11/01/2025

Kế toán phải… bắt được tham nhũng

VN hiện là một trong tám nước trên thế giới vẫn thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia mà chưa thực hiện chuẩn mực tài chính quốc tế…

 

Kế toán phải… bắt được tham nhũng


 VN hiện là một trong tám nước trên thế giới vẫn thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia mà chưa thực hiện chuẩn mực tài chính quốc tế…

 

 

 

 

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp thảo luận dự luật kế toán – Ảnh: TTXVN

Chiều 10-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kế toán.

* Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 300%

Nhiều ý kiến ngạc nhiên khi báo cáo của Chính phủ cho thấy VN hiện là một trong tám nước trên thế giới vẫn thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia mà chưa thực hiện chuẩn mực tài chính quốc tế.

“Chuẩn mực quốc tế phù hợp với tình hình nước ta”

“Về chuẩn mực kế toán VN thì chúng ta có 26 chuẩn mực được áp dụng, trên cơ sở những chuẩn mực quốc tế phù hợp với tình hình nước ta. Một trong những đặc điểm cơ bản của chuẩn mực quốc tế là người ta theo cơ chế giá thị trường” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng bình luận: “Mình rất tự hào đã hội nhập sâu với thế giới, nhưng trong số 138 nước được thống kê thì mình là một trong tám nước chưa áp dụng chuẩn kế toán quốc tế thì kém quá. Tôi cho rằng cần phải quy định rõ về vấn đề này, luật thực hiện mười năm rồi nên lần này cần phải sửa kỹ”. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Sửa đổi luật này có tránh được tình trạng chuyển giá để trốn thuế mà dư luận đặt ra lâu nay không?”.

Không bàn luận về từng khoản sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ban soạn thảo phải tiếp tục nghiên cứu dự án luật theo tinh thần đổi mới căn bản những gì đã lạc hậu, không còn phù hợp.

“Hoạt động đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào VN, mình cứ tưởng là rất chặt nhưng lại có tình trạng chuyển giá, mà người ta lại cho rằng mình làm phiền hà đến họ… Trước đây kế toán của chúng ta là sổ, là viết tay, còn bây giờ là máy tính, chữ ký điện tử rồi thanh toán điện tử, chúng ta quy định thế nào?

Rồi tình hình tham nhũng, tiêu cực như vậy, Luật kế toán lần này có bắt được tham nhũng, bắt được lãng phí không? Rồi vai trò của kế toán trưởng tôi cứ thấy mờ nhạt dần, kế toán trưởng đâu phải là người ghi sổ theo ý của thủ trưởng” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đề nghị của Ủy ban Tài chính – ngân sách là cần quy định cấm lập hai hệ thống sổ kế toán dưới bất kỳ mục đích gì, Chủ tịch Quốc hội hỏi: “Các đồng chí nói không được làm hai sổ, nhưng doanh nghiệp nước ngoài sang đây phải làm một sổ theo kiểu VN, rồi làm một sổ theo quy định của công ty mẹ ở nước người ta, bây giờ cấm hai sổ thế nào?”.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hội thảo để hoàn thiện dự thảo luật đạt yêu cầu trình Quốc hội.

Tăng thuế bảo vệ môi trường không làm xăng tăng giá

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác (cụ thể, nhiên liệu bay tăng từ 1.000-3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500-1.500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 300-900 đồng/lít).

Mức thuế mới này được Chính phủ đề xuất tăng ngay từ ngày 1-4, tuy nhiên Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết việc áp dụng khẩn cấp như vậy không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên thời hạn áp dụng phải lùi lại một tháng (1-5-2015).

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, VN phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình. Giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay. Điều này khiến số thu cho ngân sách nhà nước giảm.

Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại VN hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng), Trung Quốc (khoảng 300 đồng), do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường là để bù một phần hụt thu ngân sách, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học.

Bộ trưởng Dũng cho biết khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%. “Như vậy tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết ASEAN, tính ra số tăng còn thấp hơn số giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ” – ông Dũng trình bày.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Khi giảm thuế xuất nhập khẩu 15% thì người dân ta kỳ vọng được hưởng lợi từ đó. Lấy một loại thuế để bù đắp một loại thuế khác với mặt hàng đó thì có nên không?”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: “Nếu giảm thuế xuất nhập khẩu mà không tăng thuế bảo vệ môi trường lên ngay thì chính các nhà xuất khẩu trong khối ASEAN hưởng lợi bởi họ sẽ nhân cơ hội này tăng giá bán cho VN”.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý thu thuế bảo vệ môi trường phải dùng vào việc bảo vệ, xử lý môi trường, “các đồng chí mà sử dụng vào việc khác là không được đâu”.

LÊ KIÊN