Tội phạm kinh tế diễn ra nghiêm trọng
Những thông tin về tình hình tội phạm được trình bày tại hội nghị cho thấy các yếu tố “phi truyền thống” trong hoạt động của tội phạm ngày càng xuất hiện nhiều.
Tội phạm kinh tế diễn ra nghiêm trọng
Những thông tin về tình hình tội phạm được trình bày tại hội nghị cho thấy các yếu tố “phi truyền thống” trong hoạt động của tội phạm ngày càng xuất hiện nhiều.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố phía Nam – Ảnh: Quang Định |
Đó là một trong những dự báo và cũng là lời cảnh báo chung được trung tướng Trần Trọng Lượng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an – nhấn mạnh tại ngày làm việc 12-3 của hội nghị báo cáo viên tháng 3-2015 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tại TP.HCM.
Những thông tin về tình hình tội phạm được trình bày tại hội nghị cho thấy các yếu tố “phi truyền thống” trong hoạt động của tội phạm ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Sự chuyển biến của tội phạm có tổ chức theo chiều hướng đan xen, gắn kết giữa các lĩnh vực tội phạm có tổ chức vẫn còn tiềm ẩn lớn, xu hướng hiện nay là tội phạm đang tìm cách can dự vào các hoạt động kinh tế; tìm cách liên kết, móc nối với chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật để “bảo kê” hoạt động phi pháp.
Tội phạm tài chính, ngân hàng ngày càng tinh vi
Trình bày của trung tướng Trần Trọng Lượng cũng cho thấy “bức tranh” tội phạm về kinh tế, tham nhũng tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Nổi lên là tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây thất thoát tài sản đặc biệt lớn.
Cụ thể, năm 2014 phát hiện 40 vụ, thiệt hại trên 22.000 tỉ đồng. Tình trạng sở hữu chéo, thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng phục vụ cho “lợi ích nhóm” tiếp tục gây tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia cũng như cả nền kinh tế.
Theo báo cáo, thủ đoạn chủ yếu là nhóm cổ đông có ảnh hưởng chi phối tại các ngân hàng thương mại cổ phần sử dụng tiền huy động được của ngân hàng chuyển cho các công ty “sân sau” phục vụ lợi ích các nhóm như đầu tư chứng khoán, bất động sản, thâu tóm ngân hàng…
Tội phạm tài chính còn sử dụng các công ty “sân sau” phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dùng tiền thu được mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, rồi dùng cổ phần mua được làm tài sản đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu, tạo sở hữu chéo nhằm mục đích thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng. Chẳng hạn năm 2012 là vụ Nguyễn Đức Kiên, năm 2014 là vụ Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm.
Trong khi đó, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực gây dư luận xã hội bức xúc, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, khó phát hiện, khó đấu tranh; tình trạng “tham nhũng vặt” cũng thường diễn ra trong giải quyết công việc của công dân. Tham nhũng có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn lớn, gây ảnh hưởng đến uy tín của đất nước, nhưng việc phát hiện hoàn toàn không dễ dàng.
Mỗi năm cả nước tăng 7.000 người nghiện
Theo ông Lượng, về tội phạm ma túy đang gia tăng, hành vi phạm tội rất manh động, mặc dù bị trấn áp mạnh nhưng loại tội phạm này vẫn tiếp tục hoạt động. Còn ma túy tổng hợp, ma túy vận chuyển qua đường hàng không ngày một nhiều hơn, thủ đoạn rất tinh vi.
Đề cập tình hình của năm 2014, ông Lượng cho biết đã bắt hơn 19.000 vụ, hơn 29.000 người phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 729kg heroin, hơn 342kg và 556 viên ma túy tổng hợp. So với năm 2013, tăng 8,4% số vụ, 5,1% số đối tượng. “Dù số vụ bắt giữ và số lượng ma tuý thu giữ được rất lớn, nhưng tình hình phức tạp về tội phạm ma tuý không giảm” – ông Lượng nhấn mạnh.
Số người nghiện tại Việt Nam được ghi nhận tăng 4 lần trong hai thập kỷ qua, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy trong nước rất lớn. Theo ông Lượng, qua rà soát đến tháng 9-2014, cả nước hơn 204.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người.
Người nghiện ma tuý có ở 100% tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Trong khi đó công tác cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ các quy định của pháp luật.
Tại sao lòng tin giảm? Một trong những nội dung được nhấn mạnh tại phát biểu kết thúc hội nghị, ông Mai Văn Ninh – uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – đặt ra vấn đề đất nước ta đang trên đà phát triển, độc lập được giữ vững, quốc phòng an ninh được tăng cường, đối ngoại sâu rộng, vị thế uy tín ngày càng cao, đời sống nhân dân cải thiện… nhưng tại sao lòng tin lại giảm? Theo ông Ninh, việc này có hai vấn đề: một là các thế lực thù địch tăng cường chống phá; hai là chúng ta cũng có những sai lầm, khuyết điểm… Cần thấy cả hai mặt. Với tình hình này, ông Ninh cho rằng cần có sự đồng lòng, đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong ngày làm việc hôm qua, hội nghị còn nghe ông Nguyễn Hồng Vinh – chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương – thông tin về nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trước thềm đại hội các cấp. Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, trình bày những điểm mới của việc tổ chức kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm 2015… Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế, trình bày những điểm mới của Luật bảo hiểm y tế bổ sung, sửa đổi năm 2014; một số nhiệm vụ, giải pháp để đưa Luật bảo hiểm y tế vào cuộc sống. |