11/01/2025

Cần lập trung tâm điều phối quốc tế ở biển Đông

Trên trang mạng của Học viện Hải quân Mỹ, trung tá Jeff W. Benson vừa có bài viết (đăng tải ngày 9-3) kêu gọi thành lập trung tâm điều phối hàng hải quốc tế ở Indonesia.

 

Cần lập trung tâm điều phối quốc tế ở biển Đông

 

Trên trang mạng của Học viện Hải quân Mỹ, trung tá Jeff W. Benson vừa có bài viết (đăng tải ngày 9-3) kêu gọi thành lập trung tâm điều phối hàng hải quốc tế ở Indonesia.

 

 

 

 

 

Binh sĩ Mỹ trên tàu khu trục Sterett thuộc hạm đội 7 theo dõi hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc bằng ống nhòm hiện đại – Ảnh: hải quân Mỹ

Tác giả Benson, thuộc Trung tâm Tác chiến mặt nước hải quân, cho biết vào cuối năm ngoái, trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, đô đốc Harry B. Harris – tân tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương – đã khẳng định:

“Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một cường quốc quân sự ở khu vực và quyền lực kinh tế toàn cầu, đặc biệt việc nước này nhanh chóng hiện đại hoá quân sự đã tạo ra cơ hội lẫn thách thức cần phải giải quyết một cách hiệu quả. Đây là thách thức lâu dài nhất của chúng tôi”.

Mỹ cần chứng minh bằng hành động

Theo trung tá Benson, để đối mặt thách thức dài lâu đó, hải quân Mỹ cần nghiên cứu khả năng thành lập trung tâm điều phối hàng hải quốc tế (IMOC) ở Indonesia vừa để thể hiện sự cam kết của hải quân Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, vừa để điều phối các hoạt động hàng hải ở biển Đông và Ấn Độ Dương và dùng nó như một cơ chế mới để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bài báo cho biết hải quân Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực chế tạo tàu ngầm, tàu chiến và dự định đưa vào hoạt động ba tàu sân bay, duy trì khả năng phòng thủ biển dựa vào loại tên lửa đạn đạo chống tàu như DF-21D.

Đến năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động số tàu ngầm nhiều gấp đôi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, so với 60% số tàu ngầm Mỹ dự kiến triển khai ở đây.

Từ năm 2009, theo trung tá Benson, hải quân Trung Quốc đã có các chiến dịch liên tục và cải thiện hoạt động hậu cần trên Ấn Độ Dương. Trong giai đoạn 2013-2014, hải quân Trung Quốc tăng mức hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương với ba khu vực tách biệt cùng việc triển khai tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm chạy diesel – một cách thể hiện khả năng hải quân Trung Quốc đã điều phối được các chiến dịch hải quân trên biển.

Một mặt tập dượt trên Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng đồng thời tổ chức sự hiện diện rầm rộ của tàu bè dân sự trên biển Đông. Cục Hải dương nhà nước là cơ quan lớn của chính quyền Bắc Kinh.

Cục này quản lý luôn cả lực lượng tuần duyên và dự kiến sẽ có hơn 500 tàu quần thảo trên biển vào năm 2020, với nhiệm vụ mà trung tá Benson cho là “không chỉ nhằm tìm kiếm tài nguyên biển mà còn tìm hiểu luồng lạch dưới biển để hỗ trợ các hoạt động của tàu ngầm”.

Theo tác giả Benson, chiến lược tái cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương đã được các nhà hoạch định chiến lươc ở Washington chú tâm từ lâu nay và một lần nữa được nhắc lại trong chiến lược an ninh quốc gia 2015 mà Tổng thống Barack Obama vừa trình bày.

Chiến lược này cũng đặc biệt chú trọng đến tình trạng hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc và những đe doạ tiềm ẩn trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ cũng chủ trương việc cường quốc này sẽ “giữ vị trí cường quốc để quản lý cạnh tranh trong khu vực” và “sẽ giám sát chặt chẽ việc hiện đại hoá quân sự và mở rộng sự hiện diện ở châu Á của Trung Quốc, đồng thời tìm cách để giảm thiểu nguy cơ của sự hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm”.

Vì sao chọn Indonesia?

Trung tá Benson đề xuất trong chiến lược tái cân bằng, hải quân Mỹ nên thiết lập IMOC tại Jakarta để giám sát Ấn Độ Dương và biển Đông. Cơ quan này sẽ đóng vai trò như đường dây đầu tiên để tăng cường mối quan hệ với các lực lượng hải quân Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác.

Trong lĩnh vực hàng hải thì dạng trung tâm điều phối hoạt động với sự hỗ trợ của các lực lượng hải quân quốc tế là một khái niệm quen thuộc. Chẳng hạn ở Bahrain, “Lực lượng hàng hải kết hợp” là dạng quan hệ đối tác hải quân đa quốc gia của 30 quốc gia để thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong lĩnh vực hàng hải.

Trong Norwood (Anh), Bộ tư lệnh hải quân liên minh, một thành phần của NATO, điều hành hai tổ chức chính gồm một trung tâm điều phối hoạt động 24/7 để điều hành và kiểm soát các chiến dịch trên biển của NATO và một trung tâm tàu biển có nhiệm vụ phối hợp, đối thoại với giới vận chuyển trên biển về các mối đe doạ tiềm ẩn.

Theo trung tá Benson, IMOC sẽ có nhiệm vụ tương tự như thế: đảm bảo việc giao thương hàng hải vốn rất quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việc lựa chọn Indonesia làm nơi đặt trung tâm cũng có lý do: Indonesia là một nước lớn trong khu vực; Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo cũng mong muốn quốc gia của ông trở thành một cường quốc về hàng hải; vị trí của quốc gia này cũng nằm ở trung tâm giúp hạm đội 7 của Mỹ có thể bao quát vùng biển rộng lớn nhờ liên kết với 35 quốc gia trong khu vực.

Nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ chú ý hơn đến biển Đông

Theo tuần báo Le Point ngày 9-3, nghị sĩ Gwenegan Bui vừa cùng nghị sĩ Jean-Jacques Guillet trình báo cáo về những căng thẳng trên biển Đông cho Quốc hội Pháp. Trong báo cáo có tên gọi “Đông Nam Á ở hợp lưu của các đại dương”, hai ông kêu gọi chính phủ phải chú ý hơn đến khu vực này và cần có mặt ở điểm nóng này của thế giới.

Nghị sĩ Bui lý giải: “Đông Nam Á là nơi có 1/4 giao thương đường biển qua đây. Chỉ cần một sự cố ít nghiêm trọng xảy ra ở đây thì hậu quả của nó cũng có thể tương đương cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tôi có cần phải nhắc lại đợt sóng thần ở Nhật năm 2011 từng gây ra cuộc khủng hoảng ôtô kéo dài cho Pháp hay không? Nước Pháp cần phải có mặt để nhìn kỹ hơn những gì đang diễn ra ở đây”.

Trong khi đó, theo nghị sĩ Bui, có nhiều yếu tố đang quy tụ để khiến khu vực này thành lò lửa: “40% đơn hàng đặt mua tàu ngầm và 20% đơn hàng tàu chiến đến từ khu vực này”.

Vì vậy ông đề nghị Pháp không đóng vai làm trọng tài đứng giữa hai cường quốc trong khu vực muốn chiến tranh với nhau mà sẽ “đóng dấu” sự hiện diện dài lâu để các đối tác khác hiểu chuyện hơn.

Ông đề nghị: “Nếu Pháp, Anh và Đức hiện diện lực lượng hải quân lâu dài trong khu vực này, điều đó sẽ chứng minh cho các đối tác thấy rằng ba nước chúng ta chú ý khu vực này đến mức cao nhất. Nước Pháp phải thể hiện sự hiện diện ở mức cao nhất, với các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và lực lượng quân đội. Các quốc gia ở đây chìa tay với Pháp thì Pháp cần đáp ứng lại…”.

NGUYỄN QUÂN