11/01/2025

Nóng với chọn ngành, chọn nghề

30.000 học sinh từ hơn 70 trường THPT tại ĐBSCL đã đến dự hội trong ngày 8-3.

 

Nóng với chọn ngành, chọn nghề

30.000 học sinh từ hơn 70 trường THPT tại ĐBSCL đã đến dự hội trong ngày 8-3.  

 


 

 

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Cần Thơ sáng 8-3 – Ảnh: Quang Định
Chúng tôi coi đây là một hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích. Trên xe, chúng tôi cũng chia sẻ với các em rằng đây là cơ hội để các em được trao đổi, tìm hiểu về ước mơ của mình. Các em sẽ thấy được môi trường ĐH như thế nào, cơ hội ngành nghề ra sao… để khẳng định lại một lần nữa lựa chọn của mình
Thầy LÊ THẾ VINH (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hậu Giang)

Hơn 70 trường THPT tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức đưa 30.000 học sinh (HS) đến với ngày hội từ sáng sớm 8-3.

Các chuyến xe nối đuôi nhau đưa HS vào khuôn viên rộng lớn của Trường ĐH Cần Thơ, mang theo những bài toán nghề nghiệp chưa có lời giải, những băn khoăn chọn lựa lối đi trước cánh cửa tương lai đang mở trước mắt.

Làm thế nào để thuyết phục cha mẹ đồng thuận với ước mơ, với ngành nghề mình chọn là ưu tư của khá nhiều bạn trẻ trong buổi tư vấn tâm lý – sức khỏe – gỡ rối hướng nghiệp.

Thuyết phục cha mẹ theo ngành mình thích

Bạn Lê Hoàng Ân, sinh viên năm nhất ngành bảo vệ thực vật Trường ĐH Cần Thơ, đã làm hội trường nóng lên khi đặt câu hỏi từ chính bản thân. Ân cho biết mình rất mê ngành báo chí, năm đầu thi đại học Ân đã thi hai ngành nhưng rớt ngành báo chí và đậu ngành bảo vệ thực vật.

Ân dự định xin cha mẹ luyện thi năm nữa để đeo đuổi ước mơ trở thành phóng viên, nhưng cha mẹ Ân không đồng ý mà muốn Ân theo ngành bảo vệ thực vật để sau này có kiến thức phụ giúp gia đình làm nông.

Sau khi học được gần một năm, Ân cảm thấy chán nản, mệt mỏi, kết quả học tập không khả quan như mong muốn. Ân hỏi ban tư vấn làm thế nào để thuyết phục cha mẹ quay trở lại ước mơ lớn của mình là trở thành phóng viên.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – nói với Ân nếu đeo đuổi ngành mà mình không có đam mê, không có hứng thú thì khó có thể thành công sau này trong cuộc sống. Nên vì tương lai lâu dài, bạn hãy cố thuyết phục cha mẹ lần nữa.

TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM – chia sẻ với Ân rằng bạn đã thất bại trong việc chọn ngành bảo vệ thực vật và cứ tiếc hoài giấc mơ đeo đuổi ngành báo chí. Nhưng liệu ngành này có phù hợp với khả năng của bạn?

Để chắc chắn, TS Mai mời Ân đến với gian ĐHQG TP.HCM, ở đó bạn làm những trắc nghiệm, biết được những điểm chuẩn, từ đó biết khả năng của mình có phù hợp với ngành này hay không.

Cũng theo TS Mai, trường hợp của Ân không phải cá biệt. Đã có rất nhiều sinh viên, thậm chí có bạn học đến năm thứ tư mới thấy rằng ngành theo học là lựa chọn không đúng. Lúc đó đã mất khá nhiều thời gian, tiền bạc… để quay lại làm từ đầu. Không đam mê thì càng học càng chán nản, thời gian học càng lâu càng nguy hiểm, bởi bạn có khả năng rơi vào tầm ngắm thi lại và có nguy cơ bị đuổi học.

Cho nên trước khi đăng ký chọn ngành nghề cho tương lai đời mình, các bạn hãy theo tư vấn hướng nghiệp thật kỹ để có những bước đi thật chắc, tránh những sai lầm đáng tiếc trong cuộc đời mình.

Sau khi được tư vấn, bạn Ân cho biết sẽ thuyết phục cha mẹ để thi ĐH lần nữa vào ngành báo chí như mơ ước bấy lâu nay. Ân kể suốt một năm qua bạn đã âm thầm luyện hai môn: văn và địa. Sau buổi tư vấn, bạn sẽ tăng tốc luyện thêm môn sử để kỳ thi tuyển sinh tới bạn sẽ đăng ký vào khối C ngành báo chí.

Ân bộc bạch: “Dẫu muộn nhưng em sẽ cố gắng đeo đuổi mơ ước của mình. Vì qua buổi tư vấn cũng như qua thực tế em thấy sống không hợp với ngành mình chọn thật khổ sở và chán nản dường nào. Mà ngành học sẽ thành nghề đi theo mình suốt cả đời người…”.

Tương tự bạn Ân, bạn Lữ Thị Kiều Muội – thí sinh tự do – cho biết đang ôn thi để thi vào ngành hướng dẫn viên du lịch nhưng lúc này bạn đang phân vân, khó xử bởi cha mẹ nói ngành này chi phí học rất tốn kém vì trong quá trình học phải xuất tiền túi đi suốt mới biết nhiều về địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.

Cha mẹ chỉ muốn bạn vào ngành công an. Vậy làm sao để thuyết phục cha mẹ đồng thuận với bạn trong việc chọn nghề để bạn an tâm có được sự cổ vũ của người thân trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới?

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh khuyên bạn Muội rằng giờ thời đại thông tin phát triển nên bạn có thể lên mạng tìm hiểu những địa điểm, di tích lịch sử, từ đó nắm vững kiến thức lịch sử nhiều mà không cần phải tốn kém chi phí để đi đến đó mới biết hết được. Một khi bạn đã có kiến thức, khả năng trình bày thuyết phục lưu loát, bạn hãy chứng tỏ cho cha mẹ biết rằng con phù hợp với khả năng của mình…

Hàng chục ngàn học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Cần Thơ năm 2015 – Ảnh: Như Hùng

Hãy lắng nghe trái tim mình

Ngay từ khi chương trình chưa khai mạc, các gian tư vấn đã kín chỗ. Lối đi dọc các khu vực tư vấn thỉnh thoảng lại tắc nghẽn vì các bạn HS dừng lại, tham gia các hoạt động phong phú mà các trường mang đến ngày hội. Vẫn là “cơn mưa” quà tặng, phiếu bắt thăm, cơ hội học bổng, trò chơi, ca nhạc…thu hút đông đảo HS hòa vào không khí sôi nổi, trẻ trung, đầy chất sinh viên của ngày hội.

Đầy chất sinh viên bởi hình ảnh năng động của sinh viên các trường đến với ngày hội để tư vấn, gặp gỡ lứa đàn em với những lời khuyên, kinh nghiệm học và thi. Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ trong màu áo đồng phục đứng dọc con đường từ cổng trường vào khuôn viên, tay cầm những tấm bảng hướng dẫn.

Hội đồng hương sinh viên các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp… cũng chia nhau đón các đoàn xe đến dự ngày hội, hào hứng đón các thầy cô giáo và HS từ trường cũ hay địa phương của mình rồi hướng dẫn vào tham gia các khu vực của ngày hội.

Sinh viên, học viên hơn 100 trường CĐ, ĐH, trung cấp, trường nghề, các trung tâm giáo dục cũng sẵn sàng tiếp nhận những thắc mắc, tặng những món quà và tờ thông tin về ngành nghề HS quan tâm.

Đặc biệt hơn, ca sĩ Thanh Duy – cựu sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Cần Thơ – cũng có mặt tại ngày hội và chia sẻ câu chuyện chọn ngành, chọn nghề của mình bên cạnh những bài hát và vũ điệu sôi động.

Chàng ca sĩ kiêm giáo viên ngoại ngữ này cũng nhắn nhủ các bạn HS: “Khi còn là HS THPT Duy đã thích ngành sư phạm tiếng Anh, và vì quá thích nên Duy tự nhủ phải cố gắng để vào được ngành học mà mình yêu thích. Với kinh nghiệm sau bốn năm học ĐH và trưởng thành, Duy mong các bạn hãy lắng nghe trái tim mình mách bảo và hãy học tập bằng tất cả sự đam mê và cố gắng”.

Mỗi gian tư vấn đều cố gắng mang đến những món hàng “độc” và “lạ” để níu chân các bạn HS ở lại với khu vực của trường mình.

Nhóm HS Trường THPT Lê Hồng Phong, Sóc Trăng ngạc nhiên hỏi nhau: “Sao trước giờ mình không biết có viện này ta?” khi đến với gian tư vấn sinh động với hàng loạt bức tượng nhân vật hoạt hình quen thuộc của Viện Truyện tranh và hoạt hình VN.

Các HS dừng chân lâu hơn trước bức panô lớn ở khu vực tư vấn của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM. Mỗi HS được phát một quả bóng nhỏ để ném vào những ô cửa chọn ngành nghề của trường này. Những phần quà nho nhỏ như quạt, sổ được trao cho những cú ném chính xác. Trường đào tạo Bếp Vàng và Trung tâm hướng nghiệp Á Âu trưng bày hàng loạt bức tranh trang trí từ trái cây với chủ đề chào mừng Ngày quốc tế phụ nữ 8-3.

Trường ĐH Võ Trường Toản lại có dịch vụ cân sức khỏe, đo chiều cao, kiểm tra thị lực miễn phí. Các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ TP.HCM tiếp tục giới thiệu những sản phẩm robot tự động, xe điều khiển do sinh viên chế tạo… Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ lại thu hút HS bằng những bức tranh gạo đẹp mắt, vẽ tặng tranh chân dung và viết thư pháp…

Thầy Lâm Quốc Nam – giáo viên vật lý Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng – cho biết năm nay trường có khoảng 600 HS tham gia ngày hội. Mọi năm chỉ có HS khối 11,12 đi, nhưng năm nay có thêm HS khối 10 cũng muốn được định hướng nghề nghiệp sớm. Ngoài thời gian học tập ở trường, các em cần ra ngoài để mở mang kiến thức và tìm thêm thông tin về ngành nghề mình chọn.

Nhiều thắc mắc về đăng ký môn thi và xét tuyển

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên – kỹ thuật – y dược – nông lâm… rất nhiều HS và phụ huynh thắc mắc cách thức đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Giải đáp những vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – cho hay năm nay sẽ có các đối tượng dự thi: thí sinh dự thi nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ; thi chỉ xét tốt nghiệp THPT và thí sinh tự do chỉ với mục đích xét vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh phải đánh dấu vào các ô đối tượng tương ứng khi đăng ký dự thi.

Sau đó, thí sinh phải đăng ký môn thi. Đối với thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT phải thi bốn môn toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn (lý, hoá, sinh, sử, địa).

Trường hợp các em học chương trình giáo dục thường xuyên không được học ngoại ngữ hoặc học ngoại ngữ không đảm bảo điều kiện thì thí sinh được thay thế môn ngoại ngữ bằng môn khác.

Trong trường hợp này thí sinh chỉ thi hai môn bắt buộc là toán, văn và được quyền chọn hai môn trong số các môn còn lại. Ngoài ra, để xét tuyển vào ĐH, CĐ các em phải đăng ký thêm các môn tùy theo yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ quy định.

“Thí sinh được đăng ký tối đa tám môn sẽ có nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ hơn nhưng việc ôn tập không hiệu quả nên các em phải cân nhắc đăng ký các môn thi sao cho hợp lý, chọn năm, sáu môn là vừa” – ông Nghĩa khuyên.

Về việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, sau khi có kết quả thi thí sinh sẽ nhận được bốn phiếu chứng nhận kết quả thi, trong đó có một phiếu dùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và ba phiếu còn lại dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thí sinh chỉ được quyền nộp vào một trường với bốn ngành. Các trường sẽ xét ưu tiên các ngành này theo thứ tự từ 1-4.

Trong thời gian 20 ngày của đợt 1, thí sinh được quyền rút hồ sơ để nộp sang trường khác hoặc thay đổi nguyện vọng ở trường đó.

“Để có cơ sở tham gia xét tuyển, Bộ GD-ĐT quy định ba ngày/lần các trường phải công khai thông tin đăng ký xét tuyển. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 thí sinh sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt còn lại. Nếu trượt nguyện vọng 1, thí sinh được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung cũng giống như xét tuyển nguyện vọng 1, tuy nhiên thí sinh không được rút hồ sơ trong quá trình đăng ký xét tuyển” – ông Nghĩa cho biết. 

Về việc thí sinh không thi đủ các môn đã đăng ký, ông Nghĩa lưu ý nếu thí sinh thi thiếu một trong bốn môn xét tốt nghiệp sẽ không được công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu như trước ngày thi thí sinh bị bệnh có xác nhận của bệnh viện và kết quả học tập đạt loại khá trở lên sẽ được đặc cách tốt nghiệp.

Còn việc xét tuyển ĐH, CĐ dựa vào tổ hợp môn thi do các trường quy định. Thí sinh phải thi đủ các môn này mới được xét tuyển ĐH, CĐ.

TRẦN HUỲNH

GS.TSKH Bùi Văn Ga (thứ trưởng Bộ GD-ĐT):

Ảnh: Như Hùng

Giúp các em vững tin

Khi đến với ngày hội, hầu hết thắc mắc, băn khoăn của thí sinh từ chọn ngành, chọn trường đến chọn môn thi phù hợp với năng lực, sở trường đều được giải đáp, tư vấn tường tận, giúp các em vững tin bước vào mùa thi sắp tới. Kinh nghiệm tốt trong cách ra đề thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây như đề thi dạng mở, khuyến khích vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không bắt buộc thí sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc… sẽ được tiếp tục phát huy trong kỳ thi THPT quốc gia những năm sắp tới. Điểm mới nổi bật của kỳ thi năm nay là giảm dần sự bắt buộc và tăng dần sự lựa chọn của thí sinh, từ lựa chọn môn thi đến chọn trường, chọn ngành.

*  GS Võ Tòng Xuân:

Ảnh: Chí Quốc

Học sinh được chọn trường, trường phải tự đổi mới

Có mặt tại ngày hội, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: “Với quy chế mới đã được công bố, tôi cho rằng năm nay là lúc học sinh có được quyền chọn trường đúng theo ý mình muốn bởi khi còn thời “ba chung”, phần lớn HS phải chạy theo tỉ lệ chọi, có khi nộp hồ sơ rất nhiều trường để đến giờ chót mới chọn ngành. Tôi chỉ thấy tiếc là đáng lẽ HS có quyền xin 4-5 phiếu điểm để nộp hết những trường mà mình thích nhưng Bộ GD-ĐT chỉ cho nộp một trường. Khi HS có quyền chọn trường nào đó có đủ trang thiết bị, cán bộ giảng dạy có uy tín, trường có tên tuổi, có điều kiện để học tập (thư viện, thể dục thể thao, văn nghệ…) thì các trường nào không đáp ứng được phải biết tự đổi mới, tự nâng cao mới có HS chọn học”.

* Ông Trần Hữu Hiệp (vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ):

Ảnh: Chí Quốc

Kết nối được các cơ quan quản lý, các trường học và cộng đồng

Lần này là năm thứ 13 báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng thí sinh và phụ huynh, góp phần giải tỏa mối lo, cung cấp thông tin chọn ngành, chọn trường, đặc biệt là hướng nghiệp cho các em. Tôi thấy chương trình này tiếp tục khẳng định là một thương hiệu của Tuổi Trẻ bởi nhiều đơn vị khác cũng làm tư vấn tuyển sinh nhưng chương trình của Tuổi Trẻ đã được nhìn nhận. Điều đó thể hiện ở chỗ Bộ GD-ĐT đã chọn chương trình này làm một kênh công bố, thông tin, quy chế thi và tuyển sinh cùng sự tham gia của đông đảo phụ huynh, cơ quan ban ngành và học sinh. Ngoài gây được sự quan tâm và thực chất cung cấp được thông tin bổ ích, chương trình này còn kết nối được các cơ quan quản lý, các trường học và cộng đồng.

CHÍ QUỐC ghi

Bên lề

* Chở theo ước mơ

12 giờ. Giữa trưa nắng, cậu học trò lớp 12A7 Trường THPT Cái Tắc (Hậu Giang) Mai Văn Đạt chạy xe máy chở người bạn cùng lớp vượt quãng đường mười mấy cây số đến với ngày hội.

Không vội đi tham quan, nhận quà tặng từ các gian tư vấn như các bạn cùng lứa, hai cậu trò tranh thủ vào khu vực tư vấn chuyên sâu ở hội trường Rùa của Trường ĐH Cần Thơ để được nghe các thầy cô tư vấn về quy chế thi và các ngành nghề.

Đạt tâm sự: “Gia đình em trồng rau, làm ruộng, anh chị nghỉ học sớm để mưu sinh, hiện chỉ có em và một đứa em đang được đi học đàng hoàng. Em quan tâm đến ngành viễn thông và đến ngày hội để hỏi thêm thông tin về ngành này, đặc biệt là cơ hội vào các trường cao đẳng”. Em nói rất lo lắng vì năm nay thay đổi quy chế thi, nhưng cũng hi vọng mình sẽ có cơ hội vào được trường ĐH hoặc CĐ để sau này có thể đỡ đần cho gia đình vì “ba mẹ lo làm ruộng, chỉ mong con cái được học hành”.

* Những thí sinh đặc biệt

Nhóm nhà sư Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng tham dự ngày hội tại Trường ĐH Cần Thơ trưa 8-3 – Ảnh: Quang Định

Trưa 8-3, nhóm các nhà sư đến từ Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ xuất hiện tại ngày hội trong những chiếc áo vàng, trên tay là những cuốn sổ ghi lại thông tin cần thiết từ khu vực tư vấn các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y dược, nông lâm…

Sư Danh Trần Vinh, 25 tuổi, người Khmer, HS lớp 12 của trường, cho biết nhóm có mười nhà sư cùng đến ngày hội để tham khảo thông tin. Đa số các sư đều học chương trình THPT khi đã lớn tuổi hơn các bạn lớp 12 khác nên việc học cũng có khó khăn hơn và áp lực cũng nhiều hơn. Sư Danh Trần Vinh cho biết dự định chọn ngành sư phạm văn cho tương lai của mình và cố gắng tìm kiếm những thông tin hữu ích tại ngày hội.

LƯU TRANG

 

LƯU TRANG – MINH TÂM