11/01/2025

Củng cố được niềm tin, vốn sẽ ra thị trường

Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh nhiều cơ hội, bình đẳng cho mọi người cùng tham gia thị trường. Muốn vậy, cần phải cải cách thể chế kinh tế…

 

Củng cố được niềm tin, vốn sẽ ra thị trường

 

Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh nhiều cơ hội, bình đẳng cho mọi người cùng tham gia thị trường. Muốn vậy, cần phải cải cách thể chế kinh tế…

 

 

 

 

Ông Trần Du Lịch – Ảnh: Việt Dũng
Lâu nay chúng ta cứ nghĩ môi trường kinh doanh tốt nhất đồng nghĩa với việc làm sao thu hút được vốn đầu tư nước ngoài chứ chưa chú trọng đúng mức doanh nghiệp trong nước, quên rằng họ cũng cần môi trường đầu tư công bằng để phát triển một cách lành mạnh. Nhà đầu tư trong nước cũng cần có niềm tin để phát triển, lâu dài, làm ăn bài bản, không có đất cho những kiểu kinh doanh chụp giựt 

TS TRẦN DU LỊCH

TS Trần Du Lịch, uỷ viên Ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông nói: “ Cần cải cách thể chế kinh tế quyết liệt hơn nữa. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng có nghĩa là chúng ta phải đi sâu vào tất cả những nguyên tắc minh bạch, thông thoáng, cơ hội giống nhau cho những người tham gia thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng tham gia, chỉ như vậy mới đưa được vốn đầu tư vào thị trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.

Có ba đột phá chiến lược mà Chính phủ đang triển khai cho mục tiêu trên. Thứ nhất là thể chế, trong thể chế tập trung vào môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Thứ hai là nguồn nhân lực. Thứ ba là đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2015 cũng là năm để VN chuẩn bị sẵn sàng tham gia hội nhập, mà một trong những yếu tố thành công của hội nhập là tạo môi trường kinh doanh trong nước tốt nhất”. 

* Ông chia sẻ gì về câu chuyện rôm rả hiện nay là có tiền nhàn rỗi nên bỏ vốn vào đâu?

– Người dân vẫn băn khoăn nên đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng hay là đầu tư vào thị trường vốn! Người dân VN vẫn tin rằng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là một kênh đầu tư, quan điểm đó là sai. Nếu xem gửi tiết kiệm ngân hàng là đầu tư thì mọi hoạt động đầu tư khác sẽ bị trì trệ hết. Kênh đầu tư là đầu tư, tiền gửi tiết kiệm là tiền nhàn rỗi, tiền tạm thời. Khi chúng ta không tạo được định chế mở ra nhiều kênh đầu tư khác nhau, đồng tiền sẽ còn bị tắc trong dân rất nhiều.

Tại sao thị trường chứng khoán không phát triển thị trường sơ cấp mạnh được? Tại sao doanh nghiệp VN không phát hành được trái phiếu ra thị trường mà chỉ có thể tăng vốn điều lệ, trong khi bản chất tăng vốn điều lệ là kinh doanh bằng chính tiền của mình.

Người giỏi không chỉ kinh doanh bằng tiền của mình. Doanh nghiệp cần biết đi vay bằng trái phiếu, muốn vậy chúng ta phải tạo điều kiện để hình thành những tổ chức đánh giá doanh nghiệp. Người dân thấy rằng các doanh nghiệp có sự đánh giá từ những tổ chức uy tín để yên tâm bỏ tiền vào đầu tư… Phải tạo nhiều kênh lựa chọn, người dân mới mạnh dạn đầu tư.

* Nhưng với nhiều người có tiền nhàn rỗi, ngân hàng vẫn là địa chỉ để bảo toàn vốn, thưa ông?

– Tiền huy động trong công chúng mà chỉ vào kênh ngân hàng thì rõ ràng đó là thị trường tài chính chưa ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh phải mở rộng để người dân nhìn thấy nhiều cơ hội. Hiện nay ngân hàng thương mại đang làm chức năng của thị trường vốn ngắn hạn, thị trường vốn trung và dài hạn, vừa làm chức năng cung cấp tín dụng của Chính phủ thông qua trái phiếu chính phủ.

Bây giờ chúng ta luôn định hướng tiền phải chảy vào sản xuất kinh doanh, muốn hạ lãi suất. Trong khi đó, ngân hàng vẫn lựa chọn trái phiếu chính phủ là an toàn nhất, thuận lợi nhất, đâu dễ giảm lãi suất ngay.

Làm sao để trái phiếu chính phủ hấp dẫn người dân? Thay vì gửi tiền ngân hàng, người dân sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ lúc đó mới quan trọng. Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn năm năm trong khi người dân lo ngại đồng tiền sẽ mất giá nên chỉ gửi tiết kiệm theo tháng. Người dân muốn gửi tiền là tính bằng tháng, trong khi trái phiếu chính phủ tính bằng năm, muốn xử lý mâu thuẫn này không thể một sớm một chiều mà vấn đề là ở niềm tin của người dân vào tiền đồng.

Tính từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế VN phải trải qua nhiều biến động, bất ổn nên tâm lý lo lắng lạm phát, bong bóng nền kinh tế của người dân và doanh nghiệp chưa thể xóa ngay được. Trong bối cảnh đó, chúng ta đòi hỏi người dân đem tiền ra đầu tư lâu dài là không thực tế, phải có quá trình.

Mà muốn tạo niềm tin cho thị trường cần phải cải cách thể chế kinh tế như đang làm. Nhưng nếu muốn cải cách này đi vào cuộc sống phải cải cách bộ máy hành chính, đồng thời cải cách tài chính công. Giảm nợ công, giảm áp lực phát hành trái phiếu chính phủ hằng năm thì mới có cơ hội cho tiền chảy vào sản xuất.

Chỉ khi tâm lý tin vào tiền đồng ổn định, người dân mới dùng tiền để dành mua trái phiếu chính phủ, lấy lãi suất hằng năm để sử dụng. Mua trái phiếu là một kênh đầu tư, còn tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng chỉ là kênh giữ giùm, đó mới là phát triển bài bản.

* Thành công lớn nhất của VN hai năm gần đây là tạo được sự ổn định cho nền kinh tế, chúng ta cần làm gì nữa để tạo động lực cho doanh nghiệp phấn khởi đầu tư sản xuất, người dân bung tiền mở rộng làm ăn trong năm tiếp theo?

– Trước đây, người dân có tiền là đi mua vàng hay USD, bây giờ tiền chạy vào ngân hàng, như vậy cũng là tín hiệu tốt. Đó là thành công của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ mà VN thực hiện những năm gần đây, người dân dần thoát ly khỏi vàng và USD.

Doanh nghiệp trước đây sợ lạm phát (chỉ số giá CPI) và mất giá đồng tiền (tỉ giá). Nhưng bây giờ hai cái này được kiểm soát giúp doanh nghiệp an tâm vay nợ, mở rộng sản xuất. Không được để mất cái này.

Ngoài hai yếu tố trên, nếu mạnh dạn cải cách được bộ máy hành chính, chuyển từng bước sang một nền hành chính mang tính phục vụ thì sẽ tạo được môi trường đầu tư tốt. Làm sao để doanh nghiệp nghĩ rằng tôi mất một khoản tiền đầu tư thì các thủ tục hành chính sẽ được chính quyền lo hết.

Nếu làm được, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh môi trường đầu tư với các nước ASEAN. Củng cố được niềm tin sẽ tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư. Nhà nước không cần vẽ vời hay chỉ giáo gì, chính doanh nghiệp biết cần làm gì.

Nỗ lực cho môi trường kinh doanh minh bạch

Cải cách về thể chế là hướng tốt nhưng những nội dung cải cách đó có đi vào cuộc sống hay không còn tuỳ thuộc vào một cải cách nữa mà chúng ta chưa mạnh dạn, đó là cải cách bộ máy hành chính. Nếu bộ máy hành chính không mẫn cán công vụ, không thật sự thấy trách nhiệm để tạo ra một nền công vụ phục vụ thì hiệu quả kinh tế sẽ rất thấp.

Chỉ khi chúng ta có luật pháp minh bạch, bộ máy hành chính mẫn cán công vụ thì lúc đó mới phát triển được môi trường kinh doanh minh bạch. Tôi cho rằng hiện nay vấn đề đó tuỳ thuộc vào việc Quốc hội sẽ thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ để làm rõ trách nhiệm và công vụ. Đây là vấn đề đặt ra trong năm 2015.

NHƯ BÌNH thực hiện