nhà nước mà còn là huân chương trong lòng dân.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ