27/11/2024

Chạy đua lập khối quân sự khu vực

Những thách thức an ninh mà nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt làm sống lại ý tưởng thành lập các lực lượng quân sự đa quốc gia.

 

Chạy đua lập khối quân sự khu vực

 

 

Những thách thức an ninh mà nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt làm sống lại ý tưởng thành lập các lực lượng quân sự đa quốc gia.

 

 

Các binh sĩ Bahrain tham dự một cuộc tập trận của Lực lượng lá chắn bán đảo - Ảnh: Bahrain NewsCác binh sĩ Bahrain tham dự một cuộc tập trận của Lực lượng lá chắn bán đảo 
– Ảnh: Bahrain News

Đối với thế giới, năm 2014 vừa qua là một năm chứng kiến nhiều thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Những lo ngại an ninh truyền thống đến từ cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như căng thẳng ở các vùng biển Đông Á trong khi nguy cơ an ninh phi truyền thống trải rộng từ sự xuất hiện hoặc trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm vũ trang, mà nổi bật nhất là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), cho đến nạn cướp biển hay bệnh dịch Ebola. Những bối cảnh an ninh mới hiện là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng thành lập các lực lượng quân sự đa quốc gia được ấp ủ lâu nay.

Quân đội chung châu Âu
Lời kêu gọi thành lập quân đội chung cho các nước EU vừa được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đưa ra vào đầu tháng 3. Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag của Đức, ông Juncker nhận định: “Một lực lượng quân sự chung sẽ là lời khẳng định với thế giới rằng sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh giữa các nước EU nữa. Một lực lượng như thế cũng sẽ giúp EU thể hiện rõ chiến lược an ninh, đối ngoại và đảm bảo được trách nhiệm với thế giới”. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, với quân đội chung, EU có thể phản ứng một cách thích đáng trước mọi đe dọa nhằm vào các nước thành viên hoặc một quốc gia láng giềng. Ông Juncker xem đây là thông điệp “rõ ràng” với Nga: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ giá trị chung của châu Âu”.
Theo Đài phát thanh France Inter, tuy ý tưởng thành lập một liên minh quốc phòng từng được nhiều chính trị gia tại EU nhắc tới nhưng đây là lần đầu tiên được đề cập bởi người đứng đầu Uỷ ban châu Âu – nơi chịu trách nhiệm đề xuất và thực hiện các chính sách chung của khu vực. Nguyên nhân là thời gian qua, tình hình nhiều khu vực ở “sát sườn” của EU không ngừng xảy ra biến động. Đáng kể nhất là khủng hoảng ở Ukraine dẫn tới căng thẳng ngoại giao với Nga và sự trỗi dậy của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Bắc Phi, Trung Đông. Trong khi đó, đồng minh thân cận của EU là Mỹ lại “chuyển trục” về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do vậy, EU cần đảm bảo khả năng phòng vệ một cách độc lập trong trường hợp không được sự hỗ trợ từ Washington hay NATO. Yếu tố quan trọng để đảm bảo khả năng này là các quốc gia thành viên phải có sự phối hợp đồng bộ vì an ninh của các nước trong khu vực ngày càng liên quan chặt chẽ với nhau. Mặt khác, nhật báo Le Temps dẫn lời chuyên gia Steven Blockmans (Trung tâm nghiên cứu chính trị châu Âu) nhận định khi trọng tâm về kinh tế và quân sự đang dần dịch chuyển về phía châu Á, nếu không có hành động cụ thể, EU sẽ dần đánh mất vị thế của mình.
Bên cạnh đó, ông Juncker còn nhấn mạnh khía cạnh kinh tế: “Lực lượng quân sự chung sẽ giúp EU hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chế tạo và mua bán vũ khí, nhờ đó sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí”. Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Đức Norbert Röttgen cũng cho biết quân đội nhiều nước châu Âu thường xuyên mua sắm trùng lặp các loại vũ khí “thường thường bậc trung”. Nếu có sự điều phối của liên minh quốc phòng, các nước EU sẽ tránh được tình trạng này để tập trung đầu tư cho những thiết bị quân sự hiện đại và uy lực hơn.
Đề xuất của ông Juncker hiện chỉ là nhận định cá nhân, nhưng mới đây Hãng tin Sputnik dẫn lời Phát ngôn viên Uỷ ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết kế hoạch thành lập quân đội chung sẽ chính thức được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của EU vào tháng 6. Đây chắc chắn sẽ là một chủ đề gây nhiều tranh cãi vì quan điểm giữa các quốc gia thành viên về vấn đề này rất khác nhau. Cho đến nay, Đức là nước ủng hộ đề xuất của ông Juncker nhiệt tình nhất, trong khi Pháp vẫn tỏ ra thận trọng vì lo ngại việc EU lập quân đội chung có thể ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò của NATO.
Sau khi bài phỏng vấn ông Juncker được đăng tải, ông Röttgen nhận định ý tưởng quân đội chung của EU “là tầm nhìn chiến lược của châu Âu” và đã đến thời điểm thực hiện. Trước đó, Hãng tin DPA dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố: “Đời cháu của tôi chắc chắn sẽ biết đến một Hiệp chủng quốc châu Âu, với quân đội riêng”. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm gây tranh cãi nhất: nhiều nước, đặc biệt là Anh, cho rằng việc thành lập lực lượng quân sự chung sẽ góp phần “liên bang hoá” EU, làm các nước thành viên bị mất đi sự độc lập. Trước nay, dù tham gia EU nhưng London luôn tỏ ra rất “cảnh giác” khi không dùng đồng euro và đứng ngoài một số hiệp ước khu vực. Do đó, nhiều khả năng Anh sẽ là nước phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch lập lực lượng quân sự EU.
Liên minh Ả Rập
Cuộc tranh luận về việc thành lập khối quân sự mới không chỉ xuất hiện ở châu Âu mà lan sang cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi mới đây đề xuất lập một liên minh quân sự thống nhất của thế giới Ả Rập để đối phó với mối đe doạ từ các nhóm vũ trang đang hoành hành tại khu vực.
Ý tưởng này nhận được sự tán đồng từ Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Nabil al-Arabi, người khẳng định đó là một “nhu cầu cấp bách” tại hội nghị ngoại trưởng của AL ngày 9.3. Theo Phó tổng thư ký AL Ahmed Ben Helli, AL dự kiến sẽ bàn việc thành lập lực lượng chung tại hội nghị thượng đỉnh thường niên ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập ngày 28 – 29.3.
Theo tờ al-Ahram, hội nghị do ông al-Sisi chủ trì sẽ tập trung thảo luận việc “phục hoạt” Hiệp ước Phòng thủ và kinh tế Ả Rập của AL.
Theo hiệp ước ký năm 1950, 22 nước thành viên AL sẽ xem “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một trong số họ là cuộc tấn công vào tất cả” và sẽ sử dụng “mọi biện pháp có thể, bao gồm sử dụng lực lượng vũ trang, để đẩy lùi cuộc xâm lược và tái lập an ninh và hoà bình”. Tuy nhiên, lần duy nhất điều khoản này được viện đến là vào năm 1976, khi Lực lượng ngăn chặn Ả Rập được thành lập và triển khai đến Li Băng để gìn giữ hòa bình trong cuộc nội chiến tại đây. Do sự thiếu thống nhất về cấu trúc chỉ huy, thành phần đóng góp, lực lượng không thể đảm trách sứ mệnh và phải nhờ cậy đến cộng đồng quốc tế trong cuộc khủng hoảng này.
Tại khu vực cũng có một liên minh đa quốc gia khác là Lực lượng lá chắn bán đảo, thành lập năm 1982 trên cơ sở Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Nhưng lực lượng này cũng không chứng tỏ được hiệu quả, điển hình là không thể bảo vệ được Kuwait trước cuộc xâm lăng của Iraq năm 1990.
Cũng như tâm lý của một số nước châu Âu, các nước Ả Rập ngày càng mất lòng tin vào sự bảo đảm an ninh của nước Mỹ xa xôi, đặc biệt trong bối cảnh Washington chủ trương thương thuyết để giải quyết vấn đề hạt nhân với Iran. Do vậy, nhu cầu thành lập liên minh quân sự khu vực là có thật. Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất hiện nay là cơ cấu thành phần của khối. Truyền thông Ả Rập từng hé lộ các kế hoạch của giới lãnh đạo quân sự vùng Vịnh nhằm thành lập liên minh gồm Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Kuwait và UAE. Các phiên bản khác còn bao gồm cả Morocco và Jordan. Khác với Ai Cập muốn lấy AL làm căn bản, Ả Rập Xê Út hiện chủ trương lập một liên minh quân sự phái Sunni và bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với IS, Iran và những phe phái Shiite do Tehran bảo trợ.
Lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN
Ý tưởng về Lực lượng gìn giữ hoà bình ASEAN nhằm bảo vệ khu vực trước các mối đe dọa, bao gồm nguy cơ từ nhóm IS, được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đưa ra vào tháng 2, theo tờ The Star. Vấn đề này cũng được ông nêu ra trong chuyến thăm một số nước ASEAN vừa qua.
Theo ông Hishammuddin, Lực lượng gìn giữ hoà  bình ASEAN không chỉ bảo vệ an ninh khu vực mà còn tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hoà bình quốc tế và Malaysia sẽ tận dụng vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2015 và ghế thành viên HĐBA LHQ để phát huy ý tưởng trên.
S.D

 
Lính mũ nồi xanh
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ (còn gọi là lính mũ nồi xanh) gồm 104.235 binh sĩ, cảnh sát, thanh sát viên quân sự đến từ
128 quốc gia thành viên và 16.961 nhân viên dân sự. Các binh sĩ của lực lượng này bắt đầu xuất hiện với “mũ nồi xanh” khi can thiệp vào khủng hoảng Kênh đào Suez (Ai Cập) năm 1956. Ngoài vai trò chủ yếu là gìn giữ an ninh, hoà bình, lính mũ nồi xanh còn tham gia nhiều chương trình của LHQ về hỗ trợ ổn định chính trị như: cải cách hệ thống tư pháp, huấn luyện cảnh sát, giải giới, giúp cựu chiến binh hoà nhập xã hội, cứu trợ người tị nạn…
L.C

Lan Chi – Sơn Duân