Viên đạn bọc đường của Trung Quốc
Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney cảnh báo về nguy cơ ẩn sau “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.
Viên đạn bọc đường của Trung Quốc
Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney cảnh báo về nguy cơ ẩn sau “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.
Học giả Brahma Chellaney – Ảnh: Project Syndicate
|
Suốt nhiều năm nay, Trung Quốc đã và đang tìm cách bao vây Nam Á bằng chiến lược Chuỗi ngọc trai. Thuật ngữ này chỉ một mạng lưới cơ sở hạ tầng quân sự và cảng biển được xây dựng ở nhiều nước đối tác của Trung Quốc lẫn tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên biển Đông. Kết nối lại với nhau, chúng tạo thành một con đường chiến lược nối bờ biển phía đông Trung Quốc băng qua biển Đông, cắt ngang Ấn Độ Dương đến tận Trung Đông và sẽ giúp nước này tăng cường sức mạnh chiến lược cũng như khả năng tiếp cận hàng hải. Chẳng ngạc nhiên khi Ấn Độ và nhiều nước khác hết sức lo lắng trước tiến trình này.
Lớp ngụy trang mới
Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách che giấu ý định bằng tuyên bố muốn xây dựng Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 nhằm cải thiện giao thương và trao đổi văn hoá. Thế nhưng, những sáo ngữ đầy tính thân thiện khó có thể làm vơi đi lo ngại ở châu Á và các đối tác bên ngoài về mục tiêu thống trị khu vực của Trung Quốc. Bằng cách thiết lập sự thống trị dọc các tuyến đường giao thương huyết mạch song song với khiêu khích tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng, Bắc Kinh đang nỗ lực vẽ lại bản đồ địa chính trị ở châu Á.
Bằng chứng cho khía cạnh chiến lược của Con đường tơ lụa trên biển là việc chính quân đội Trung Quốc (PLA) đang hết sức tích cực trong các cuộc thảo luận về chủ đề này. Thiếu tướng Kỷ Minh Quy, thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, lập luận sáng kiến trên có thể giúp Trung Quốc tạo dựng một “hình ảnh mới” và “giành ảnh hưởng”.
Tuy nhiên, các chuyên gia của PLA vẫn cố che đậy sự liên kết giữa Con đường tơ lụa trên biển với Chuỗi ngọc trai. Thay vào đó, họ so sánh nó với các cuộc viễn chinh hồi thế kỷ 15 của hoạn quan Trịnh Hoà. Theo thành viên Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Tôn Tư Kính, Trịnh Hòa sử dụng Con đường tơ lụa trên biển thời cổ mà không đánh chiếm “một tấc đất nào” (mặc dù lịch sử chứng thực Trịnh đã dùng vũ lực – chẳng hạn như hành quyết các thủ lĩnh địa phương – để kiểm soát các tuyến đường huyết mạch).
Trong thực tế, không có nhiều điểm khác nhau giữa Con đường tơ lụa trên biển với Chuỗi ngọc trai. Dù Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật trông có vẻ hoà bình để thúc đẩy sáng kiến trên, song mục tiêu chính không phải là hợp tác cùng có lợi mà là chiếm uy thế chiến lược.
Lược đồ về kế hoạch Chuỗi ngọc trai của Trung Quốc – Ảnh: Ecurrentaffairs.in – Đồ hoạ: Du Sơn
|
Đừng trở thành con ếch
Hiện nay, Trung Quốc thường sử dụng viện trợ, đầu tư và các đòn bẩy khác để khiến các láng giềng ngày càng phụ thuộc về kinh tế cũng như tăng cường hợp tác an ninh với mình. Nước này đã và đang xây dựng cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu tại nhiều nước ven biển trong khu vực, không chỉ để tạo thuận lợi cho nhập khẩu tài nguyên khoáng sản và xuất khẩu hàng hóa sản phẩm mà còn để thúc đẩy các mục tiêu quân sự. Chẳng hạn, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD với Pakistan để phát triển cảng biển ở Gwadar do vị trí chiến lược của nó tại cửa eo biển Hormuz.
Năm ngoái, tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã 2 lần cập vào bến cảng mới trị giá 500 triệu USD do nước này đầu tư xây dựng ở thủ đô kinh tế Colombo của Sri Lanka. Trung Quốc còn nuôi ý định bỏ ra 1,4 tỉ USD để xây một khu phức hợp cảng biển 108 ha ở Colombo (Dự án này vừa bị nội các mới nhậm chức của Sri Lanka đình chỉ vì thiếu minh bạch và vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường – ND).
Bắc Kinh đang có những bước đi cẩn thận để có thể tiếp tục tiến đến mục tiêu mà không gây hoảng sợ cho các bên. Để mô tả tình hình hiện nay, học giả Mỹ John Garver đã sử dụng một truyện ngụ ngôn của Trung Quốc: “Con ếch nằm trong nồi nước ấm cảm thấy rất thoải mái và an toàn. Nó không hề nhận ra nhiệt độ nước từ từ tăng lên và cuối cùng bị nấu chín hồi nào không hay”. Nhìn theo hướng này thì không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc mời Ấn Độ tham gia sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển. Mục đích không chỉ để xoa dịu lo ngại mà còn nhằm phân rẽ quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Mỹ và Nhật Bản.
Kế hoạch Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc kết hợp các mục tiêu kinh tế, ngoại giao, năng lượng và an ninh nhằm tạo ra một mạng lưới rộng lớn các cơ sở liên kết để thúc đẩy thương mại, hỗ trợ xâm nhập chiến lược và mở đường hoạt động cho lực lượng tàu ngầm. Với tiến trình này, Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập một trật tự châu Á không dựa trên sự cân bằng quyền lực với Mỹ mà dựa trên quyền bá chủ của mình. Chỉ có một sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, đồng minh mới có thể ngăn chặn chiến lược này.
Theo Tân Hoa xã, trong buổi họp báo bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8.3 ngang ngược tuyên bố các hành động bồi đắp xây dựng của nước này trên biển Đông là “hợp pháp và cần thiết trên đảo và bãi đá của chúng tôi”. Thực chất, nhiều quốc gia, kể cả những nước không tham gia tranh chấp như Mỹ, và giới học giả đã bày tỏ lo ngại về hành vi bồi đắp, cải tạo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Ngày 5.3, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng khẳng định VN phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái này.
|
Brahma Chellaney
(Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ) – Danh Toại (trích dịch) © Project Syndicate