Than trời với chung cư
Từ nay đến tháng 6-2015, TP.HCM sẽ kiểm tra 1.244 chung cư tại thành phố. Liệu việc kiểm tra này có giải quyết được thắc mắc, khiếu nại, tranh chấp… lâu nay ở các chung cư không?
Than trời với chung cư
Từ nay đến tháng 6-2015, TP.HCM sẽ kiểm tra 1.244 chung cư tại thành phố. Liệu việc kiểm tra này có giải quyết được thắc mắc, khiếu nại, tranh chấp… lâu nay ở các chung cư không?
Chung cư Cô Giang (Q.1, TP.HCM) đã nhiều lần được chỉ đạo di dời, tháo dỡ khẩn cấp. Mới đây UBND Q.1 lại tiếp tục xin chủ trương tháo dỡ do công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng gây nguy hiểm cho người dân sống tại đây – Ảnh: Quang Định |
UBND TP.HCM vừa có kế hoạch tổng kiểm tra hơn 1.200 chung cư trên địa bàn. Phải chăng hoạt động của các chung cư đang có nhiều vấn đề bức xúc?
Chung cư Bàu Cát 2, quận Tân Bình có diện tích rộng, bao gồm nhiều lô nhưng chỉ một vài lô có bảo vệ trực thường xuyên. Chị Thu (chủ căn hộ ở lầu 1, lô E) cho biết: “Lô E có 4 tầng nhưng không có bảo vệ, tài sản mạnh ai nấy giữ”.
Lắc mạnh vào lớp cửa kéo tự làm thêm bên ngoài, chị Thu nói: “Làm cho yên tâm thôi!”. Chị Thu lo lắng là có lý do dưới chung cư rất đông hàng quán buôn bán, người lạ ra vào thường xuyên. Bủa vây phía dưới các lô của chung cư Bàu Cát 2 là các quán cà phê. Mỗi mùa bóng đá là người dân ở đây bị “tra tấn” bởi tiếng ồn ào.
Theo chị Thu, mùa World Cup vừa rồi, chủ quán cà phê mang tivi ra ngoài, người tới xem la hét ùm sùm điếc tai.
“Ở đây, buổi tối họ buôn bán đồ ăn, nhậu nhẹt. Người tới ăn uống, đi vệ sinh trong nhà vệ sinh ở tầng trệt. Rồi tiền điện, tiền nước chúng tôi phải trả” – một người dân chung cư Bàu Cát 2 bức xúc.
Hầm chứa phân và nước thải lộ thiên ở chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Hầm phân… lộ thiên
“Kinh dị” nhất là ở chung cư Nguyễn Chí Thanh (155 Nguyễn Chí Thanh, quận 5), hầm chứa phân, nước thải sinh hoạt được xây nổi ngay trong tầng hầm – nơi làm bãi giữ xe. Bước vào tầng hầm là mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi.
Chỉ vào một bể ximăng lớn sát tường, trên thành bể có những vết ố vàng, ông Lê Quách Lục nói: “Nước trong đây tràn ra cả sàn ximăng”. Ông Lục cho biết hôm nay nhân viên đã dọn dẹp, lau rửa nhưng từng vũng nước lớn vẫn đọng lại dưới sàn.
“Dân phản ảnh rần rần. Chúng tôi báo với chủ đầu tư nhưng vẫn không thấy ai nói gì” – ông Lục kể.
Ông Đinh Trí Dũng – phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5, chủ đầu tư chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh – xác nhận hầm chứa phân của tòa nhà đặt nổi tại tầng hầm của chung cư.
Một cán bộ phòng kinh doanh của công ty giải thích vị trí đặt hầm phân theo đúng thiết kế của công trình, đi theo hệ thống xử lý nước thải. Bình thường hệ thống xử lý nước thải này hoạt động an toàn nên không ảnh hưởng gì đến bên ngoài. Chỉ khi có sự cố mới rò rỉ mùi hôi ra ngoài.
18 năm đi gửi xe nhờ Mòn mỏi, thất vọng… cũng là cảm nhận chung của các hộ dân ở chung cư 40/8 Tăng Bạt Hổ (P.11, Q.Bình Thạnh) khi suốt 18 năm nay phải đi gửi xe nhờ khắp nơi. Nhà cũ, theo thiết kế chỉ có chỗ để xe đạp. Nhưng vị trí ấy nay là nhà riêng của người khác, chủ nhân của nó không chịu trả lại cho Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh (RESCO) để làm bãi giữ xe cho chung cư. Người dân liên tục gửi đơn lên chính quyền địa phương mong muốn RESCO giải quyết nơi để xe. Phía công ty cũng nhiều lần hứa hẹn. Nhưng đến nay sau 18 năm, hơn 20 hộ dân chung cư này vẫn lang thang tìm chỗ gửi xe qua ngày. |
Chung cư Nhất Lan 3 (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) mới đi vào hoạt động hơn một năm nhưng bắt đầu xuống cấp.
Chị Mai, cư dân lầu 11, thở dài nói: “Nhà tui chuyển đến đây từ tháng 2-2014, ít lâu sau thấy rất nhiều vết nứt ngang nhỏ chạy quanh nhà. Mưa thì nước tràn vô cửa sổ, tường nhà nứt, nước sinh hoạt thì ngâm chiếc khăn trắng một lát là bị ố vàng, vật dụng trong nhà tắm gỉ sét hết. Thang máy bước vô nó đứng luôn không chạy được, bấm hoài không đi, có bữa còn chạy lên xuống tùm lum”.
Chị Mai còn nói khi chào bán, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Bình Chánh (BCCI) khẳng định sẽ có công viên cây xanh đầy đủ, nhưng đến nay dù có trồng thêm một số cây nhưng quang cảnh xung quanh chung cư vẫn trơ trụi, không có bóng mát, nhiều cây mới trồng đã chết khô.
Đủ mánh khoé của chủ đầu tư
Bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ dân ở tầng 4 chung cư 540/1 Cách Mạng Tháng 8 (phường 11, quận 3), cho biết hơn 10 năm kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua nhưng chủ đầu tư chưa giao quyền quản lý nhà chung cư cho đại diện người dân.
Theo bà Hoa, chủ đầu tư vẫn quản lý chung cư, nhận giữ xe của người bên ngoài để choán hết lối thoát hiểm của cư dân. Nhà sinh hoạt công cộng trở thành trụ sở của chủ đầu tư. Từ năm 2011, chủ đầu tư tự ý xây dựng căn hộ một trệt một lầu trên sân thượng.
Sau đó, UBND TP.HCM có quyết định xử phạt nhưng đầu năm 2015 căn nhà trên sân thượng không những không được tháo dỡ mà còn được hoàn thiện thành căn… penthouse. Khi người dân phản ảnh, UBND phường ra quyết định buộc tháo dỡ thì chủ nhà mới tháo dỡ.
Người dân ở chung cư Phú Mỹ, đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) cũng nhức đầu về cách phân chia sở hữu chung – riêng tầng hầm để xe và chuyện thiếu minh bạch trong công tác quản lý tài chính của ban quản trị chung cư.
Trong hợp đồng mua nhà không nói rõ tầng hầm để xe, phòng đọc sách, phòng tập thể dục… thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Hiện nay chủ đầu tư đã được cấp giấy chủ quyền diện tích phòng đọc sách, phòng tập thể dục thẩm mỹ. Còn phí thu được từ việc kinh doanh dịch vụ giữ xe ở tầng hầm được “chia đôi”, tức 50% thuộc về chủ đầu tư và 50% thuộc về cư dân chung cư.
Tại chung cư Giai Việt ở đường Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8, người dân cũng bức xúc khi hàng loạt vấn đề như cơ sở vật chất không đúng hợp đồng, phòng cháy chữa cháy… đều không như chủ đầu tư từng hứa hẹn.
Anh Bách, ngụ tại tầng 21 lô A1 chung cư Giai Việt, cho biết trong hợp đồng thiết kế đường ống dẫn nước sinh hoạt được sử dụng là nhựa Ppr (nhựa cứng chịu lực) nhưng chủ đầu tư thay thế bằng một loại nhựa khác. Loại gỗ để làm cửa ra vào cũng được cam kết là gỗ tự nhiên nhưng chủ đầu tư lại làm bằng gỗ ghép.
“Lúc mới chuyển về ở, không biết đơn vị thi công như thế nào mà mỗi khi mưa đổ xuống, nước lại rò rỉ qua khe co giãn chảy xuống tầng hầm B1. Khi người dân phản ảnh, chủ đầu tư khắc phục bằng cách… đặt máng xối để gom nước” – anh Bách phàn nàn.
16 vấn đề tranh chấp, khiếu kiện ở chung cư 1. Tranh chấp về quyền sở hữu chung: 21 chung cư 2. Về kinh phí quản lý vận hành: 17 chung cư 3. An toàn phòng cháy chữa cháy: 15 chung cư 4. Kinh phí bảo trì: 13 chung cư 5. Hội nghị nhà chung cư: 12 chung cư 6. Chất lượng công trình: 11 chung cư 7. Chọn doanh nghiệp quản lý vận hành: 11 chung cư 8. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà: 8 chung cư 9. Phí trông giữ xe: 8 chung cư 10. Hoạt động của ban quản trị: 8 chung cư 11. Môi trường – vệ sinh 7 chung cư 12. An ninh trật tự: 7 chung cư 13. Tranh chấp hợp đồng mua bán: 6 chung cư 14. Không bàn giao hồ sơ hoàn công: 6 chung cư 15. Diện tích căn hộ: 5 chung cư 16. Bảo hành nhà chung cư |