11/01/2025

“Rớt” từ cái nhìn đầu tiên

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, không chỉ đi xin việc mà còn khi đi gặp khách hàng, người lạ mặt.

 

“Rớt” từ cái nhìn đầu tiên

 

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, không chỉ đi xin việc mà còn khi đi gặp khách hàng, người lạ mặt. 

 

 

 

Tôi ngồi ở một quán cà phê để làm việc và lướt web. Quán vắng, chỉ mình tôi là khách. Vì quán vừa đổi địa điểm để nâng cấp cho địa điểm cũ nên hiện cần tuyển thêm nhân viên, thông tin đăng tải trên fanpage tại Facebook.

Một bạn nữ bẽn lẽn bước vào nộp hồ sơ và đối diện với chủ quán để phỏng vấn. Bạn mặc chiếc áo khoác thun tay dài, kéo dây kéo đến cổ, chân mang dép nhựa.

Chị chủ quán nhắc nhở trang phục này gây mất thiện cảm vì thể hiện sự không chuẩn bị, sẵn sàng để bắt đầu một công việc phục vụ người khác.

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, không chỉ đi xin việc mà còn khi đi gặp khách hàng, người lạ mặt. Những câu hỏi về sau chủ yếu về kinh nghiệm, thời gian và khả năng gắn bó với quán lâu dài. Tôi thoáng nhìn cuộc hội thoại ấy, bạn trẻ kia đã mất ít nhất 3/10 điểm để được nhận làm việc.

Tầm 30 phút sau, một bạn nữ khác cũng bước vào với tâm thế tìm việc làm. Bạn ngồi vào ghế để chờ trình hồ sơ, nói chuyện với chủ quán chưa bao lâu lại đứng lên.

Tôi mải mê nhìn vào màn hình máy tính nên không chú ý lý do của sự việc trên, chỉ ngẩng mặt lên khi nghe thấy: “Chị nhắc em cái này để em rút kinh nghiệm. Ở đâu cũng vậy, khi đi phỏng vấn em cần mặc quần áo lịch sự một chút. Không nhất thiết phải quần tây, áo sơmi “đóng thùng”, giày dép chỉn chu nhưng quần lửng, áo thun, mang dép thì không được hay cho lắm.

Làm ở quán cà phê tuy thoải mái nhưng phải nằm trong phạm vi tôn trọng khách hàng và chủ quán, hôm nay em mặc như thế này thì ấn tượng với chị không đẹp rồi. Chị sẽ giữ hồ sơ của em ở lại đây. Khi nào em muốn thì quay lại phỏng vấn và nhớ lời chị nói hôm nay nha”.

Bạn gái tự nhìn lại mình và chỉ biết cảm ơn rồi bước ra cửa. Chị chủ quán quay lại công việc sau khi lắc đầu nhìn bạn trẻ ra về.

Từ câu chuyện tại quán cà phê, tôi ngẫm lại chuyện quy định không được mặc quần jean khi đến giảng đường của một số trường ĐH, CĐ. Đúng là mọi thứ đều có lý do.

Một số bạn trẻ hiện nay suy nghĩ khá thoáng trong cách ăn mặc. Thoáng đến mức đánh mất thiện cảm của mình với người khác. Thoáng đến mức không xây dựng được cho mình một tác phong phù hợp khi bước vào mỗi môi trường khác nhau.

Việc chọn trang phục phù hợp khi đến những môi trường khác nhau cũng là một cách tôn trọng bản thân mình, tôn trọng ánh nhìn của những người xung quanh.

Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh sinh viên mặc áo mỏng tang khi đến trường được chia sẻ trên mạng xã hội; mặc đồ khiến người đối diện không biết xưng hô “anh” hay “chị” cho phù hợp… khi đi ngang các trường ĐH, CĐ.

Đọc các bình luận dưới những hình ảnh ấy người thì bảo: “Người ta thích mặc cái gì thì kệ người ta, quan trọng là cái tâm người đó như thế nào thôi chứ!”, hay thậm chí bình luận theo kiểu: “Các em làm tốt, cứ tiếp tục phát huy. Anh ủng hộ. Các em là động lực đi học của các anh”…

Chắc cũng không phải tự nhiên khi người ta chia trang phục thành nhiều loại khác nhau như: dạ hội, công sở, đi biển, dạo phố… để mọi người biết chọn lựa trang phục phù hợp.

Như các bạn trẻ kể trên, không thể đổ thừa cho hai chữ “thiếu thốn” vì một sự tươm tất cơ bản khó tìm đến thế sao? Nếu có thì lại là “thiếu thốn” thứ khác chứ không phải áo quần, dép guốc…

Trước khi tôi rời quán, một bạn nữ khác vừa bước vào để xin việc. Quần dài, áo thun tay dài, giày búp bê và cuộc phỏng vấn với người chủ quán không ngắn ngủi, chóng vánh như hai bạn trước…

MỸ DUYÊN