11/01/2025

Myanmar trước áp lực sinh viên biểu tình

Chính quyền Naypyitaw hôm qua tuyên bố sẽ xử lý các cảnh sát đã “quá tay” trấn áp sinh viên biểu tình ở thành phố Latpadan chiều 10.3.

 

Myanmar trước áp lực sinh viên biểu tình

 

 

Chính quyền Naypyitaw hôm qua tuyên bố sẽ xử lý các cảnh sát đã “quá tay” trấn áp sinh viên biểu tình ở thành phố Latpadan chiều 10.3.

 

 

 

Cảnh sát Myanmar đụng độ với sinh viên tại Latpadan - Ảnh: ReutersCảnh sát Myanmar đụng độ với sinh viên tại Latpadan – Ảnh: Reuters

Chiều 11.3, Bộ trưởng Thông tin kiêm phát ngôn viên của Tổng thống Myanmar Ye Htut phát biểu trước báo giới rằng nước này đang điều tra và “sẽ có hành động” đối với những cảnh sát bị phát hiện sử dụng vũ lực đối với sinh viên biểu tình đòi quyền tự chủ và ngân sách cao hơn cho ngành giáo dục. Những đoạn phim, hình ảnh trên mạng cho thấy cảnh sát đã vây quanh và dùng gậy đánh tới tấp một số người biểu tình. Ông Ye Htut nhìn nhận những gì xảy ra là một “thảm cảnh”.

Nguồn tin tại chỗ của Thanh Niên cho hay khoảng 200 sinh viên, nhà sư và dân làng tập hợp gần một Phật viện ở Latpadan, cách Yangon 140 km về phía bắc, trong khi số cảnh sát nhiều gấp 3 lần. Lực lượng an ninh còn phá xe và loa phóng thanh của người biểu tình rồi bắt hàng loạt đưa lên xe. Khoảng 30 phóng viên địa phương và quốc tế có mặt tại chỗ đã phải trốn vào nhà dân và chùa chiền để tránh sự truy đuổi của lực lượng an ninh, được ông Ye Htut cho là đã “mất bình tĩnh” do đối mặt với biểu tình kéo dài. Trước khi xảy ra trấn áp, cảnh sát và sinh viên được nhìn thấy trò chuyện vui vẻ với nhau.
Truyền thông nhà nước Myanmar hôm qua thừa nhận cảnh sát đã bắt 127 người, gồm 52 sinh viên nam, 13 sinh viên nữ và 62 dân làng ở Latpadan. Vụ việc đã gây ra quan ngại và chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nước trên thế giới.
Trả lời Thanh Niên chiều qua, một nhà báo đồng thời là nhà sáng lập một đảng chính trị mới ở Myanmar (không muốn nêu tên), gọi hành động của cảnh sát là “quá thô bạo”. Ông này cho biết nguồn cơn của các cuộc biểu tình là việc quốc hội thông qua bộ luật Giáo dục quốc gia (NEL) hồi tháng 9.2014. Các hội đoàn sinh viên cáo buộc NEL “hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học, cấm sinh viên lập hội và tham gia các hoạt động chính trị, kìm kẹp chương trình đào tạo”…
Sau nhiều cuộc biểu tình trên khắp cả nước từ cuối năm ngoái, chính phủ và quốc hội Myanmar đã đàm phán với các hội đoàn sinh viên về những yêu sách của họ. Nổi bật là các yêu cầu đòi tự chủ cho nhà trường, tự do lập hội và sinh hoạt chính trị cho sinh viên, nâng ngân sách giáo dục lên mức 20%, miễn phí bậc giáo dục trung học thay vì chỉ ở tiểu học như hiện nay. Qua 3 cuộc thương thảo, toàn bộ 11 điểm yêu sách đã được đồng thuận, và một dự luật giáo dục sửa đổi đã được phía sinh viên hoàn thiện vào ngày 18.2.2015, nhằm thay thế NEL.
Tuy nhiên, khi thời hạn ngày 28.2 mà phía sinh viên yêu cầu quốc hội phải thông qua dự luật sửa đổi qua đi, thì biểu tình tái diễn. Sau vụ việc ngày 10.3, “chính quyền sẽ phải có những nhượng bộ nhất định để giữ tình hình ổn định trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11 năm nay”, nhà báo nói trên nhận định.

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)