11/01/2025

Xuất khẩu tăng nhưng lo nhập siêu

Năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam dự báo đạt khoảng 165 tỉ USD, nhưng cũng dự báo năm nay nhập siêu vào khoảng 5% giá trị xuất khẩu.

 

Xuất khẩu tăng nhưng lo nhập siêu

 

Năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam dự báo đạt khoảng 165 tỉ USD, nhưng cũng dự báo năm nay nhập siêu vào khoảng 5% giá trị xuất khẩu.

 

 


 

 

Xuất khẩu hàng dệt may VN được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 – Ảnh: T.V.N.

Các doanh nghiệp VN chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, sau khi các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết trong năm nay, nhưng khó khăn và sức ép cạnh tranh cũng sẽ nhiều hơn.

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khi trao đổi với chúng tôi về những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (TMTD) mới sẽ mang lại cho doanh nghiệp VN trong năm 2015.

Ông Hải nói: “Theo dự báo và cũng là mức định hướng phấn đấu trong điều hành, trong năm 2015, xuất khẩu của VN sẽ đạt khoảng 165 tỉ USD, tăng 10% (tương đương 15 tỉ USD) so với năm 2014.

Đây là mục tiêu không dễ nhưng nếu tình hình thuận lợi, doanh nghiệp tận dụng được các hiệp định TMTD, chúng ta có thể đạt được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, sau ba năm xuất siêu liên tục (trong đó năm 2014 xuất siêu đạt mức kỷ lục là 2 tỉ USD), năm nay VN dự báo sẽ lại nhập siêu khoảng 5% giá trị xuất khẩu”.

Các hiệp định TMTD mà VN hiện đang tham gia hầu hết là trong ASEAN hoặc các đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật… Các hiệp định đang đàm phán và dự kiến được ký trong năm 2015 sẽ hướng đến các thị trường ngoài châu Á như EU, Nga, Belarus, Kazakhstan…

Khi có hiệp định TMTD, thuế giảm, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa sẽ giúp hàng VN tăng khả năng thâm nhập các thị trường trên so với các đối thủ cạnh tranh truyền thống trong khu vực

Ông TRẦN THANH HẢI

* Việc nhập siêu phải chăng là do tác động từ mặt trái của các hiệp định TMTD?

– Khi có các hiệp định TMTD, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI sẽ phải tăng đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất, nên sẽ nhập khẩu nhiều hơn trong giai đoạn đầu.

Ngoài ra, ký kết các hiệp định TMTD không chỉ nhằm xuất khẩu, mà còn thực hiện chủ trương đa dạng hoá thị trường nhập khẩu, tìm nguồn nguyên liệu có giá thành hợp lý, tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường cụ thể.

Đó là kết quả sự tìm kiếm lợi ích cân bằng cho các bên tham gia. Khi chúng ta đạt được những lợi ích tại thị trường của bạn, đồng nghĩa bạn cũng có những thuận lợi ở thị trường VN.

Rõ ràng, khi hội nhập doanh nghiệp VN sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là khó khăn và thách thức sẽ ngày càng lớn, đến từ nhiều hướng. Chúng ta phải chấp nhận quy luật cạnh tranh để vượt lên.

* Sau khi VN ký kết các hiệp định TMTD mới, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những mặt hàng nào của VN sẽ gặp thuận lợi và những nhóm mặt hàng nào có thể khó khăn, thưa ông?

– Những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của VN như dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản, đồ gỗ… sẽ có lợi thế hơn. Chúng ta đã đàm phán hạ được thuế, tạo thuận lợi trong xuất khẩu cho các mặt hàng này.

Tất nhiên, bản thân các ngành này cũng gặp những thách thức là làm sao đáp ứng các tiêu chí để được hưởng ưu đãi. Như với ngành dệt may, quy tắc “tính từ sợi” của TPP, nếu VN không đảm bảo xuất xứ nguyên vật liệu như sợi từ chính VN hay từ các nước khác trong TPP sẽ không được hưởng ưu đãi.

Tại thị trường trong nước, theo các văn bản ký kết với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan cũng có các mặt hàng VN cam kết mở cửa thị trường. Tuỳ theo lộ trình sẽ có sức ép cạnh tranh nhiều hơn với các ngành như thép, hàng thủy sản đóng hộp, máy móc nông nghiệp, ôtô…

Do đó, ngoài sự chuẩn bị và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp những ngành này, VN cũng cần có chính sách hỗ trợ để họ tăng được năng lực sản xuất. Nếu có chính sách để họ tăng được sản xuất, xuất khẩu, có thêm thị trường, đáp ứng các đơn hàng lớn, sức mạnh của nền kinh tế sẽ tăng lên.

* Nhìn lại năm 2014, dù xuất khẩu VN đạt con số khá cao (150 tỉ USD) nhưng nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu vẫn là lắp ráp, nghĩa là mua nguyên vật liệu nước ngoài, gia công, rồi xuất?

– Đúng là các mặt hàng VN có kim ngạch xuất khẩu lớn, như điện thoại di động đến dệt may, da giày, đồ gỗ, thậm chí gần đây cả thuỷ sản… cũng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về để chế biến, gia công.

Nhưng khi đất nước ta hội nhập sâu, điều này là tất yếu vì không nước nào làm hết được tất cả các khâu. Mỗi nước phải tìm vai trò hợp lý của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta mới ở khâu hoàn thiện thành phẩm, tức nhập nguyên vật liệu về, lắp ráp và xuất đi.

Đây là giai đoạn đầu, dần dần với vốn tích luỹ được cùng trình độ quản lý, công nghệ… chúng ta sẽ tham gia sâu hơn, nhiều hơn trong quy trình sản xuất ra sản phẩm. Nếu tự sản xuất được nhiều, giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên, tự chủ hơn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy tiến bộ của chúng ta khá nhanh. Chẳng hạn ngành dệt may đã sản xuất được vải, đầu tư vào khâu dệt nhuộm ngày càng nhiều, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi hiện nay cũng khá lớn…

Theo tôi, chính sách cần có hỗ trợ mạnh và cụ thể hơn để doanh nghiệp VN vừa có thể đầu tư sản xuất hàng phụ trợ, vừa quan tâm chất lượng để cạnh tranh, tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện có một số mặt hàng phụ trợ VN sản xuất được nhưng không cạnh tranh được, sẽ rất khó khi VN mở cửa hội nhập sâu hơn.

Nhiều cơ hội cho ngành gỗ, dệt may và da giày

Trong hai tháng đầu năm 2015, theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt hơn 1 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Khảo sát các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy hầu hết doanh nghiệp đã có hợp đồng sản xuất đến hết tháng 6-2015.

Các công ty đi vào hoạt động ổn định, liên tục tăng ca từ đầu năm để đảm bảo đơn hàng đã ký.

Theo ông Điền Quang Hiệp – giám đốc Công ty Mifaco (Bình Dương), năm nay doanh nghiệp trong ngành có thêm nhiều cơ hội lựa chọn đối tác, nâng cao giá trị lợi nhuận so với mọi năm nếu các hiệp định TMTD được ký kết.

“Ngoài thị trường Mỹ đang có mức tăng trưởng khả quan, các thị trường khác được công ty tiếp cận thành công và liên tục mở rộng trong vài năm gần đây như Hàn Quốc, các nước Trung Đông, Anh… cũng có thêm nhiều đơn hàng” – ông Hiệp nói.

Thông tin từ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cũng cho biết khách hàng các nước Mỹ, châu Âu, Nhật… tìm kiếm đơn hàng ngay từ đầu năm 2015 tăng mạnh.

Đặc biệt, trong Hội chợ quốc tế đồ gỗ – mỹ nghệ xuất khẩu Vifa – Expo 2015 đang diễn ra tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng lớn. Lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia tìm kiếm cơ hội kinh doanh tăng gần 90% so với mọi năm…

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường – tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) – dự báo xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2015 của VN sẽ có nhiều cơ hội, nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại dự kiến được ký kết trong năm nay.

Chẳng hạn, dù chưa thông qua nhưng nhờ hiệu ứng của TPP, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã tăng 15-16% trong năm 2014 và dự báo sẽ tăng 28,3 tỉ USD trong năm nay. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của VN với kim ngạch dự kiến đạt 11 tỉ USD, tiếp theo là EU ở mức trên 4 tỉ USD, Nhật xấp xỉ 4 tỉ USD…

Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, sản lượng xuất khẩu hàng dệt may phải tăng trên 20% so với năm ngoái do mặt bằng giá một số chủng loại sản phẩm xuất khẩu giảm, phải lấy số lượng để bù qua.

Giày dép cũng được kỳ vọng tiếp tục tạo nên kỳ tích xuất khẩu trong năm 2015 với mục tiêu xuất khẩu đặt ra 12 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2014.

Xuất khẩu đến 47 quốc gia trên toàn thế giới, Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso) cho rằng TPP đang là mục tiêu rất lớn để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn nội địa hướng tới nhằm nâng hàm lượng giá trị gia tăng trên từng sản phẩm xuất khẩu trong các năm tới đây, khi máy móc thiết bị, công nghệ đang cải thiện đầu tư khá lớn.

L.SƠN – T.V.N.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện